CSVN – Suốt 34 năm gắn bó với cây cao su, nhiệm vụ nào chị Vũ Thị Lan cũng hoàn thành. Nhiều năm liền giữ vững thành tích lao động xuất sắc cho đơn vị và 2 lần được Bộ NN&PTNT tặng bằng khen.
Tính đến ngày nghỉ hưu vào cuối năm 2016, chị Vũ Thị Lan – nguyên Đội trưởng Đội 6, Nông trường Thanh Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, đã có hơn 34 năm gắn bó với cây cao su. Nhớ lại những ngày đầu theo cha mẹ vào vùng đất Chư Prông lập nghiệp còn nhiều gian khó, chị xin vào làm công nhân (CN) chăm sóc, rồi CN cạo mủ, sau đó nhận nhiệm vụ đội trưởng. Công việc nào chị cũng cố gắng hoàn thành.
Tóm tắt quãng thời gian làm cao su của mình, chị cho biết: “Tôi được nhận vào làm CN chăm sóc, lúc ấy là đội trồng mỳ từ năm 1982 đến năm 1987. Sau năm 1987, tôi chuyển sang làm công nhân khai thác. Đến năm 2002, được lãnh đạo nông trường tin tưởng, giao trọng trách làm đội trưởng, quản lý gần trăm con người, trong đó có đến 50% công nhân là người dân tộc Jrai”.
Lên làm đội trưởng từ người CN cạo mủ, bằng lòng yêu nghề của mình, chị Lan dễ dàng nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của anh chị em công nhân. Tuy bận rộn với công việc mới gắn liền với sổ sách và con số, nhưng bằng nỗ lực không ngừng của bản thân và sự cầu tiến, chị đã từng bước vượt qua khó khăn, cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Trong suốt cuộc đời làm CN của mình, chị có rất nhiều câu chuyện vui buồn đáng nhớ. Chia sẻ với chúng tôi về kỷ niệm khó quên nhất, chị kể: “Ngày xưa, CN người đồng bào dân tộc chưa ý thức được như bây giờ, nên tuyên truyền vận động khó lắm, thích thì làm không thì nghỉ. Là đội trưởng tôi phải vào tận làng, đến từng nhà để vận động họ đi cạo.
Có một câu chuyện làm tôi nhớ mãi, đó là một lần, người nhà của một CN dẫn theo trẻ em vào lô trút trộm mủ. Bị bảo vệ và CN bắt lại, xảy ra cãi cọ và xô xát, có người lấy chén mủ hất tung tóe, dính đầy đầu những đứa trẻ con, tôi phải đi lấy xà phòng gội đầu cho lũ trẻ cả buổi. Hôm sau phải mang ít rượu, lòng lợn vào cùng nhau ăn uống tuyên truyền vận động họ mới chịu đi cạo”.
34 năm làm cao su, trong đó có 14 năm làm đội trưởng chị Vũ Thị Lan luôn được đồng nghiệp và cấp trên tin tưởng. Suốt thời gian điều hành Đội 6, chưa năm nào đội của chị lọt ra khỏi top 3 đơn vị xuất sắc nhất của Nông trường Thanh Bình. Đặc biệt, Đội 6 có đến 7 năm liên tục là đội xuất sắc nhất nông trường, được nhiều cấp khen thưởng, trong đó 2 lần được Bộ NN & PTNT tặng bằng khen cho cá nhân chị và tập thể đội.
“Điều tâm huyết nhất trong quãng đời làm cao su của chị là gì”, chúng tôi hỏi. Chị Lan nói ngắn gọn: “Tôi chỉ nghĩ, còn một ngày làm CN cao su thì tôi vẫn hết lòng với nghề. Đó là nghề rất nghĩa tình, mọi người sống, có trước có sau. Giờ nghỉ hưu rồi, tôi chỉ có một mong muốn, đó là thế hệ trẻ hãy tiếp tục phát huy truyền thống công ty anh hùng, phát huy sức trẻ và sáng tạo để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng đơn vị ngày càng phát triển hơn nữa”.
Với những suy nghĩ, việc làm xuất phát từ tấm lòng yêu ngành yêu nghề, chị Lan đã hướng cho các con của mình tiếp nối nghề truyền thống gia đình. Hiện giờ, 4 người con của chị gồm con trai, con gái, con rể và con dâu đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông.
Gia Linh
Related posts:
- Làm tốt việc nêu gương sẽ thuyết phục người lao động
- Điểu Sít không ngại khó
- Kỳ tích Lê Thị Lệ
- Nữ công nhân ưu tú ở cao su Quảng Nam
- Hành trình 35 năm phát triển cao su trên Tây Nguyên
- Chị Điểu Thị Gái - công nhân tiêu biểu vinh dự nhận giải thưởng "Cao su Việt Nam"
- Nữ tổ trưởng tận tâm với công nhân
- Rèn luyện qua thực tế để trưởng thành trong tương lai
- “Cố gắng hết mình sẽ đạt kết quả cao!”
- "Nên nghiên cứu sản phẩm mới để công nghiệp hóa nông nghiệp"