Những rừng “vàng trắng” quê tôi

CSVN – Là người công tác ngoài ngành cao su, nhưng tuổi  thơ tôi lại gắn bó giữa những rừng cây “vàng trắng” trên vùng đất đỏ bazan Bình Phước đã từ lâu rồi.
Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Sơn
Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Sơn

Chứng kiến sự đổi thay “lên ngôi” và những cơn “bão giá” mủ cao  su từ những năm 1990 đến nay, tôi luôn trân quý loài cây này, vì nó đóng vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội địa phương, bảo vệ môi trường, phủ xanh đất trống đồi trọc…

Trong một tiết học nghề thời lớp 8 cách đây 17 năm, tôi được cô giáo thông tin về nguồn gốc, kỹ thuật trồng và cạo mủ cây cao su. Tôi còn nhớ như in lời cô dạy: “Cây cao su là loài cây công nghiệp sẽ kiến thiết Bình Phước chúng ta ngày càng giàu đẹp và xanh tươi hơn!”.

Đúng thế! Loài cây có nguồn gốc từ rừng mưa Amazon (Brazil) này bắt đầu di nhập vào Việt Nam từ năm 1878, nhưng phải đến năm 1897 mới đánh dấu sự hiện diện  của nó trên dải đất hình chữ “S”. Sau chiến tranh (1976), cả nước còn khoảng 76.000 ha. Đến cuối năm 2016, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, diện tích cây cao su đạt 234.974 ha.

Từ những con số tịnh tiến phát triển không ngừng của cao su Bình Phước trong những năm qua, chúng ta càng thêm vững tin và cảm nhận được “tín hiệu vui”, “chỉ số hạnh phúc” của loài cây này, vẫn hiên ngang đứng vững trước sóng gió “bão giá” trong suốt một thời gian dài.

Các công ty, nông trường và các hộ trồng cao su tiểu điền vẫn thủy chung, gửi trọn niềm tin vào dòng nhựa trắng. Chính sự thủy chung ấy đã làm “ấm lên” giá mủ cao su trong những tháng đầu năm 2017. Tín hiệu vui  này tựa như cơn mưa rào trong nắng khát, đã tiếp thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp cao su phát triển, công nhân yên tâm gắn bó với nghề, người nông dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Để hôm nay đi khắp vùng quê Bình Phước, tôi cảm thấy yên vui và hãnh diện vô cùng trước bạt ngàn màu xanh của những rừng cây cao su trải dài xa xăm như những lá phổi xanh điều hòa khí hậu, như chiếc áo xanh tràn đầy nhựa sống trẻ thắm một miền quê.

Những bàn tay vàng say sưa thoăn thoắt bên muôn vạn hàng cây thẳng đứng tăm tắp; những dòng nhựa trắng dạt dào tuôn chảy tựa dòng sữa mẹ nuôi dưỡng những vùng quê nghèo ngày thêm giàu đẹp, văn minh. Thi thoảng giữa rừng vui, tiếng “tí tách” hạt su rơi. Và tôi biết, lại sắp có những mầm xanh nảy nở trên thủ phủ cao su Bình Phước.

Đỗ Văn Duyên

(Đồng Xoài – Bình Phước)

4 Bình luận
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Hoàng Sơn
6 years ago

Hay, súc tích, ít chữ mà gói gọn được nhiều vấn đề: nguồn gốc, sự phát triển – thách thức, ý nghĩa, triển vọng,… của cây cao su, ngành cao su.

Thanh Hương
6 years ago

Dù bão giá liên tục nhưng cây cao su vẫn đóng góp lớn cho sự phát triển của Bình Phước và là nguồn thu nhập chính của nông dân. Thời còn đại học, mình dẫn mấy đứa bạn ngoài miền Bắc về nhà chơi, đi ngang rừng cao su đứa nào cũng trố mắt khen đẹp, đặc biệt là mùa lá đổ; giá như chọn được những khu rừng cao su đẹp làm khu du lịch khám phá, chụp hình, làm MV… thì hay biết mấy.

hungqb
6 years ago

Tôi đồng ý quan điểm này: chúng ta càng thêm vững tin và cảm nhận được “tín hiệu vui”, “chỉ số hạnh phúc” của loài cây này, vẫn hiên ngang đứng vững trước sóng gió “bão giá” trong suốt một thời gian dài. Nhưng cần phải có thị trường xuất khẩu ổn định cho cao su, chế biến các sản phẩm chuyên sâu từ mủ cao su, chứ không thể cứ mãi xuất thô, có như vậy mới giữ vững danh hiệu “vàng trắng” được.

Vũ Thanh Nguyện
6 years ago

Cảm ơn tác giả. Giờ mới biết cao su có nguồn gốc từ rừng mưa Amazon (Brazil).