CSVN – Tôi yêu cây cao su không biết tự bao giờ. Đi giữa vườn cao su mỗi mùa đều cho tôi những cảm xúc riêng. Mùa cao su thay lá làm say đắm lòng tôi như một điều gì đó rất khó nói.
Tôi yêu cây cao su vì nó còn tạo ra bộ mặt khởi sắc cho quê hương, giúp người dân ở nhiều địa phương thoát nghèo. Vườn cây bạt ngàn xanh thẳm tạo ra một thảm xanh thực vật vừa góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một vùng đất vốn thiên tai khắc nghiệt và chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh. Đứng trên vùng đất Triệu Ái – Triệu Phong – Quảng Trị có thể cảm nhận hết sự đổi thay, sức sống mới của bạt ngàn cây cao su xanh tốt. “Vùng đất chết” năm xưa đã trở thành vùng kinh tế mới ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng từ cây cao su mang lại.
Có dịp về xã Triệu Ái vào những ngày này, mới thấy hết sự đổi thay nơi đây. Chúng tôi bị choáng ngợp bởi màu xanh bạt ngàn của những vườn cao su đến tuổi khai thác. Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”, hãy thử đến đây một lần, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của loại cây này. Dọc theo những con đường làng trải bê tông là vườn cao su thẳng tắp, những dòng nhựa trắng đang tuôn trào. Qua mỗi lần đến đây chúng tôi cảm nhận được nhiều hơn về cây cao su cũng như người chăm sóc, nuôi dưỡng cây. Họ có một lòng tin vào giá trị của cây cao su mang lại.
Cây cao su đứng vững và phát triển góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một vùng đất gò đồi Triệu Ái. Việc trồng cây cao su đang là hướng đi phát triển kinh tế của địa phương trong việc đa dạng hóa cây trồng, chuyển đổi ngành nghề lao động, tiến đến giảm tỉ lệ đói nghèo, làm cơ sở để xây dựng nông thôn mới.
Cây cao su tiểu điền đã đem lại cuộc sống mới cho người dân xã Triệu Ái. Nhiều gia đình đã tự mở rộng thêm diện tích trồng cây cao su bởi thu nhập ổn định, lại không tốn quá nhiều công chăm sóc. Đứng trên vùng đất này, có thể cảm nhận rõ rệt về sự thay da đổi thịt từng ngày, từng giờ. Sự đổi thay đó một phần cây cao su mang lại.
Lê Thị Thu Thanh
(Triệu Phong- Quảng Trị)