CSVN – Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tiêu bị chết hàng loạt, làm nông dân trắng tay. Ngoài chuyện thâm canh quá mức, bón phân vô tội vạ, mua nhầm phân kém chất lượng… thì nguồn gốc, chất lượng cây giống đang bị thả nổi cũng là tác nhân chính. Đơn cử có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cơ sở kinh doanh giống tiêu nhưng đến nay ngành nông nghiệp vẫn chưa quản lý hết.
Sử dụng quá nhiều phân vô cơ
Nhìn những hàng tiêu trơ cọc, anh Lê Thanh Hưng (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, Chư Pưh, Gia Lai) như chực khóc. Vườn tiêu hơn 1.300 trụ đang trong giai đoạn thu hoạch đột nhiên chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Ban đầu chết rải rác, rồi chết cả vườn, ai bày gì anh cũng làm, thử đủ cách nhưng vườn tiêu vẫn vô phương cứu chữa.
Hoàn cảnh của anh Hưng cũng là cảnh chung của nông dân trồng tiêu Tây Nguyên hiện nay. Bởi khi gặp chuyện, họ tự mày mò mua thuốc chữa, ai bày gì làm nấy, không có một cơ quan chuyên môn nào đứng ra giúp đỡ. Có chăng chỉ là đến khảo sát, thống kê thiệt hại rồi …thôi (!).
Qua khảo sát diện tích trồng tiêu trên địa bàn huyện Chư Sê, Chư Pưh, Gia Lai vào tháng 3/2017, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, cây tiêu chết là do chăm sóc chưa đúng quy trình kỹ thuật. Sử dụng phân vô cơ quá nhiều làm cây không thể chống chịu và phát triển lâu dài được.
Do đó, người dân cần tăng cường bón phân hữu cơ. Tuy nhiên, để làm được điều này thì tỉnh cần phải có biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng sản xuất các loại phân bón hữu cơ. Có như vậy mới tạo được sự chủ động, bón phân đúng thời vụ nhằm tăng hiệu quả trên cây tiêu.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu, thuộc Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thông tin: “Nói về bệnh trên cây hồ tiêu, đầu tiên và nghiêm trọng nhất là do nhiễm virus, đặc biệt là ở Gia Lai nhiều vườn tiêu bị nhiễm rất nặng. Bệnh này lây lan theo kiểu từ mẹ sang con, nếu lấy giống từ vườn bị nhiễm virus, mầm bệnh sẽ phát tán khắp nơi. Trong khi cây hồ tiêu được nhân giống vô tính, việc cắt, dâm cành lấy giống càng làm lây lan từ vườn này sang vườn khác. Hoặc trong quá trình canh tác, chỉ cần 1 đến 2 trụ trong vườn bị nhiễm do người dân làm cỏ, cắt cành vô tình không vệ sinh dụng cụ cũng bị lây bệnh sang cây khác”.
Chưa phân biệt được thuốc sâu và thuốc bệnh
Ngoài ra, hiện tượng các vườn tiêu bị nhiễm tuyến trùng đang là vấn đề rất nghiêm trọng, thậm chí ngay cả những vườn đang xanh tốt cũng xuất hiện tuyến trùng. Tất cả các vườn bị bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora gây ra đều xuất hiện tuyến trùng, đây là một trong tác nhân đầu tiên tạo ra vết thương để cho nấm xâm nhiễm. Còn bệnh chết chậm là hiện tượng vàng lá chứ không phải bệnh, do canh tác dinh dưỡng không đảm bảo dẫn đến vàng lá chết chậm.
“Chỉ mỗi tuyến trùng thì cây tiêu chưa chết được mà chỉ mới hư bộ rễ, chỉ khi nào xuất hiện mầm bệnh thì tuyến trùng mới trở thành tác nhân tạo ra vết thương khiến cây tiêu bị nhiễm bệnh rồi chết. Bên cạnh đó, cây tiêu nhiễm nấm fusarium cũng gây ra hiện tượng chết dần, chết mòn”, Thạc sĩ Ngọc cho biết thêm.
Còn ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai thì ví von, nguyên nhân tiêu chết một phần là do… giá cao (!). Theo ông Anh, giá tiêu liên tục tăng cao trong nhiều năm dẫn đến việc người dân thâm canh quá mức. Cụ thể người dân sử dụng phân bón quá liều lượng, sử dụng phân phức hợp không cân đối tỷ lệ N, P, K và các chất kích thích, phân bón đậm đặc để thu năng suất cao đã làm cho cây mất cân bằng dinh dưỡng, mất khả năng đề kháng tự nhiên dẫn đến dễ bị nấm bệnh tấn công gây hại. Một nguyên nhân khác là do nguồn gốc giống không được chọn lọc, sử dụng không rõ nguồn gốc, bị nhiễm bệnh trước khi đưa ra vườn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại người dân vẫn chưa phân biệt được thuốc sâu với thuốc bệnh, khi cây bị bệnh thì phun thuốc sâu, và ngược lại cây bị sâu thì … phun thuốc bệnh. Còn theo các chuyên gia, người dân bón phân mà mỗi lần bón đến 5-7 lạng/gốc, họ cứ nghĩ đằng nào cũng bón vào đất, cây hấp thu không hết thì từ từ. Nhưng như thế vẫn quá nhiều trong khi nhu cầu thực tế chỉ cần 1,5 đến 2 lạng/gốc đối với hồ tiêu kinh doanh. Chưa kể lượng phân này cũng phải chia nhỏ ra bón nhiều lần.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Để giải quyết tình trạng tiêu giống trôi nổi, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các ban ngành, đặc biệt là Sở NN&PTNT tăng cường quản lý giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, cụ thể thống kê đầy đủ các cơ sở sản xuất, mua bán giống cây trồng trên địa bàn tỉnh, đồng thời làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với từng cơ sở sản xuất, mua bán, nêu rõ cơ sở nào đã được cấp phép, chưa cấp phép, số lượng cơ sở vi phạm, biện pháp xử lý.
Sau khi đi kiểm tra tình hình vườn tiêu chết tại huyện Chư Pưh và làm việc với các đơn vị chức năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên đã chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường quản lý nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp khác; tuyệt đối không để giống tiêu kém chất lượng, nhiễm bệnh gây hại cho nông dân.
Ngoài ra, ông Kpă Thuyên cũng yêu cầu Sở NN&PTNT cử cán bộ nông nghiệp xuống cơ sở hướng dẫn người dân thu gom, vệ sinh vườn, tiêu hủy toàn bộ cây tiêu bị chết, tiến hành cày, xử lý đất để tiêu diệt mầm mống sâu bệnh gây hiện tượng vàng lá, chết nhanh, chết chậm do các tuyến trùng trên cây hồ tiêu; chuyển đổi loại đất này sang trồng cây ngắn ngày. Đối với vườn tiêu đang có dấu hiệu bị vàng lá, chết nhanh, chết chậm, chết do tuyến trùng, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo hướng dẫn ngay biện pháp phòng trừ đặc hiệu, xử lý ngăn chặn, tiêu diệt mầm mống sâu bệnh, tuyệt đối không để lây lan gây chết vườn tiêu khác.
Ông Trần Tuấn Khải – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, Sở NN&PTNT đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Gia Lai đề nghị ban hành tiêu chí vườn ươm, quy trình chứng nhận vườn ươm và tiêu chuẩn cây giống xuất vườn của một số cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm trên địa bàn tỉnh. Trước đó, Sở cũng ban hành quy định tiêu chí cây tiêu đầu dòng, vườn tiêu đầu dòng trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở rà soát, tổng hợp đề nghị công nhận cây hồ tiêu đầu dòng của các huyện, TP. Pleiku, Chi cục đã tham mưu cho Sở thành lập hội đồng bình tuyển, xét chọn 48 cây hồ tiêu của các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, Đăk Đoa… để tiến tới thẩm định và công nhận cây đầu dòng. Đây là những cây có năng suất ổn định trong nhiều năm, thậm chí có nhiều trụ đạt đến 25kg/vụ.
Ông Khải cũng cho biết, Sở cũng đang đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí giúp tỉnh Gia Lai hoàn thiện dự án “Điều tra khảo sát, bình tuyển giống tiêu. Xây dựng vườn tiêu đầu dòng và sản xuất hom giống tiêu sạch bệnh virus, các mô hình sản xuất tiêu bền vững” ở các vùng trọng điểm trồng tiêu trong tỉnh như Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đăk Đoa… để người dân tiếp cận được cây giống tốt, đồng thời nhân rộng mô hình, sản xuất đại trà.
Văn Vĩnh – Quốc Dinh
Related posts:
- Cần cẩn trọng khi "nhảy việc"
- Cao su Ea H’Leo sôi nổi giải bóng chuyền truyền thống
- Cao su Phước Hòa – Kampong Thom sôi nổi hội thao kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su thực hiện tốt công tác đào tạo ngắn hạn
- Thi đua vượt khó ở Cao su Bình Thuận
- Cao su Dầu Tiếng góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới
- Cao su Chư Păh hỗ trợ 30 triệu đồng xây nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo
- Cao su Bà Rịa: nhiều giải pháp thu hút, giữ chân người lao động
- Cao su Lộc Ninh: Sản lượng vượt trên 9% kế hoạch
- Nông trường An Lộc "lội ngược dòng" ngoạn mục