Không quên người đi trước

CSVN – Anh Tô Văn Thanh, nhân viên lái xe NT Hội Nghĩa (Cao su Phước Hòa), chia sẻ ” Chúng tôi là gia đình liệt sĩ, là con em công nhân cao su ba thế hệ, phải sống sao cho xứng đáng với tiền nhân”.
Vợ chồng anh chị Thanh-Sương bên mái ấm khang trang
Vợ chồng anh chị Thanh-Sương bên mái ấm khang trang

Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nước ta, vào một đêm tháng 6/1979, anh bộ đội Phạm Văn Đan thuộc Trung đoàn 816, Sư đoàn 323 khi ấy vừa tròn 20 tuổi đã cùng đồng đội tham gia trận đánh ác liệt tại cầu Ka Long, nối liền một bên là Móng Cái, Quảng Ninh (Việt Nam), một  bên là Đông Hưng (Trung Quốc).Quân địch với xe tăng, đại pháo bắn phá ác liệt, nhưng quân ta không nản lòng, quyết chiến đấu chặn đà tiến của chúng, và đã đẩy lùi được chúng về bên kia biên giới.

Trong trận đánh ác liệt đó, anh Đan bị trúng đạn làm gãy cánh tay phải, được đưa về điều trị tại bệnh viện K40 Đầm Hà, Quảng Ninh. 6 tháng sau anh được xuất viện trở về đơn vị tiếp tục công tác, đến tháng 6/1983 xuất ngũ về lại địa phương ở xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.

Những ngày tháng 7 này, tôi đã được gặp anh Phạm Văn Đan, nay là một nhân viên bảo vệ Nhà máy chế biến cao su Cua Paris, thuộc Công ty CPCS Phước Hòa. Anh Đan bồi hồi kể lại những năm tháng tiếp theo của đời mình sau cuộc chiến tranh vệ quốc:

– Sau khi xuất ngũ, tôi lập gia đình với cô gái cùng quê Đàm Thị Dung và sinh sống bằng nghề làm nông tại xã nhà. Cuộc sống vất vả lắm khi ba đứa con lần lượt chào đời. Năm 1999, qua một số anh em đã vào lập nghiệp tại Cao su Phước Hòa, tôi xin vào làm, và khi biết tôi là một thương binh, công ty đã sẵn lòng giúp đỡ, nhận và bố trí làm việc tại Đội bảo vệ Nhà máy Cua Paris. Khi công việc đã ổn định, một năm sau tôi đưa vợ con vào. Vợ tôi buôn bán ở chợ Phước Hòa, cộng với đồng lương của tôi nên kinh tế gia đình dần khởi sắc, nuôi ba đứa con ăn học và nay các cháu đều đã có công ăn việc làm ổn định.

Biết anh là một bảo vệ tận tụy, tôi có đề nghị anh kể một ca gay cấn trong công tác thì anh cười:

– Một buổi sáng sớm vào tháng 12/2007, khi tôi đang trong ca trực thì phát hiện một thanh niên khoảng ngoài 30 tuổi, từ ngoài nhảy vượt tường vào nhìn ngắm dáo dác, có lẽ định trộm cắp. Tôi liền đến truy hỏi thì y bảo vào lượm ve chai. Tôi lập biên bản, sau đó giao đối tượng cho địa phương. Từ đó đến nay thì “êm” luôn, không còn hiện tượng này nữa.

Anh Nguyễn Công Truyền, Đội phó Đội bảo vệ có nhận xét về anh Đan:

– Trong quá trình công tác, anh Đan luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh là người lớn tuổi, thương tật hành hạ liên miên nhưng rất nhiệt tình, gương mẫu, là tấm gương cho các anh em trong đơn vị.

Trong chuyến thăm hỏi anh thương binh Phạm Văn Đan có cả sự tham gia của bà Nguyễn Thị Phi Nga, Chủ tịch Công đoàn Công ty CPCS Phước Hòa. Thăm hỏi cán bộ công nhân  trong đơn vị ngay tại nơi làm việc hoặc tại nhà riêng là một nét đẹp đã trở thành truyền thống của Cao su Phước Hòa từ nhiều năm qua. Chẳng những thế, trong lần thăm hỏi này, bà Nga còn tặng quà cho anh thương binh luôn nhiệt tình công tác. Bà nói:

– Vượt qua thương tật để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như anh Đan là một tinh thần rất đáng trân trọng. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, Công đoàn công ty có chút quà gởi tặng Chúc anh và gia đình hạnh phúc!

Anh Đan đón nhận món quà từ tay bà chủ tịch Công đoàn, nét mặt biểu cảm vẻ xúc động xen lẫn tự hào. Sau đôi lời cảm ơn, anh nói:

– Nhiều khi trái gió trở trời, cánh tay bị thương của tôi hành đau nhức lắm, nhưng tôi cố nén cơn đau để làm nhiệm vụ. Những lúc ấy tôi luôn tự động viên mình, phải sống sao cho xứng đáng với bao đồng đội đã anh dũng hy sinh!

***

Ở NT Hội Nghĩa, hỏi đến vợ chồng anh Tô Văn Thanh sinh năm (SN) 1963, nhân viên lái xe nông trường  và chị Nguyễn Thị Ngọc Sương SN 1964, một công nhân ở Đội vườn ươm thì nhiều người biết. Đó là một cặp vợ chồng đã chung lưng đấu cật từ trong gian khó vượt lên… Nghe biết anh là thân nhân gia đình liệt sĩ, tôi có hỏi thăm thì anh cho biết:

– Cha tôi là ông Tô Văn Cộm SN 1938, nguyên là một du kích xã Tân Bình, huyện Tân Uyên; mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Phờ SN 1947, nguyên là một công nhân đồn điền cao su Phước Hòa. Còn bà ngoại tôi là bà Đặng Thị Đớt cũng là một công nhân cao su Phước Hòa thời Pháp thuộc. Cha tôi vào du kích xã năm 1960, qua mấy năm sau lập gia đình với mẹ tôi, nhưng ông bà chỉ ở được với nhau có 3 năm. Năm 1966, cha tôi hy sinh, khi đó tôi tròn 3 tuổi và có thêm một em gái mới 3 tháng tuổi. Mẹ tôi tần tảo làm công nhân cao su nuôi hai anh em tôi, cho đến năm 1984 bà mới nghỉ cạo. Năm 1982, tôi xin vào công nhân cao su Phước Hòa, được bố trí làm ở vườn ươm NT Bố Lá, đến năm 1984 thì chuyển qua NT Hội Nghĩa, cũng làm vườn ươm, chạy xe máy cày rồi đến năm 1995 chuyển qua chạy xe con cho đến nay.

Đi cùng anh Nguyễn Minh Quân, một cán bộ Công đoàn Cao su Phước Hòa đến thăm gia đình anh Thanh, tôi rất ấn tượng trước ngôi nhà to đẹp của hai vợ chồng. Đây là cả một quá trình kiên trì tạo lập của gia đình anh. Anh Thanh kể:

– Vợ chồng tôi lấy nhau năm 1986, ở tạm trong căn nhà tranh vách đất ven con suối rừng, cho đến năm 1991 từ đồng lương công nhân chắt chiu dành dụm  mới  mua  được  một  miếng đất 1.000 m² cặp theo đường ĐT 747 với giá 4 chỉ vàng.

Bà Nguyễn Thị Phi Nga, Chủ tịch Công đoàn Công ty CPCS Phước Hòa tặng quà cho anh thương binh Phạm Văn Đan nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ
Bà Nguyễn Thị Phi Nga, Chủ tịch Công đoàn Công ty CPCS Phước Hòa tặng quà cho anh thương binh Phạm Văn Đan nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ

Anh Thanh ngưng lại một chút, vẻ như đang ngập ngừng trong dòng hồi tưởng… Chị Sương cười, xen vào tiếp tục câu chuyện:

– Khi còn ở trong mái lều tranh, hai vợ chồng nằm trên giường nhìn lên mái tranh thấy cả một… trời sao! Và khổ nhất là những khi mưa dột, chỉ ước sao có được mái nhà tốt hơn một chút cho đỡ khổ. Mấy năm sau khi mua được đất mới cất được một căn nhà cấp 4 mà không còn tiền để tô, nhưng đêm nằm hết thấy trăng sao, hết bị mưa ướt là vui lắm rồi!

– Thế rồi để có được như ngày hôm nay, hẳn là hai vợ chồng phải chịu khó làm ăn lắm. Bằng những cách nào vậy?

Tôi hỏi, và anh Thanh lại cười, vẻ hào hứng:

– Thì cũng chủ yếu là làm thêm cao su thôi, mà cũng có cả sự may mắn trong đó nữa…Vào năm 1991, tôi mua được một chiếc xe cánh én còn khá đẹp với giá 1,2 lượng vàng. Lúc đó có ông Nguyễn Văn Khánh rất ưng chiếc xe của tôi nên rủ đổi cho ông lấy 2,5 ha cao su. Tôi “ô kê” liền rồi tập trung chăm sóc, khai thác. Mỗi ngày tôi thu được khoảng trên 100 lít mủ, thu nhập trên dưới 1 triệu đồng. Đến năm 1997 tôi mua thêm 1 mẫu cao su ở xã Uyên Hưng… Nhờ vậy mà năm 2012 đã có được trên 1,5 tỷ đồng, cất được nhà mới rộng 230 m² với đầy đủ tiện nghi, có cả ô tô để gia đình lâu lâu đi du ngoạn. Tôi có 3 đứa con, hai gái, một trai đều được nuôi ăn học tốt. Hai gái lớn có công ăn việc làm và đã lập gia đình.

Một chương mới đã khởi sắc với gia đình anh Thanh. Nhìn hai người rạng ngời hạnh phúc trong tâm đầu ý hợp, tôi buột miệng hỏi: “Vậy rồi hai bạn đã quen nhau trong trường hợp nào nè?”. Nghe vậy thì chị Sương đã mau mắn thay chồng trả lời:

– Kỷ niệm nhớ nhất khi chúng tôi quen nhau là vào một ngày trong năm 1985, khi tôi đang ngồi tháp cây thì bỗng có một làn nước xịt mạnh vào khiến tôi giật nảy cả người. Dòng nước “vô tình” cứ “bắn phá” về phía tôi làm ướt hết quần áo khiến tôi hoảng hốt phải đứng dậy bỏ chạy. Sau đó một chút thì anh Thanh (là người được phân công tưới nước vườn ươm) qua gặp tôi nói lời xin lỗi, vì anh không nhìn thấy tôi chứ không cố ý. Chúng tôi đã được ông tơ bà nguyệt se cho gặp nhau như vậy, rồi lấy nhau vào năm sau đó.

Có lẽ tâm đắc với câu chuyện tình của đôi bạn, anh Quân đã nêu một câu hỏi bông đùa:

– Hai vợ chồng đã đến với nhau từ những buổi đầu đầy gian khổ, khó khăn và thiếu thốn như thế, nay khấm khá rồi, liệu có khi nào nghĩ tới chuyện “kiếm thêm” một hình bóng mới?

Chị Sương nghiêm sắc mặt:

– Không bao giờ! Ai chứ vợ chồng tôi thì nguyện ăn đời ở kiếp cùng nhau.

Anh Thanh tiếp lời vợ:

– Chúng tôi muốn luôn là một gia đình gương mẫu, lao động tạo dựng cuộc sống và có trách nhiệm bảo vệ hạnh phúc gia đình. Hơn nữa, chúng tôi còn là gia đình liệt sĩ, là con em công nhân cao su ba thế hệ, phải sống sao cho xứng đáng với tiền nhân!

Bài, ảnh: Sáu Vườn Ươm