Đối thoại với người lao động: Cần cầu thị và thẳng thắn

CSVN – Để việc đối thoại định kỳ thực sự thể hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) cần hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc đối thoại. Người sử dụng lao động cần cầu thị khi tiếp nhận ý kiến và NLĐ phải “dám” mạnh dạn chất vấn.
NLĐ cần mạnh dạn chất vấn để đảm bảo dân chủ tại nơi làm việc. Trong ảnh: NLĐ phát biểu tại một buổi đối thoại của TCT CS Đồng Nai. Ảnh: Đào Phong
NLĐ cần mạnh dạn chất vấn để đảm bảo dân chủ tại nơi làm việc. Trong ảnh: NLĐ phát biểu tại một buổi đối thoại của TCT CS Đồng Nai. Ảnh: Đào Phong
Người sử dụng lao động: Cần cầu thị

Việc tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc được các đơn vị thực hiện theo Nghị định số 60/2013/NĐ – CP. Đối thoại là việc trao đổi trực tiếp giữa hai bên nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết và đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng cho NLĐ.

Hàng năm, các đơn vị thuộc VRG đều tổ chức đối thoại định kỳ với NLĐ. Tại đây, doanh nghiệp thông tin cho NLĐ về tình hình SXKD của đơn vị, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những ý kiến đóng góp cho đơn vị ngày càng phát triển. Đồng thời giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của NLĐ để hai bên thấu hiểu. Từ đó, hoạt động SXKD đi vào nề nếp hơn, NLĐ yên tâm công tác.

NLĐ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của doanh nghiệp. Đơn vị có mạnh hay không tùy thuộc rất nhiều vào sự chung sức, đồng lòng của tập thể CBCNVC – LĐ. Vì thế, người sử dụng lao động và NLĐ cần phải có tiếng nói chung. Về phía người sử dụng lao động cần phải cầu thị và lắng nghe. Sự cầu thị ở đây là tiếp thu những đóng góp của NLĐ về cách điều hành, quản lý, về những việc thực hiện được và chưa được của mình trong việc điều hành doanh nghiệp. Nghiêm túc, nhìn nhận những khuyết điểm để điều chỉnh những quy định hợp lý với thực tế hơn.

Chúng tôi có dịp tham gia buổi đối thoại định kỳ của một đơn vị lớn trong ngành cao su. Tại đây người đứng đầu đơn vị này mở đầu: “Thông qua các lần đối thoại trước, ban lãnh đạo đơn vị đã có nhiều điều chỉnh về cách quản lý điều hành phù hợp với thực tế hơn. Người sử dụng lao động đôi khi chưa nắm bắt rõ các vấn đề ở cơ sở nên không kịp thời trong công tác chỉ đạo, quản lý. Quan điểm của đơn vị là phục vụ nông trường, phục vụ công nhân. Nếu không có công nhân thì sẽ không có sản phẩm, không có vườn cây. Chúng tôi mong muốn NLĐ không gặp bất kỳ trở ngại, ức chế gì để làm tốt công việc của mình. Những trăn trở, băn khoăn về chế độ chính sách của NLĐ rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Vì vậy chúng tôi muốn lắng nghe và có những giải đáp rõ ràng để NLĐ yên tâm”.

NLĐ: Cần mạnh dạn “chất vấn”

Thực ra NLĐ có rất nhiều thắc mắc về chế độ lương thưởng, về quyền lợi của mình trong công việc và bên cạnh đó cũng có không ít những đóng góp, đề xuất, sáng kiến để công việc thực tế trên vườn cây đạt hiệu quả cao hơn. Nhưng, mấy ai dám nói thẳng, nói thật lên chính kiến của mình. Nếu có nói thì nói ít, nói nhẹ để không bị ghét. Tâm lý “sợ” bị ghét, bị chèn ép nơi làm việc là có, vì vậy đã ảnh hưởng không ít đến hiệu quả, chất lượng làm việc.

Trước mỗi lần đối thoại tại đơn vị, thường sẽ có buổi đối thoại ở các cấp cơ sở, tại đó những thắc mắc của NLĐ được giải đáp. Khi có ý kiến cơ sở không trả lời được sẽ chuyển lên trong buổi trực tiếp với lãnh đạo công ty. Và cũng có những buổi đối thoại, câu hỏi, ý kiến được ghi nhận trước, chứ không hỏi, không “chất vấn” trực tiếp tại buổi đối thoại. Thiết nghĩ, đó chưa phải là cách làm hay, nếu cảm thấy câu trả lời chưa hài lòng, NLĐ nên trực tiếp phản biện đến khi nào thỏa đáng mới thôi.

Cũng xin được nhắc đến một câu mà chúng tôi thấy tâm đắc khi người đứng đầu đơn vị kia đã nói: “NLĐ hình như sợ bị “đì” hay sao mà không dám hỏi, trong khi những điều đó liên quan đến quyền lợi của mình. Chúng tôi đối thoại một cách cầu thị, thể hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Điều mà NLĐ quan tâm là doanh nghiệp làm được gì cho họ, cụ thể và kết quả ra sao, chứ cấp trên không cần phải vòng vo giải đáp, mà phải vào vấn đề chính. Vậy nên NLĐ cứ mạnh dạn, thẳng thắn nói hết ý kiến của mình”.

Quả thật, đúng như thế. Hai bên cần “thấm” tinh thần của việc đối thoại. Người sử dụng lao động đừng “nóng” khi nghe những góp ý thẳng thắn của NLĐ và NLĐ cũng đừng “ngại” khi trình bày những ý kiến của mình. Có như thế, mới thực sự là dân chủ tại nơi làm việc.

Minh Nhiên