Đặt trọn niềm tin

CSVN – Ngược thời gian hơn 36 năm về trước, giây phút xa bạn bè, xa mái trường thân yêu, tôi như con chim lạc bầy, bay đi tìm kế sinh nhai. Và tôi đã đậu vào mảnh đất này, vùng đất đỏ bazan, cùng với rừng cao su âm u, rậm rạp, đầy gai góc, bom mìn… Con người thưa thớt, buồn bã, đêm đến chỉ thấy ngọn đèn dầu le lói, bên tai là tiếng côn trùng rên rỉ đến não lòng.
Ảnh: Trần Tình
Ảnh: Trần Tình

Thế rồi đất lành chim đậu. Ngày ngày làm việc với bà con công nhân, các anh chị Đoàn thanh niên, đào hố, khai hoang, trồng mới, chăm sóc cây. Đêm về tổ chức sinh hoạt Đoàn dưới ngọn đuốc được cuốn bằng dây mủ cao su, mờ mờ ảo ảo. Vất vả  nhưng cũng vui. Thế rồi  từ đó tôi bắt đầu quen dần công việc, con người, môi trường sống.

Một cái nghề vất vả gian nan đầy nguy hiểm. Một cái nghề khác hẳn với bao nhiêu nghề khác, đó là người thợ cạo phải đi làm đêm, không có ngày nghỉ, khi trời mưa lại chạy ra vội vàng trút mủ.

Cứ như thế ngành cao su trải qua biết bao thăng trầm cuộc sống, đi qua cả một chặng đường dài 88 năm, từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, ngành vẫn duy trì và phát triển. Những rừng cao su non xanh mơn mởn, điệp điệp trùng trùng, lại thay thế những rừng cao su già, người trẻ lại tiếp nối người lớn tuổi.

Khổ là thế, gian nan vất vả là thế. Nhưng những con người ở đây họ vẫn yêu nghề, yêu đời, yêu cuộc sống.

Khi giá mủ cao su xuống thấp, họ vẫn bám trụ với nghề, đặt trọn niềm tin vào nghề đã chọn. Họ cần mẫn làm người thợ cạo suốt tháng quanh năm.

Có những thời điểm cao su được giá, cuộc sống người công nhân cũng đã thay da đổi thịt. Lương thưởng cao, họ đã gom góp chắt chiu và rồi những ngôi nhà khang trang mọc lên với tiện nghi đầy đủ. Con cháu họ học lên đại học, cao đẳng, khi trở về là bác sĩ, kỹ sư.

Cũng có những gia đình họ thực sự trân quí, thủy chung với truyền thống làm người thợ cạo mủ, tuy phải thức khuya dậy sớm, nhưng vinh dự và tự hào, và coi đó là một nghề cao quý.

Đối với tôi cũng như bao nhiêu người công nhân cao su khác được như ngày hôm nay chính là nhờ cây cao   su – một loài cây thầm lặng tặng cho đời những dòng nhựa quý:

“Cao su vào dể khó ra

Đã vào yêu mãi đến già mới thôi

Nhờ cao su mới đổi đời

Nỡ nào mình lại xa rời cao su”.

Nguyễn Thị Nhị

(Cao su Bình Long – Bình  Phước)