CSVN – Có nên cho trẻ biết chữ trước hay không là đề tài sôi nổi của các bậc phụ huynh có con vào lớp 1 quan tâm.
Để trẻ tiếp thu tự nhiên
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, rất nhiều ý kiến, quan điểm đưa ra xoay quanh vấn đề nên hay không nên cho con học và biết chữ trước khi vào học lớp 1 chính thức. Đa số các bậc phụ huynh đều cho rằng cho trẻ học trước chẳng khác nào vô tình ép con mất đi tuổi thơ hồn nhiên, mất đi cái trong sáng và háo hức của sự chờ đợi khi thực sự bước chân vào ngưỡng cửa “sự nghiệp học hành”.
Theo lẽ thường thì cha mẹ nào cũng mong muốn cho con mình phát triển một cách tự nhiên. Cái gì tự nhiên cũng được cho là tốt nhất nhưng đôi khi mong muốn về cái tự nhiên lại rất khó khăn trong thời buổi hiện nay. Vấn đề đặt ra là với chương trình học hiện tại nếu không cho con đi học để biết chữ, biết viết trước thì các cháu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cách tiếp thu ban đầu, khả năng trong học tập không đồng đều sẽ khiến một số cháu theo không kịp bài vở gây nên việc chán học cho trẻ. Đây là áp lực lớn đối với các bậc phụ huynh.
Chị Hương (Nghệ An) cho biết, ngay từ tháng 6 phải tất bật tìm nơi học chữ cho con. Con chị học mầm non chỉ mới biết mặt chữ cái chứ chưa biết đọc, chưa biết ghép vần. Dù con đã đi học thêm nhưng chị vẫn không yên tâm nên cứ tối đến lại bắt con phải ôn bài và học tiếp các bài mới.
Một số phụ huynh khác lại cho rằng cho con học quá sớm chỉ thêm tội con, không cần thiết lắm. Như chị Hoài (Tp. HCM) nêu quan điểm: “Ngày xưa không đi học cũng có sao đâu, rồi ai nấy đều giỏi và làm nên việc cả đấy thôi”. Dù vậy nhưng chị lại bảo nếu không cho đi học trước lại lo lắng vì chương trình học nặng nề, con ai cũng học con mình không sẽ sợ con không theo kịp.
Còn chị Hồng Thanh (Bình Dương) lại cho rằng: “Trẻ học sớm cũng tốt, nhưng phải học mà chơi, không nên bắt ép, phải để cho con trẻ có sự kích thích về tư duy, về sáng tạo. Trong thời gian tiếp cận chỉ cần con biết nhận diện mặt chữ, biết đọc là tốt rồi”.
Và áp lực của chương trình học
Về phần giáo viên cũng có những cái khó của riêng mình. Chị An – giáo viên dạy cấp 1 (Nghệ An) tâm sự: “Nếu trẻ vào lớp 1 không được phụ huynh quan tâm đến việc biết chữ, biết đọc trước thì đó là cả một khó khăn chồng chất cho giáo viên. Mình cũng không đồng tình lắm với việc ép con học trước bằng cách phải học thêm chương trình lớp 1, nhưng học để biết và làm quen trước mặt chữ, biết cầm bút trước thì theo mình vẫn cần thiết”.
Đồng quan điểm với chị An, Hường (Giáo viên Tiểu học – Hà Nội) cũng cho rằng: “Khi trẻ không biết chữ trước thì việc rèn luyện về mọi mặt sẽ dễ hơn, trẻ sẽ biết cách quan sát theo hướng dẫn của cô giáo chi tiết hơn, mức độ tập trung cao hơn. Để trẻ phát triển và tư duy tự nhiên, giúp trẻ sáng tạo hơn rất nhiều không theo khuôn mẫu và nguyên tắc khô cứng, điều này không mới với những trẻ đã qua lớp 1 nhưng sẽ là điều khám phá thú vị đối với trẻ khi bước vào môi trường lớp 1”…
Riêng trường hợp của người viết, khi con chuẩn bị vào lớp 1 nên cho bé thoải mái chơi, không nên bắt ép học thêm hay viết chữ. Đến ngày nhập học, mọi thứ đều mới mẻ trong sự háo hức của cả mẹ và con. Ngày con học ở trường, tối về nhà mẹ kèm viết, đọc rồi ghép chữ… Nhìn thì thấy rất ổn nhưng chưa kịp mừng thì đã bị cô giáo chủ nhiệm gọi điện mắng vốn về việc con mình chậm chạp trong việc học (cả đọc và viết): “Cả lớp sĩ số 45 em, chỉ mỗi con chị là chưa biết đọc biết viết”…
Rõ ràng là áp lực từ chương trình học đã cố tình kéo theo bao lo lắng, hệ lụy đến với phụ huynh và giáo viên. Học trước sẽ làm mất đi tính sáng tạo, trí tưởng tượng, cảm hứng khám phá trong con trẻ. Chúng ta không nên áp đặt, nhồi nhét, bắt trẻ học sớm quá nếu con không thích thú và cũng không nên ngăn cản đối với trẻ thích khám phá sách vở.
Hoài Thuận
Related posts:
- Hội thao trung thực
- Khởi sắc từ những giọng ca công nhân
- Cao su Đồng Nai giải nhất Hội diễn Khu vực V
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Bàn chuyện tuyên thệ
- Cao su quê hương tôi
- "Tình ca cao su"
- "Nghề Review" - làn sóng mới của Gen Z
- Ngán ngẩm truyền hình thực tế!
- Làng kháng chiến Stơr rộn tiếng cồng chiêng ngày hội