Giới thiệu quy trình kỹ thuật điều chỉnh bổ sung 2017

Kỳ 3

Trồng mới cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray. Ảnh: Văn Vĩnh
Trồng mới cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray. Ảnh: Văn Vĩnh

Các hạng đất I, II và III là các loại đất trồng được cao su. Hạng IVa (không  thích hợp hiện tại) nếu trồng cao  su phải kèm theo các phương án cải tạo được Tập đoàn chấp thuận. Hạng IVb là hạng đất không trồng được cao su vĩnh viễn.

– Thời gian KTCB theo hạng đất: Thời gian kiến thiết cơ bản của lô cao su tính từ năm trồng được quy định tùy theo mức độ thích hợp của vùng đất canh tác, như theo điều 73 – QT 2012 (vùng đất thích hợp hạng I: 6 năm, vùng đất thích hợp hạng II: 7 năm và vùng đất thích hợp hạng III: 8 năm)

Phân hạng vùng khí hậu trồng cao su

Vùng khí hậu không thích hợp trồng cao su là vùng có cao trình vượt 600m ở miền núi phía Bắc và 700m ở các vùng còn lại. Riêng khu vực Tây Nguyên, các vùng đã có thực nghiệm hoặc thực tế trồng cao su có hiệu quả, được khảo nghiệm trồng trên vùng khí hậu cao trình từ 700m đến 800m.

Đối với các vùng cao trình dưới 700m  nhưng khí  hậu sẽ không thích hợp trồng cao su khi vũ lượng dưới 1.200mm/năm hoặc có hơn 7 tháng mùa khô/năm hoặc có hơn 80 ngày sương mù/năm.

Đối với các vùng khí hậu kém thuận lợi bởi các yếu tố như bão, gió Lào, nhiệt độ thấp…việc điều chỉnh kết quả phân hạng đất sẽ do Tập đoàn quyết định. Đối với các khu vực đã trồng cao su có cao trình >600 m thuộc khu vực miền núi phía Bắc và >700 m tại các khu vực còn lại, điều chỉnh hạ bậc hạng đất tối thiểu 1 hạng.

Quản lý về phân hạng đất

Phân hạng đất chi tiết để trồng mới, trồng lại hoặc   tái canh (nếu chưa làm hoặc làm trước đây nhưng thuộc vùng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khó khăn) hoặc điều chỉnh hạng đất phải được thẩm định và xác nhận của Tập đoàn. Kết quả phân hạng vùng đất phải được kèm theo các yếu tố giới hạn chính, xác định nguyên nhân hạn chế của vùng đất để có biện pháp canh tác hợp lý. Việc xác định hạng đất có yếu tố giới hạn đi kèm được thể hiện trong kết quả kiểm kê vườn cây hàng năm.

Quy định về lấy mẫu phẫu diện để phân hạng đất

Tùy theo địa hình và độ đồng nhất của khu vực dự kiến trồng cao su, tiến hành khảo sát lấy mẫu phẫu diện đất các tầng ở độ sâu 0 – 150 cm đại diện cho diện tích từ 5 – 25 ha tùy thuộc vào tính phức tạp của địa hình.

Đất bằng (không phải đất rừng khộp): Tối đa 20 – 25 ha/phẫu diện. Đất dốc: Tối đa 10 – 15 ha/phẫu diện. Đất bằng khu vực có yếu tố đất rừng khộp: Tối đa 5 ha/phẫu diện.

Quy đổi hệ số đất dốc – Điều chỉnh phụ bảng 2 QTKT 2012

Không áp dụng bảng quy đổi hệ số đất dốc, phụ bảng 2 QTKT 2012 về hệ số chuyển đổi giữa diện tích đo bằng GPS và diện tích thực tế để phù hợp với các quy định đo đạc của nhà nước.

Phân hạng thổ nhưỡng đất trồng  cao  su  áp  dụng cho các khu vực trồng cao su có điều kiện giới hạn      ( bổ sung phụ lục 5, QTKT 2012)

Phạm vi áp dụng: Tiêu  chuẩn đất  trồng cao su điều chỉnh và áp dụng cho một số khu vực đặc thù có yếu tố đất rừng khộp tại Tây Nguyên, Campuchia, Lào, các khu vực tái canh hoặc trồng mới tại một số khu vực, có điều kiện khó khăn về thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu, các khu vực còn lại áp dụng theo phụ lục bảng 5 – QTKT 2012.

T.S

(xem tiếp kỳ sau)