Kỳ 2: Đưa vào trồng các giống mới có nhiều ưu điểm
CSVN – Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những giống mới, các CTCS trực thuộc VRG đã thực hiện tốt công tác tái canh trồng mới (TCTM), tỷ lệ cây sống cao, tầng lá và vanh thân vượt chuẩn. Vườn cây KTCB sinh trưởng tốt, có khả năng kháng bệnh cao và đưa vào khai thác sớm.
>> Kỳ 1: Đồng bộ áp dụng cơ giới hóa
Liên tục đưa ra các giống mới
Xây dựng vườn cây đồng đều, sinh trưởng khỏe, rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản (KTCB), nâng cao tỷ lệ cây đưa vào khai thác sớm là mối quan tâm chính đối với các công ty, đơn vị khi bắt đầu mùa TCTM. Việc nghiên cứu nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế của vườn cao su là mục tiêu hàng đầu của Viện Nghiên cứu Cao su VN (RRIV). Nhằm đạt được mục tiêu trên, các tiến bộ kỹ thuật tiếp tục được hoàn thiện, được tích hợp đồng bộ trên các mô hình nghiên cứu. Trong đó, tiến bộ về cây con chất lượng cao, giống mới và các kỹ thuật chăm sóc tích cực trong thời gian KTCB là quan trọng nhất để đạt được vườn cây chất lượng cao, rút ngắn thời gian KTCB.
Tiếp tục hỗ trợ các đơn vị về công tác giống, với mục tiêu nâng cao năng suất mủ hơn nữa, đảm bảo thời gian KTCB, khả năng thích hợp với từng tiểu vùng trồng cao su của giống, năm 2017, RRIV đã nhập 8 giống mới từ Ấn Độ và 5 giống mới từ Thái Lan. Viện sẽ nghiên cứu, sàng lọc và chọn giống mới phù hợp cho các đơn vị trong thời gian tới.
Ông Phan Thành Dũng – Viện trưởng RRIV, cho hay trong Cơ cấu bộ giống cao su giai đoạn 2016 – 2020 mà VRG ban hành cuối năm 2015 đã nói rõ và chia thành 3 bảng theo phân vùng trồng cao su. Bảng I là những giống sản xuất đại trà (chiếm 70% diện tích TCTM). Tùy theo điều kiện môi trường địa hình đất đặc thù của từng vùng hoặc tiểu vùng, có thể trồng 3 – 5 giống. Bảng II là giống sản xuất qui mô vừa (trồng đến 25% diện tích TCTM) và Bảng III giống cao su khảo nghiệm (trồng 5% diện tích). Giống được RRIV sản xuất và cung cấp cho các đơn vị để trồng hàng năm theo kế hoạch định trước của Ban Quản lý kỹ thuật Tập đoàn, các công ty.
“Cơ cấu bộ giống ban hành có rất nhiều giống mới, có năng suất cao, đảm bảo thời gian KTCB, có những giống phù hợp cho từng vùng trồng, thậm chí cho từng tiểu vùng”, ông Dũng cho biết.
Giống RRIV 209 được trồng nhiều nhất
Theo Bảng cơ cấu giống cao su giai đoạn 2016 – 2020 được VRG ban hành, tại Bảng I, đối với các công ty khu vực Đông Nam bộ, có tiểu vùng định hướng năng suất cao từ 2,4 tấn/ ha, vùng rất thích hợp (A), ưu tiên năng suất cao với các giống RRIV 1, RRIV 106, RRIV 114, RRIV 209 và PB 255. Trong đó, giống RRIV 209 được các công ty, đơn vị trồng nhiều nhất trong mùa TCTM năm nay.
Các CTCS đã chủ động, linh hoạt chuẩn bị cây giống. Điển hình như Công ty CPCS Tân Biên, bà Lê Thị Bích Lợi – Phó TGĐ, cho biết: “Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cây giống vào cuối năm 2016, hiện nay cây có tầng lá chất lượng và khỏe mạnh, cơ cấu giống phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết của đơn vị. Năm nay, Cao su Tân Biên trồng mới 510 ha, chủ yếu là giống RRIV 114, RRIV 115, RRIV 209. Trong đó, giống sử dụng trồng nhiều nhất là RRIV 209”.
Công ty CPCS Tây Ninh có diện tích tương đương Công ty Tân Biên trong mùa tái canh năm 2017. Bà Trần Thị Thanh Nghê – Phó Phòng Kỹ thuật công ty, cho biết: “Năm nay công ty tái canh, trồng mới 539 ha với các loại giống RRIV 114, RRIV 115 và RRIV 209. Mùa trồng tái canh này, công ty chủ yếu trồng nhiều giống cao su do RRIV lai tạo”.
Ông Lê Mậu Túy – Trưởng Bộ môn giống Viện Nghiên cứu Cao su VN cho biết: “Cơ cấu bộ giống giai đoạn 2016 – 2020 cho các vùng, tiểu vùng đều có những ưu điểm riêng biệt. Giống RRIV 209 được các đơn vị chọn trồng nhiều bởi đặc tính sinh trưởng khỏe giai đoạn KTCB trên nhiều vùng trồng ở Đông Nam bộ, có năng suất cao và sớm. Ngoài ra, còn chống chịu điều kiện bất thuận của thời tiết, kháng bệnh tốt, ít rụng lá vào mùa mưa và cho mủ nhiều”. Khác với các đơn vị, vài năm gần đây, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng không tổ chức tự sản xuất cây giống để phục vụ công tác trồng tái canh. Công ty giao cho các nông trường chủ động chuẩn bị nguồn giống để TCTM. Mặc dù không sản xuất cây giống, nhưng công ty có cung cấp gỗ ghép để đảm bảo chất lượng giống.
Ông Lê Phương Trung – Giám đốc NT Thanh An cho hay, cây giống được mang ra trồng tái canh chủ yếu là cây bầu có tầng lá. Về mặt chất lượng, cây giống chịu sự kiểm tra chặt chẽ của lãnh đạo công ty cũng như cán bộ chuyên môn của nông trường.
Đa số trồng cây bầu 2 – 3 tầng lá
Các đơn vị bắt đầu trồng mới từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 7/2017 theo sự hướng dẫn của Ban Quản lý Kỹ thuật VRG. Ông Phan Sơn – Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty CPCS Phước Hòa, cho biết: “Năm nay thời tiết tốt, không có hạn kéo dài như năm trước, thuận lợi cho việc TCTM. Với diện tích trồng mới 1.077 ha, công ty đã chủ động chuẩn bị giống cây, giống chủ yếu là RRIV 209, PB 255 và trồng cây bầu từ 2 – 3 tầng lá trở lên”.
Trong những năm qua, Cao su Phú Riềng nhờ thực hiện tốt việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào TCTM, nhờ vậy tỷ lệ cây sống cao, mật độ đồng đều, chất lượng sinh trưởng vườn cây khá tốt. Công ty là một trong những đơn vị điển hình trong toàn ngành về công tác chuẩn bị cây giống và thực hiện TCTM.
Năm 2017, Cao su Phú Riềng tái canh, trồng mới 1.100 ha cao su. Ông Trần Văn Đức – Trưởng Phòng Kỹ thuật Nông trường 9, chia sẻ: “Năm nay, nông trường tiến hành trồng tái canh với diện tích 96 ha từ ngày 25/5 – 30/7 theo sự chỉ đạo của công ty. Do chuẩn bị cây giống tốt nên đơn vị trồng cây bầu từ 3 – 4 tầng lá. Giống chủ yếu là RRIV 209, RRIV 114 và PB 255”.
Tương tự các đơn vị, năm 2017, Cao su Đồng Phú TCTM 488 ha, Cao su Bình Thuận trồng mới 250 ha cũng sử dụng giống RRIV 209 là chủ lực và trồng cây bầu 2 – 3 tầng lá trở lên. “Công tác TCTM được công ty chuẩn bị tốt. Ở khâu chuẩn bị cây giống, từ trong vườn ươm đã được chọn lọc rất kỹ và phân bổ kịp thời cho các đơn vị, chủ động thời gian trồng. Đối với các đơn vị không có vườn ươm, công ty đã có kế hoạch giao líp trước khi tháp nên không còn sự cạnh tranh giống với các nông trường có vườn ươm như những năm trước. Công ty chủ động tăng cường cơ cấu giống cho năng suất cao như RRIV 209, PB 225”, ông Trần Vĩnh Tuấn – Trưởng Phòng Kỹ thuật Cao su Đồng Phú chia sẻ.
Có thể khẳng định, nhờ các CTCS chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng, cải tiến các phương pháp trồng hợp lý và tận dụng mọi yếu tố thuận lợi về thời tiết, tiến độ kịp thời vụ, bên cạnh các biện pháp thâm canh chăm sóc đúng quy trình, để vườn cây sinh trưởng tốt, hứa hẹn mang lại những vườn cây năng suất cao, chất lượng tốt khi đi vào khai thác.
Bài, ảnh: Ngọc Cẩm – Bình Nguyên
Related posts:
- Áp dụng cơ giới hóa là yếu tố hàng đầu để tăng năng suất lao động
- Góp ý xây dựng cơ cấu giống cao su
- Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm cao su SVR 10
- Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang: Nhiều triển vọng khi trồng thí điểm keo lai
- "Chủ nhà" Dầu Tiếng ráo riết chuẩn bị
- Cao su Đồng Phú tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
- Quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn chứng chỉ quốc tế
- Hiệu quả phun thuốc phòng bệnh phấn trắng
- Tổ chức mạng lưới kiểm tra kỹ thuật thu hoạch mủ và quản lý kỹ thuật vườn cây cao su kinh doanh
- Danh mục các doanh nghiệp ngành cao su phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính từ năm 2022