CSVN – Không chỉ nổi bật với tay nghề giỏi, cần cù, chu đáo trong công việc, Bùi Thị Trang (Nông trường 9, Cao su Phú Riềng) còn là tấm gương điển hình đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” lai ghép cây giống cao su. Đây là phần thưởng xứng đáng với những cố gắng của chị.
Tận tâm với công việc
Chúng tôi đến vườn ươm Nông trường 9, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng vào một ngày nắng đẹp, khi CN đang tất bật dọn vườn để chuẩn bị cây giống cho mùa tái canh trồng mới năm sau. Giới thiệu về vườn ươm xanh tươi, ông Trần Văn Đức – Trưởng Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp Nông trường 9, cho biết: “Vườn ươm cây giống của nông trường có diện tích hơn 6 ha cao su, với 18 công nhân lai ghép. Ngoài cung cấp cây giống cho công ty, nhiều đơn vị bên ngoài đến đặt mua cây giống với số lượng lớn, sắp tới, nông trường sẽ mở rộng diện tích vườn ươm lên 14 ha”.
Nổi bật ở vườn ươm cây giống Nông trường 9 là “Bàn tay vàng” lai ghép Bùi Thị Trang. Trang sinh năm 1990, là người dân địa phương. Chị bắt đầu làm CN ghép ở vườn ươm Nông trường 9 từ năm 2010. Năm 2011, Trang đạt giải “Bàn tay vàng” khi tham gia Hội thi lai ghép cây giống cao su cấp công ty.
Trang cho biết: “Trước khi được nhận vào làm CN lai ghép, tôi từng theo phụ việc cho anh trai là CN lai ghép ở vườn ươm Nông trường 9, nên được hướng dẫn rất cặn kẽ, thành thục các kỹ thuật lai ghép. Sau đó, anh trai chuyển công tác, tôi được nhận vào làm CN lai ghép ở vườn ươm. Mỗi góc vườn ươm như ngôi nhà nhỏ của mình vậy, mình chăm sóc cẩn thận các công đoạn để có được cây giống tốt nhất”.
Yêu nghề lai ghép cao su
Đôi tay thoăn thoắt, uyển chuyển theo từng đường dao sắc ngọt, Trang vừa làm vừa giải thích cho chúng tôi về kỹ thuật lai ghép cây giống cao su. “Chọn mắt ghép nách lá từ những cành gỗ ghép vỏ còn xanh, lấy trên vườn nhân được kiểm định. Cành gỗ ghép nên có tuổi tương đương với gốc ghép để đạt tỷ lệ ghép sống cao. Vỏ gốc ghép và cành ghép phải tróc tốt. Không nên ghép lúc nắng gắt hoặc mưa dầm…. Trải qua nhiều công đoạn, với những thao tác đòi hỏi tính cẩn thận, sau ghép 20 ngày, băng ghép được tháo mở và kiểm tra mắt ghép”, Trang chia sẻ.
Gương mặt rạng rỡ, ướt đẫm mồ hôi, ánh mắt sáng và nụ cười tươi sau mỗi công đoạn lai tháp cây giống cao su của Trang, thể hiện rõ tình yêu công việc đang làm của chị. Trang tâm sự: “Tôi rất yêu công việc mình đang làm. CN lai ghép ở nông trường, nhận khoán vườn cây theo sự phân bổ. Mỗi CN làm đầy đủ các công đoạn, như: đào rãnh, bón phân, trồng hạt giống, tưới nước, làm cỏ, tỉa loại, phòng trị bệnh, tủ gốc giữ ẩm, lai ghép cây giống, chăm sóc cây tum bầu… Trong công việc, tôi tâm niệm rằng phải làm tốt các công đoạn để có cây giống tốt nhất cho mỗi mùa vụ trồng mới”. Hàng năm, Nông trường 9 tổ chức các đợt tập huấn, kiểm tra tay nghề của CN lai ghép. Ông Nguyễn Đạo Quán – Tổ trưởng Vườn ươm Nông trường 9, nhận xét: “Trang có tay nghề, kỹ thuật lai ghép cây giống cao su rất tốt. Với bản tính cần cù, chu đáo và trách nhiệm với công việc, vườn ươm do Trang nhận khoán luôn đạt chất lượng cao, gọn gàng, sạch đẹp”. Để có những vườn cây cao su sinh trưởng tốt, cho năng suất sản lượng cao, có một phần đóng góp không nhỏ từ những “Bàn tay vàng” lai ghép cây giống cao su như Bùi Thị Trang.
Trần Huỳnh
Related posts:
- Không sợ vất vả, chỉ sợ cây không cho mủ !
- Trần Khắc Đoàn - Giải nhất Bàn tay vàng Cao su Bình Long: Quán quân 2 kỳ liên tiếp
- Tận tâm với công việc, hết lòng vì công nhân
- Công nhân giỏi mê làm kinh tế
- Người cán bộ Đoàn trẻ, tài năng
- "Làm việc với đơn vị là nối dài thêm cơ duyên với Việt Nam"
- “Khó ở đâu tháo gỡ ở đó”
- Đỗ Lường Minh: Cán bộ Đoàn - Người thợ trẻ giỏi nhiệt huyết
- Chuyện người thầy thuốc "đụng đâu học đó"
- "Sao vàng Cao su" tài năng