CSVN – Trong những năm qua, giá mủ cao su giảm mạnh, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người lao động (NLĐ) ngành cao su. Bên cạnh đó, trên địa bàn các công ty cao su đứng chân có nhiều khu công nghiệp (KCN), nhà máy mọc lên, nhu cầu lao động rất lớn, lên đến hàng chục ngàn người. Chính vì vậy, rất nhiều lao động ở các công ty cao su nghỉ việc để chuyển qua các KCN. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc áp lực ở các KCN, họ lại xin vào làm CN cao su.
>> Thấy gì qua hiện tượng công nhân cao su trở lại với nghề?
Áp lực công việc cao ở các KCN
Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với nhiều CN đã từng xin nghỉ việc ở công ty cao su, chuyển qua làm ở KCN, rồi sau đó lại xin làm việc tại các công ty cao su. Tuy nhiên, không phải CN nào “trở về” cũng được nhận vào làm việc. Các công ty cao su tuyển chọn những người có tay nghề giỏi, tận tâm với công việc.
Chị H. (24 tuổi, 4 năm làm CN khai thác cao su), chia sẻ: “Năm 2015, tôi xin nghỉ việc CN khai thác cao su để chuyển qua làm cho một công ty linh kiện điện tử của Nhật. Hơn một năm làm ở đây, tôi hiểu rằng, muốn trụ vững trong KCN, người lao động phải có kỹ năng làm việc và chịu được áp lực cao. Khó khăn nhất cho nữ CN là liên tục phải chịu áp lực công việc và gò bó về thời gian. Công việc chủ yếu của tôi là lắp ráp các linh kiện điện tử, làm theo dây chuyền, người này phụ thuộc người kia. Nếu tôi đứng đầu chuyền, làm nhanh, số lượng cao thì bị đồng nghiệp làm cùng mắng, vì những người cuối chuyền họ “chạy” không kịp. Nếu số lượng sản phẩm thấp thì bị quản lý mắng. Chưa kể những lúc nhiều đơn hàng, phải liên tục tăng ca, quản lý cũng tăng chỉ tiêu sản phẩm. Mệt mỏi và áp lực kinh khủng”.
Chị V. (26 tuổi, 3 năm làm CN khai thác cao su), cho biết: “Mặc dù nghề gì cũng có cái khó, cái khổ riêng, nhưng làm CN KCN là khổ nhất vì người CN không tự bảo vệ được quyền lợi của mình. Chỉ biết làm và làm thôi. Cuối năm 2014, tôi ký hợp đồng 5 năm với công ty may quần jean xuất khẩu, nhưng được hơn 2 năm thì tôi xin nghỉ vì áp lực công việc và mệt mỏi. Công ty liên tục “ép” CN phải tăng số lượng sản phẩm, gây áp lực trong công việc, khiến tôi không trụ được mà xin nghỉ”.
Không bằng công nhân cao su
“Có đi làm ở các KCN mới biết công việc áp lực, nhiều chuyện dở khóc dở cười, chứ không bằng làm CN cao su”. H. cho biết, công việc của cô không quá phức tạp nhưng vì đứng trong dây chuyền sản xuất nên sẽ liên tục phải làm một công việc hàng trăm nghìn lần. Con số 5,6 triệu là tổng lương cho một CN làm đủ 8 tiếng/ ngày, không nghỉ ngày thứ 7, chủ nhật. “Trong giờ làm việc, CN lắp ráp như tôi phải đứng, không được ngồi bởi có camera theo dõi. Nếu mắc lỗi hoặc làm sai một công đoạn thì sẽ bị mắng chửi, nặng hơn là bị trừ lương. Do phải làm liên tục một việc qua nhiều ngày nên đã có không ít trường hợp CN bỏ việc vì không chịu nổi cường độ công việc khủng khiếp tại đây” – H. ngán ngẩm.
Không chịu được áp lực công việc cao và liên tục, rồi cảnh ở trọ xa gia đình, nhiều người đã xin vào làm lại ở các công ty cao su. “Có đi rồi mới biết. Làm CN khai thác cao su cho dù những năm gần đây giá có giảm, thu nhập cũng giảm theo thì vẫn hơn làm CN ở khu công nghiệp. CN khai thác cao su làm theo giờ quy định, được ăn giữa ca và thời gian nghỉ ngơi nhiều, trong lúc cạo xong chờ trút mủ trên lô, CN còn được chơi thể thao, đọc sách báo. Nhà gần có thể chạy về lo việc gia đình. Hơn nữa, sống gần người thân, có mảnh vườn nhỏ nuôi heo, gà, trồng rau, cây ăn trái… không phải sống cảnh ở trọ, đi làm về thui thủi một mình” – V. tâm sự.
Tích cực tuyên truyền và chăm lo đời sống công nhân cao su
Chỉ trong vòng 3 năm (2014, 2015, 2016), Công ty CPCS Đồng Phú có 3.105 lao động xin nghỉ việc. Đây cũng là đơn vị có số lượng lao động nghỉ việc cao nhất trong toàn ngành. Ông Nguyễn Sư Sơn – Chủ tịch Công đoàn Cao su Đồng Phú, chia sẻ: “Đa số lao động nghỉ việc có tuổi đời trẻ, mới vào làm ở đơn vị khoảng 3 – 4 năm, ngay tại thời điểm giá mủ cao su giảm mạnh, thu nhập NLĐ giảm theo, nên họ nghe lời mời gọi tuyển lao động ở các KCN lương cao, chế độ tốt nên xin nghỉ. Tuy nhiên, sau một thời gian chuyển qua làm CN ở các KCN, chịu nhiều áp lực, gò bó và thu nhập không như họ mong muốn, nhiều người phải sống xa gia đình, nên họ lại nộp đơn xin làm CN cao su”.
Cũng theo ông Sơn, ở Cao su Đồng Phú, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như chuyển đổi gần 60% diện tích sang chế độ cao D4, vừa tuyên truyền ổn định tư tưởng, vừa tăng cường quan tâm, chăm lo đời sống NLĐ bằng các hình thức phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập để ổn định lao động, giữ vững sản xuất kinh doanh… nên hiện tại, lao động đã ổn định, như Nông trường Tân Lợi, lao động dôi dư từ 10 – 15%.
Ngọc Cẩm
Related posts:
- 2 giải pháp hỗ trợ ngành gỗ
- Nâng cao nhận thức về tính hợp pháp của gỗ cho ngành cao su
- Cao su Điện Biên chúc mừng báo chí dịp 21/6
- Tổng Giám đốc VRG Lê Thanh Hưng làm việc với Công ty CP Quasa-Geruco và Công ty CP Gỗ MDF VRG Quảng ...
- Cao su Lai Châu ký kết Quy chế phối hợp với Công an tỉnh Lai Châu
- Đội khai thác về trước kế hoạch sớm nhất ở cao su Phước Hòa
- Cao su Chư Păh trao 2.380 hộp khẩu trang cho người lao động
- Cao su Bình Long: Gần 500 vận động viên tham gia hoạt động thể thao
- VRG Bảo Lộc duy trì thu nhập bình quân người lao động ở mức cao
- Nỗ lực vượt khó của công nhân vùng biên