CSVN – Từ thực tế công việc, anh Nguyễn Văn Trường – Quản đốc Nhà máy Chế biến cao su Bố Lá, Công ty CPCS Phước Hòa đã cải tiến giảm HAS sử dụng trong sản xuất SVR CV 50, 60 xuống còn 1,5 kg/tấn. Cải tiến này giúp tiết kiệm chi phí sản xuất hàng năm hơn 262 triệu đồng.
Kết quả sau 3 tháng thử nghiệm
Nói về cải tiến của mình, anh Trường cho biết, sản phẩm cao su khối SVR CV là một trong những chủng loại cao su sơ chế có giá bán tương đối cao, nhưng thị trường Đông Âu khó tính và một số thị trường sản xuất công nghiệp cần sản phẩm cao su có độ nhớt mooney ổn định. Qua các năm sản xuất, khối lượng sản xuất SVR CV của công ty đã tăng lên đáng kể, hiện nay hàng năm đạt TCVN trên 99%. Tuy nhiên, lượng hóa chất ổn định độ nhớt HAS vẫn sử dụng từ 1,6 – 1,7kg/tấn cao su khô trong sản xuất.
Những năm gần đây giá bán cao su xuống thấp, với tinh thần tiết kiệm các chi phí sản xuất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm, các nhà máy trực thuộc đều tổ chức thử nghiệm, nghiên cứu các công đoạn sản xuất để có thể tiết giảm chi phí, trong đó có vấn đề giảm lượng HAS sử dụng trong sản xuất sản phẩm SVR CV. Từ đó anh đã đề xuất công ty cho phép tiến hành các khảo sát, thử nghiệm tại Nhà máy Chế biến Cao su Bố Lá.
Trên thực tế, mỗi năm sản lượng sản phẩm SVR CV của Công ty CPCS Phước Hòa chiếm từ 40 – 45% tổng sản phẩm sản xuất (tương ứng với từ 12.000 – 14.000 tấn/năm) nên rất cần thiết phải tiết giảm lượng HAS để đem lại hiệu quả trong chi phí sản xuất. Qua 3 tháng thử nghiệm, cải tiến của anh đã có kết quả tốt, được công ty thống nhất áp dụng định mức sử dụng dung lượng HAS theo như đề xuất 1,4 – 1,5kg/tấn, cho đến nay chất lượng sản phẩm SVR CV làm ra vẫn đạt TCVN trên 99%/tổng sản phẩm sản xuất. Với kết quả này, anh đã giúp tiết kiệm khối lượng HAS mỗi năm 2.800kg, tiết giảm chi phí hơn 262 triệu đồng/năm.
Cần quan tâm đến ý tưởng của người lao động trực tiếp
Anh Trường vào làm công nhân chế biến tại công ty từ năm 1995, đến nay vừa tròn 22 năm. Trong suốt thời gian công tác, anh luôn nỗ lực trong công việc, anh hiện còn là Chủ tịch Công đoàn cơ sở xí nghiệp cơ khí chế biến và xây dựng.
Trong quá trình công tác, anh còn đề xuất cùng tập thể nhà máy thực hiện một số mô hình tốt, cách làm hay và những hoạt động cải tiến mang lại hiệu quả thiết thực như: thiết kế hệ thống khe tách cát mương tiếp nhận; Lắp thêm hầm nguội lò sấy làm giảm nhiệt độ vĩ mủ trước khi ép bành; sử dụng gas thay dầu sấy mủ; thiết kế rơ le tự động ngắt điện hệ thống quạt nguội nhằm tiết kiệm điện… Từ những hoạt động cải tiến này đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ, hạ chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
Từ những thành tích trong lao động sản xuất, vừa qua anh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo. Anh chia sẻ: “Những năm gần đây, phong trào sáng kiến, cải tiến và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất của công ty CPCS Phước Hòa được phát huy khá mạnh trên nhiều lĩnh vực. Đã có rất nhiều sáng kiến được ứng dụng rộng rãi tại đơn vị, góp phần không nhỏ trong việc tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho CNLĐ.
Theo tôi, để thúc đẩy được phong trào này, các cấp lãnh đạo cần quan tâm đến những ý tưởng nhỏ nhất của NLĐ trực tiếp. Qua thực tiễn làm việc họ là những người đúc kết được những kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó phải phát động, tuyên truyền sâu rộng về phong trào này, kịp thời khen thưởng xứng đáng CNLĐ dù đó là một ý tưởng và tiếp tục hỗ trợ kinh phí để chi phí cho việc thử nghiệm các sáng kiến, cải tiến”.
Quỳnh Mai
Related posts:
- Anh Trịnh Văn Thông – Tổ 6, Nông trường 1, Cao su Phú Riềng: Dự kiến vượt sản lượng 3 tấn
- Đoàn kết, vững lòng sẽ vượt qua khó khăn
- Tận tâm với công việc, hết lòng vì công nhân
- Kiên cường đấu tranh, thắng lợi trọn vẹn: Phát huy truyền thống, tôn tạo di tích
- Nguyễn Thị Hồng Đào hoàn thành kế hoạch sớm nhất NT Đồng Nơ
- Nữ công nhân dân tộc Châu Ro "Hai Giỏi"
- Trần Thanh Trung: giám đốc trẻ cháy bỏng tình yêu cây cao su
- Trí thức trẻ tâm huyết với ngành: Xông pha lên vùng cao
- Tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi
- “Ngành cao su cần chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ"