CSVN – Bình quân hàng năm trên địa bàn Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị xảy ra từ 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại cho vườn cây của công ty. Qua thực tiễn, công ty có khá nhiều kinh nghiệm khắc phục thiệt hại vườn cây do mưa bão.
Thường xuyên đối mặt với bão
Chỉ tính trong những năm gần đây đã có 2 cơn bão lớn gây thiệt hại nặng cho vườn cây của công ty, là bão số 10 năm 2013 và bão số 4 năm 2017. Cơn bão số 10/2013 đã làm gãy đổ 236.400 cây cao su, tương đương 700 ha, trong đó số diện tích bị thiệt hại nặng phải thanh lý trồng lại là 170 ha. Đa số vườn cây bị thiệt hại nặng là vườn cây cao su kinh doanh nhóm 1 tại NT Quyết Thắng.
Gần đây nhất, cơn bão số 4 đổ bộ vào Quảng Trị cuối tháng 7/2017 đúng vào thời kỳ sinh trưởng phát triển mạnh của vườn cây KTCB nên đã làm trên 60.000 cây cao su KTCB từ năm 2 đến năm 5 bị gãy đổ, trong đó đa số cây bị uốn cong thân và cây bị nghiêng trên 45o cần phải khắc phục.
5 kinh nghiệm xử lý
Theo lãnh đạo công ty, từ thực tiễn chỉ đạo khắc phục thiệt hại vườn cây do mưa bão, công ty rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, phải thường xuyên quan tâm đến công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Ngay từ đầu năm công ty thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bão từ cấp công ty đến các đơn vị, phân công cán bộ phụ trách các nông trường, đồng thời xây dựng phương án phòng chống bão theo từng tình huống, điều kiện cụ thể. Vì vậy khi có bão, các tổ chỉ đạo của công ty đều có mặt tại các đơn vị và chủ động trong công tác chỉ đạo phòng chống trước, trong bão và công tác khắc phục thiệt hại sau bão.
Thứ hai, ngay sau bão phải tổ chức lực lượng phát dọn thông tuyến hệ thống đường giao thông liên lô để đảm bảo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, thống kê thiệt hại.
Thứ ba, công tác khắc phục vườn cây bị thiệt hại do bão phải được tiến hành khẩn trương, khoa học, quyết tâm cao, kiên trì, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đơn vị. Qua thực tế, để khắc phục vườn cây sau bão số 10 năm 2013, công ty phải huy động toàn bộ lực lượng từ cán bộ gián tiếp đến CN trực tiếp tiến hành trong thời gian gần 2 tháng. Đối với thiệt hại vườn cây do cơn bão số 4 vừa qua, công ty tập trung khắc phục trong hơn 10 ngày.
Thứ tư, việc xử lý cây gãy đổ cần tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của Ban Quản lý Kỹ thuật VRG và vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại công ty. Tùy điều kiện thực tế của từng vùng, tuổi cây và mức độ thiệt hại mà có thể dựng cây bằng thủ công hoặc bằng máy múc. Vật tư dựng cây có thể bằng cọc chống hoặc dây thép. Tuy nhiên khi thiệt hại mức độ lớn, cần thời gian khắc phục nhanh thì dùng dây thép có nhiều ưu thế hơn.
Thứ 5, với những cây nghiêng đổ được chống dựng kịp thời, đúng quy trình kỹ thuật, hàng năm có kiểm tra gia cố vật tư, thì sau 2-3 năm vườn cây sinh trưởng phát triển bình thường, có trên 95% số cây khắc phục có thể khai thác trở lại. Qua thực tế vườn cây khắc phục năm 2013 tại NT Quyết Thắng, với mật độ còn lại dưới 300 cây/ha, nhưng từ năm 2016 đến nay vẫn cho năng suất bình quân ổn định trên 1,35 tấn/ha.
Thứ sáu, phải xây dựng và ban hành sớm định mức chi phí khắc phục vườn cây để các đơn vị và người lao động chủ động thực hiện. Hiện nay vườn cây của công ty đã giao khoán cho người lao động, vì vậy công ty giao cho người lao động chủ động trong việc khắc phục vườn cây. Công ty, nông trường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn về mặt kỹ thuật và chỉ hỗ trợ lực lượng đối với những vườn cây bị thiệt hại nặng.
P.V (ghi)
Related posts:
- Cao su Bà Rịa: Ưu tiên đảm bảo thu nhập, giữ chân người lao động
- Chủ động thu hút lao động bằng nhiều giải pháp
- Kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum
- Cạo đèn: Cần cân nhắc yếu tố vùng miền
- Sử dụng linh hoạt nguồn nhân lực để phát triển bền vững
- Tay nghề giỏi để tăng năng suất
- Nuôi ong dú, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
- Chuối Thanh An: Trái ngọt nông nghiệp công nghệ cao
- Nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả tổng hợp
- Phương pháp tạo tán vườn cây kiến thiết cơ bản