Quản lý nông nghiệp cần linh hoạt hơn

CSVNO – Tại cuộc họp về công tác nông nghiệp năm 2017, 2018, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận chỉ đạo công tác quản lý nông nghiệp của VRG cần linh hoạt và theo hướng mở, từ đó sẽ sát thực tế và hiệu quả hơn.
Công tác nông nghiệp năm 2017 gặp nhiều thuận lợi. Ảnh: Tùng Châu
Công tác nông nghiệp năm 2017 gặp nhiều thuận lợi. Ảnh: Tùng Châu
Thuận lợi về khách quan lẫn chủ quan

Tính đến ngày 10/8, toàn VRG khai thác đạt 46,9% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 8,9%, xấp xỉ 25.000 tấn. Sản lượng ở các vùng miền đều vượt do năm nay có các điều kiện thuận lợi về khách quan lẫn chủ quan. Cụ thể, thời tiết thuận lợi, đầu năm mưa sớm, các đơn vị đã chủ động hơn trong việc chuẩn bị lao động khai thác, đặc biệt là ở các đơn vị miền Đông Nam bộ có diện tích vườn cây gần khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, những vùng mới như ở Campuchia đã đưa diện tích vào khai thác nhiều hơn so với kế hoạch cũng giúp sản lượng năm nay tăng vọt. Theo chỉ đạo của lãnh đạo VRG, năm 2017 Ban Quản lý Kỹ thuật (QLKT) cũng đã tập trung theo sát, hỗ trợ và chỉ đạo quyết liệt về công tác nông nghiệp đối với những đơn vị khó khăn. Vì vậy những đơn vị này đã có những khởi sắc hơn so với các năm trước.

Tuy nhiên, trong toàn VRG cũng có một vài đơn vị gặp khó khăn do những cơn bão bất thường vào tháng 7, bệnh hại vườn cây như phấn trắng, bệnh rụng lá, công tác tổ chức quản lý, sản xuất tại một số đơn vị chưa đạt hiệu quả cao và tình hình thiếu lao động vẫn diễn ra.

Về công tác tái canh trồng mới năm 2017, kế hoạch là 13.265 ha, các đơn vị Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Campuchia đến 31/7 đã hoàn thành, một số đơn vị ở các khu vực còn lại cũng hoàn thành công tác này vào giữa tháng 8. Theo đánh giá của Ban QLKT thì chất lượng vườn cây tái canh trồng mới năm nay đạt và vượt, cơ cấu giống hợp lý, có nhiều đơn vị điển hình trong công tác này, đặc biệt là TCT Cao su Đồng Nai.

Đối với vườn cây kiến thiết cơ bản, toàn VRG đã đảm bảo an toàn phòng chống cháy tốt hơn so với năm 2016 nhờ các đơn vị có ý thức tốt, kiểm tra chu đáo và năm nay có những cơn mưa trái mùa vào mùa nắng nóng nên công tác phòng chống cháy gặp thuận lợi hơn. Công tác bảo vệ thực vật năm nay cũng được các đơn vị thực hiện tốt, kiểm soát tốt bệnh hại và kịp thời điều trị khi bệnh vườn cây bùng phát.

Những tháng cuối năm, Ban QLKT tiếp tục tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là đối với những đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác nông nghiệp, đánh giá và phân tích sản lượng khai thác năm 2017, tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn, đào tạo cán bộ kỹ thuật đối với các vùng mới. Trên cơ sở thực tế, dự báo năm 2017, sản lượng khai thác của toàn VRG vượt tối thiểu 5%.

Bên cạnh Ban QLKT thì Viện Nghiên cứu Cao su cũng đã có những hoạt động nổi bật góp phần vào thành công chung của công tác nông nghiệp trong năm 2017 của VRG. Ông Nguyễn Tiến Đức – Phó TGĐ VRG đánh giá: “Viện đã có nhiều đóng góp vào những kết quả khả quan năm nay của VRG, cụ thể đã nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn những loại giống mới, chất lượng, năng suất và sinh trưởng tốt, cho sinh khối gỗ cao. Viện đã lai tạo ra những giống mới không thua kém gì so với các viện cao su trên thế giới, giúp các công ty quy hoạch bảng cạo, chế độ cạo, phòng trị bệnh và cung cấp giống. Tôi đề nghị Viện khảo nghiệm và triển khai một số nơi về giống cao su gỗ – mủ, trồng dạng xen canh hoặc trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ. Bên cạnh đó, hỗ trợ, tư vấn cho các đơn vị về chế độ cạo D5, D6, việc sử dụng kích thích phù hợp với các chế độ cạo”.

Năm 2018 tiếp tục tập trung chỉ đạo theo vùng trọng tâm, trọng điểm

Ông Võ Sỹ Lực – Chủ tịch HĐTV VRG nhấn mạnh: “Trong điều kiện khí hậu có những biến đổi cực đoan như hiện nay, Ban QLKT và Viện Nghiên cứu Cao su cần có những hỗ trợ kịp thời giúp các đơn vị ứng phó với những thách thức, dư địa về thời tiết và những khó khăn, thách thức những vùng phi truyền thống. Đồng thời phải chủ động, bám sát vào thực tiễn để có những tham mưu chuẩn về  khoa học, kỹ thuật”.

Năm 2018, Ban QLKT tiếp tục tập trung chỉ đạo theo vùng, có trọng tâm trọng điểm, đề ra các giải pháp khai thác linh hoạt tùy theo đặc thù của từng vùng. Nghiên cứu xây dựng giải pháp kỹ thuật phù hợp đối với vườn cây có chu kỳ khai thác 17 năm tại Campuchia, cân đối cơ cấu vườn cây khi đưa vào khai thác, tập huấn kỹ thuật cho các vùng mới.

Đối với vườn cây kiến thiết cơ bản tập trung chăm sóc, đảm bảo chất lượng vườn cây, tăng cường áp dụng cơ giới hóa, hóa học hóa trên vườn cây. Dự kiến năm 2018, toàn VRG sẽ tái canh 12.000 ha, chủ yếu tập trung tại Đông Nam bộ và Tây Nguyên, Ban QLKT sẽ đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị quan tâm đến cơ cấu giống và kiểm soát chất lượng cây con. Kết hợp với Viện Nghiên cứu cao su xây dựng “bệnh viện online” để tư vấn về kỹ thuật, về các loại thuốc thay thế những thuốc trong danh mục cấm…

Ông Trần Ngọc Thuận – TGĐ VRG chỉ đạo: “Về sản lượng cần phải xem xét chỉ đạo đối với những đơn vị có sản lượng thấp để điều chỉnh cho phù hợp. Về phân bón theo quy trình quy định như hiện nay là rất phù hợp, có một số đơn vị muốn bón phân thêm giai đoạn hai thì cần phải chứng minh được sự tăng trưởng thêm khi bón thêm và Ban QLKT có quyền kiểm tra đột xuất về chất lượng phân bón tại đơn vị.

Về kế hoạch sản lượng năm 2018, Ban QLKT phải hoàn thiện xây dựng kế hoạch đến cuối tháng 9 hoàn thành. Công tác đào tạo, tập huấn cán bộ kỹ thuật tại các vùng mới phải được tổ chức thường xuyên và giao cho Ban QLKT chủ trì. Đối với suất đầu tư, các ban xem xét khả năng còn có thể điều chỉnh theo hướng giảm nhưng cây vẫn phát triển tốt được không, các ban cần nghiên cứu, cân nhắc theo hướng mở và linh hoạt, nếu làm được như vậy sẽ phù hợp với điều kiện thực tế hơn”.

Minh Nhiên