CSVNO – Hầu hết các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên đều bị thiệt hại trên 2,5% sản lượng trong tháng 7 do mưa bão kéo dài.
Trong tháng 7 có 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng lớn đến công tác khai thác mủ của các công ty cao su tại Tây Nguyên, đặc biệt là khu vực phía bắc. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong suốt tháng 7 ngày nào cũng mưa nên các công ty không thể thu hoạch mủ trọn vẹn.
Theo Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, ông Ngô Văn Mân, mặc dù thời tiết mưa suốt ngày nhưng công ty vẫn cạo bình thường. Tuy nhiên sản lượng giảm khá nhiều. Nếu tháng 6 toàn công ty khai thác được 1.800 tấn, thì trong tháng 7 chỉ lấy được khoảng 80% của tháng 6, mất khoảng 400 tấn.
Còn tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, theo tính toán, mưa bão đã làm công ty thất thoát trên 2,5% sản lượng của cả năm. Trưởng phòng kỹ thuật nông nghiệp Võ Minh Sơn cho biết, trong tháng 7, toàn công ty mất khoảng một tuần không lấy được mủ, tương đương 2,5% kế hoạch của cả năm. Tính từ đầu mùa mưa đến nay, công ty thất thoát trên dưới 200 tấn.
Theo ông Nguyễn Bá Duy –Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, tuy trời mưa liên tục, nhưng ngày nào công ty cũng cạo, tuy không thu được mủ như mong muốn. “Ngày nào ít thì thu được 7 – 8 tấn, cũng có ngày thu được trên 20 tấn. Mặc dù vậy, hết tháng 7 toàn công ty đã khai thác được trên 40% kế hoạch của năm”, ông Duy thông tin.
Lãnh đạo các công ty cho biết, 2 cơn bão đã ảnh hưởng nặng nề đến công tác thu hoạch mủ. Lượng mưa nhiều, nhất là năm nay mưa vào sáng sớm diễn ra liên tục nên việc thu hoạch mủ gặp nhiều khó khăn. Một đơn vị khác trên địa bàn Gia Lai là cũng bị ảnh hưởng khá rõ do mưa bão.
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo, đơn vị cũng mất trên 2% sản lượng như các đơn vị khác trong khu vực. Phó TGĐ Trần Thị Thanh Mai chia sẻ: “Năm nay, công ty được VRG giao khai thác 5.300 tấn. Đầu năm tình hình có vẻ khả quan, nhưng đến mùa mưa khó khăn rất nhiều do ảnh hưởng của mưa bão. Tháng 7 vừa qua, toàn công ty mất trắng 3 ngày không cạo được, mỗi ngày bình thường chúng tôi thu hoạch khoảng 25 tấn, những ngày khác cũng cạo được một ít, tính ra đến hết tháng 7 công ty mất khoảng 140 tấn do mưa bão”.
Theo bà Mai, mất mủ do mưa cũng không đáng ngại, vì công ty có thể nỗ lực phấn đấu vào những tháng khác. Tuy nhiên khó khăn hơn là mưa nhiều làm vườn cây bắt đầu có dấu hiệu rụng lá mùa mưa. Hiện nay, toàn công ty có đến 500 – 600 ha bị mắc bệnh rụng lá mùa mưa, nhiều nhất là ở Nông trường Ea Sol, bà Mai cho biết.
Văn Vĩnh
Related posts:
- Đánh giá của HĐQT VRG: Dù khó vẫn tăng trưởng
- Cao su Đồng Nai - Kratie: Tập huấn 30 cán bộ, tổ trưởng quản lý
- "Cây sáng kiến" được tuyên dương Người thợ trẻ giỏi toàn quốc
- Cao su Sa Thầy: Lương bình quân trên 7,2 triệu đồng/người/tháng
- Cao su Krông Buk Ratanakiri: Đ/c Trần Ngọc Lành giữ chức Bí thư Chi bộ
- VRG chia sẻ kinh nghiệm về phát triển bền vững tại hội thảo của PEFC
- Cao su Mang Yang khen thưởng 52 đảng viên xuất sắc
- HAWA DDS - Giải pháp hiệu quả gỡ khó cho gỗ cao su Việt Nam
- Cao su Dầu Tiếng tổng kết công tác phối hợp bảo vệ tài sản, giữ gìn an ninh trật tự
- Tháng công nhân 2014: CĐ đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp