CSVN – Sản lượng mủ của các công ty cao su trực thuộc VRG tại Campuchia (CPC) sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, thị trường xuất khẩu, VRG đã quy hoạch nhà máy chế biến (NMCB) cụ thể cho từng cụm, đơn vị tại khu vực này. Trong đó, chủng loại SVR 10, 20 rút gọn là sản phẩm chủ lực tại khu vực Campuchia.
Sản lượng đạt hơn 86.000 tấn vào năm 2020
Các công ty cao su tại CPC được chia làm 3 cụm. Cụm 1 gồm 7 đơn vị (Bà Rịa – Kampong Thom, Phước Hòa – Kampong Thom, Tân Biên – Kampong Thom, Tây Ninh – Siem Reap, Chư Sê – Kampong Thom, Mê Kông, CRCK Aphivath), cụm 2 gồm 4 đơn vị (Đồng Nai – Kratie, Đồng Phú – Kratie, Dầu Tiếng – Campuchia, Lộc Ninh – Vketi), cụm 3 gồm 4 đơn vị (Ea Hleo – Bình Minh, Krông Buk – Ratanakiri, Mang Yang – Ratanakiri, Chư Prông – Stung Treng).
Theo kết quả khảo sát của Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, sản lượng mủ của 15 công ty tại CPC sẽ tăng mạnh theo cấp số nhân. Cụ thể năm 2016 là 2.502 tấn, năm 2017 là 9.692 tấn, năm 2018 là 26.717 tấn, năm 2019 là 51.869 tấn và năm 2020 là 86.679 tấn. Hầu hết các đơn vị sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2022 hoặc 2023 và duy trì đến 2032.
Hiện tại có 2 công ty đã xây dựng NMCB mủ phục vụ cho cả 3 cụm với tổng công suất 8.000 tấn/năm. Trong đó, Tân Biên – Kampong Thom có NMCB mủ RSS với công suất 3.000 tấn/năm và Mang Yang – Ratarakiri có NMCB công suất 5.000 tấn/năm (RSS là 2.000 tấn và SVR 10, 20 là 3.000 tấn). VRG đã thống nhất chủ trương xây dựng thêm 3 nhà máy chủng loại mủ SVR 10, 20 rút gọn trong năm 2017 với tổng công suất 41.000 tấn/năm. Trong đó, Chư Sê – Kampong Thom là 21.500 tấn/năm, Tân Biên – Kampong Thom là 12.000 tấn/năm và Đồng Phú – Kratie là 7.500 tấn/năm.
Giảm RSS, tăng SVR 10, 20
VRG cũng quy hoạch NMCB theo từng cụm trong giai đoạn 2017 – 2020. Cụm 1 hiện nay đã quy hoạch đầu tư 1 nhà máy chế biến Chư Sê – Kampong Thom (21.500 tấn/năm) và 1 NMCB Tân Biên – Kampong Thom với công suất thiết kế đạt 15.000 tấn/năm (3.000 tấn RSS/ năm + mở rộng 12.000 tấn SVR 10-20/năm). Tổng công suất cụm 1 sẽ đạt 36.000 tấn/năm.
Tính đến năm 2020 sản lượng mủ khai thác trong cụm 1 đạt khoảng 56.000 tấn. Để đáp ứng được sản lượng trên, VRG sẽ xem xét quy hoạch đầu tư thêm 1 NMCB chung cho 2 công ty tại Bà Rịa – Kamphong Thom hoặc Phước Hòa- Kampong Thom vào năm 2018, có công suất 15.000 tấn/năm (gồm 2 dây chuyền khác nhau, đầu tư năm 2018 và 2020). Các công ty khác đầu tư các trạm cán vắt chuyển đến các nhà máy cụm để gia công.
Cụm 2 chuẩn bị đưa nhà máy Đồng Phú – Kratie vào hoạt động với công suất 7.500 tấn/năm. Đến năm 2020 sản lượng khai thác đạt 16.000 tấn năm và sẽ mở rộng nhà máy nâng công suất lên 8.000 tấn/năm để đạt công suất nhà máy cụm 15.500 tấn/năm.
Cụm 3 hiện đã có nhà máy Mang Yang- Ratanakiri công suất 5.000 tấn/năm, có thể đảm đương gia công cho các công ty lân lận. Đến năm 2020 sản lượng khai thác đạt khoảng 14.000 tấn/năm, sẽ mở rộng nhà máy và nâng công suất thêm khoảng 7.000 tấn/năm, để đảm bảo sản lượng chế biến trong vùng.
Song song đó sẽ xây dựng các trạm cán vắt đối với những công ty không có quy hoạch xây dựng NMCB, vận chuyển gia công tại các công ty trong cụm có NMCB hoặc các công ty gần sát biên giới có thể cán vắt chuyển về các công ty trong nước để gia công mủ CREPE.
Ông Trần Minh – Trưởng Ban Công nghiệp VRG cho biết: “Quy hoạch nhà máy cụm có công suất lớn phù hợp với chủng loại mủ SVR 10, 20, chi phí đầu tư sẽ thấp hơn so với đầu tư nhỏ lẻ, việc quản lý được tập trung và đồng nhất về chất lượng sản phẩm, đồng thời dễ dàng tạo dựng thương hiệu sản phẩm VRG của Tập đoàn. Dựa vào bảng dự kiến sản lượng vườn cây đến năm 2020 đạt 86.679 tấn, sẽ quy hoạch đầu tư và mở rộng nhà máy khoảng 30. 000 tấn/năm đưa tổng công suất các NMCB tại CPC đạt khoảng 78.000 tấn/năm. Tuy nhiên tùy vào điều kiện vườn cây thực tế sẽ quyết định đầu tư cụ thể”.
Trần Huỳnh
Related posts:
- VRG đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp
- Quản lý dữ liệu vườn cây bằng hệ thống thông tin địa lý GIS
- Tiếp tục nâng cao công suất các nhà máy chế biến tại Campuchia
- Cao su Việt Lào: phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu CSVN để phát triển bền vững
- Chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ cao su tiểu điền
- Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm cao su SVR 10
- Cao su Chư Prông nâng cao chất lượng vườn cây nhờ hợp tác chuyển giao kỹ thuật
- Sớm hoàn thiện quy trình kỹ thuật bổ sung 2017
- Tối ưu hóa năng suất vườn cây tái canh: Cần những yếu tố gì?
- Tác động của biến đổi khí hậu đến dịch hại trên cây cao su