CSVN – Việc phát triển cây cao su trên đất Yên Bái đã làm thay đổi nhận thức trong canh tác, phương thức sản xuất của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tin tưởng tương lai tươi sáng
Chúng tôi đến thăm Đội cao su Văn Chấn (Công ty CPCS Yên Bái) khi công nhân (CN) trong đội đang tập trung phát cỏ luồng, chăm sóc gần 436 ha cao su. Để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch sản xuất, hàng ngày anh chị em CN của đội hăng say làm việc. Anh Nguyễn Duy Khánh – Đội trưởng cho biết: “Ở đây, ngày mưa cũng như ngày nắng, anh chị em CN đều có mặt ở những vườn cây cao su. Tùy theo từng thời điểm mà chăm sóc, bảo vệ vườn cây”.
Còn CN Ngụy Thị Nam – dân tộc Tày, tâm sự: “Nhìn những vườn cao su mà chúng tôi bỏ công sức chăm sóc trong những năm qua giờ đang xanh tốt, cạo thử một số cây đã có mủ, chúng tôi rất tin tưởng vào loại cây này. Cứ đà này, chỉ một vài năm nữa là đời sống của chúng tôi sẽ khá hơn rồi”.
Rời Đội cao su Văn Chấn, chúng tôi đến Đội cao su Sơn Lương. Nơi có khoảng 90 cán bộ, CNLĐ, trong đó gần 100% CN là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đội hiện đang quản lý, chăm sóc 540 ha cao su từ 3 đến 7 năm tuổi. Anh Mạc Văn Dũng – Đội trưởng, người đã gắn bó với công ty từ ngày đầu mới thành lập dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây. Anh chia sẻ, đến nay, tất cả diện tích cao su của đội đều phát triển tốt. Hầu hết CN đều tâm huyết, gắn bó với công việc, tiền lương bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh lương, công ty còn thực hiện đầy đủ mọi chế độ, chính sách, chi các khoản thưởng ngày lễ, Tết cho CN.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Triệu Văn Ngân, người dân tộc Dao, CN chăm sóc Đội cao su Sơn Lương kể anh được giao khoán chăm sóc, bảo vệ 6 ha cao su. Nhờ cây cao su phù hợp với đất đai nơi đây, cùng với sự chịu thương chịu khó của anh nên kinh tế gia đình dần ổn định và được nâng lên nhiều so với trước đây. Anh và gia đình hy vọng sau này đời sống sẽ được cải thiện hơn nhờ vào vườn cây.
Đã trồng hơn 2.266 ha cao su
Kể từ khi cây cao su được đưa vào trồng trên đất Yên Bái, đến nay đã được 7 năm. Trải qua nhiều khó khăn, thách thức, hiện tại, Công ty CPCS Yên Bái đã trồng được trên 2.266 ha cao su. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Yên Bái, đến thời điểm hiện tại, giống IAN 873 là giống chịu được rét và sinh trưởng phù hợp nhất đối với tỉnh Yên Bái.
Ông Phan Thúc Hào – TGĐ Công ty CPCS Yên Bái cho biết: “Thời gian qua, công ty đã tập trung chăm sóc, bảo vệ vườn cây theo đúng quy trình kỹ thuật, đúng tiến độ. Công tác bón phân được chú trọng, bón cân đối, đúng, đủ chất dinh dưỡng cho cây, phù hợp với quá trình sinh trưởng của cây nên phát triển tốt. Công tác phòng trừ bệnh dịch trên cây luôn được quan tâm, nên các vườn cây đều phát triển tốt. Chất lượng vườn cây đạt loại A và B chiếm tỷ lệ khá cao.
Với việc quản lý hiệu quả hơn 2.266 ha cao su, công ty tạo việc làm ổn định cho gần 400 CB.CNV, trong đó trên 80% lao động là đồng bào dân tộc như: Dao, Thái, Khơ- mú, Tày, Nùng. Ngoài ra, còn sử dụng hơn 500 hộ nhận khoán và lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng người/tháng. Ông Hà Văn Hưng – Chủ tịch UBND xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn khẳng định: “Từ khi cây cao su được đưa vào trồng trên địa bàn xã đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương”.
Cây cao su là loại cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao. Với đà phát triển như hiện nay thì chỉ vài năm nữa những người trồng cao su ở Yên Bái sẽ được khai thác mủ và chắc chắn lúc đó, thu nhập của họ sẽ cao hơn nhiều so với hiện nay. Việc phát triển cây cao su ở tỉnh Yên Bái không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn là tiền đề giúp các địa phương vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bạch Liên
Related posts:
- Khúc tráng ca cao su Tây Bắc: [Bài 2] Cuộc cách mạng ở cuối trời Lai Châu
- Tín hiệu vui từ vùng đất khó
- Cao su Điện Biên chúc mừng báo chí dịp 21/6
- 40 năm cây cao su thay đổi những bản làng
- Cây cao su về bản
- Nồng ấm, nghĩa tình tết cổ truyền Việt Nam tại Campuchia
- Cao su Lai Châu tặng quà cho 13 người lao động khó khăn
- Cao su Đồng Phú: 5 giải pháp then chốt ổn định nguồn lực lao động
- Cao su Bà Rịa: thi đua vượt kế hoạch năm 2024
- Cao su Mang Yang về đích sớm 5 năm liên tục