CSVN – Lâu lắm rồi nó mới được về quê, nơi có những con đường quanh co dốc sỏi, nơi có con sông Trà Nô xuôi dòng êm ả và những cánh rừng cao su xanh bạt ngàn mướt lá. Nơi cho nó đầy ắp kỉ niệm về tuổi thơ tươi đẹp đã trôi xa và giờ thì chỉ còn trong hoài niệm.
Từ thời còn là cậu học sinh tiểu học nó đã theo mẹ vào lô, đối với nó hình ảnh cây cao su đã in hằn trong ký ức. Nó lớn lên theo ngày tháng cùng với sự vươn chồi mạnh mẽ của một loài cây. Nó quên sao được những khi loăn xoăn chạy theo mẹ vun chồi, bón phân, nhổ cỏ cho từng gốc cây. Nó thích thú ôm từng thân cây to tròn nhẵn nhụi, đối với nó cây cao su đã trở thành người bạn rất đỗi là thân.
Nó nhìn những bông hoa màu vàng chen trong lá, nó thích thú khi nghe tiếng lách cách rơi rụng của trái, nó đợi một ngày cây cho dòng mủ và nó nghĩ đó là niềm hạnh phúc nhất của gia đình.
Tuổi thơ của nó là những tháng ngày chẳng rời xa cây. Là những đêm cầm đèn pin soi cho mẹ cạo, là những lúc trông mủ đầy tô rồi hí hửng gom cho no lòng mãn nguyện. Là những buổi trưa chờ chị tổ trưởng cân mủ nhập kho, là những khoảnh khắc nhìn giọt mồ hôi chảy ròng trên trán mẹ.
Từ ngày có cây cao su về làng nó đã đổi thay. Những mái ngói đỏ tươi thay cho những mái tranh thấp lè tè nơi chân dốc, con đường bê tông cũng thẳng tắp vào làng, tiếng xe máy chạy vù vù, tiếng cười vui rộn vang cuối bản.
5 năm từ ngày mẹ nó mất, vườn cao su nhận khoán được chị nó một tay bón chăm. Những bông hoa vẫn từng chùm vàng mật, một mùi hương phảng phất tuổi thơ. Vẫn còn đó con đường quanh co vào lô dốc sỏi, vẫn còn đó những dòng mủ chảy cho phận người. Nó biết nó lớn lên đi học cũng nhờ một loài cây. Nó nhớ mẹ, nó nhớ rừng, nó hoài niệm rưng rưng.
Hoàng hôn lấp lánh vàng đang trải đầy sườn núi, rừng cao su nhà nó vẫn mướt xanh, một màu xanh trù phú, một màu xanh tin tưởng, một màu xanh đầy hạnh phúc và ngọt ước mơ. Nó muốn quay về với năm tháng tuổi thơ. Ở đó nó cùng chơi nơi rừng cao su rợp mát để nghe cái gió rào rạt thổi qua, để nó và rừng cao su cùng chiêm nghiệm về một vùng quê rất đổi thanh bình đã hằn in trong nó.
Huỳnh Ngọc Sáu
(Hiệp Đức – Quảng Nam)