“Khúc ru tình” của người làm báo

CSVNO- Tối ngày 21/6, tại Phòng trà Golden Light, TP HCM, nữ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ – Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cao su VN đã thực hiện đêm nhạc ý nghĩa với chủ đề “Khúc ru tình”, kỉ niệm 30 năm gắn bó với nghề báo và gây quỹ ủng hộ nhà báo Lê Quang.
Nữ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ và ca sĩ Hà Vân trình diễn ca khúc  "Phải lòng Tây Bắc"
Nữ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ và ca sĩ Hà Vân trình diễn ca khúc
“Phải lòng Tây Bắc”

Gần 30 năm gắn bó với ngành cao su, từ ngày đầu tiên, với cái nhìn trong trẻo của một cô phóng viên trẻ lần đầu vào vườn cao su và ngạc nhiên nhận ra: “Ơi… những đốm nắng vàng rơi trên lá khô / Vườn cao su nhìn từ phía nào cũng đẹp”, nên các sáng tác của Quỳnh Lệ gắn với những mầm xanh cao su, với dòng nhựa trắng, với nụ cười trong trẻo của công nhân cao su, những đường dao cạo sắc ngọt…

Nữ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ và phóng viên Tạp chí Cao su VN tại đêm nhạc
Nữ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ và phóng viên Tạp chí Cao su VN tại đêm nhạc

Là một nhà báo, vừa là nhạc sĩ sáng tác, có người còn gọi chị là nhà thơ… 3 trong 1. Quỳnh Lệ bước vào sân chơi âm nhạc bằng trái tim và đôi chân của một nhà báo. Nghề báo cho chị nhiều chuyến đi, nhiều trải nghiệm. Hơn 30 năm gắn bó với nghề báo, nên Quỳnh Lệ có nhiều thuận lợi trong viết ca từ. Nhờ vậy, khi sáng tác nhạc, chị không chỉ nhắm mắt, “phiêu” bằng trái tim, mà còn tỉnh táo bởi cái đầu làm báo. Cũng vì vậy, khi đọc các bài báo của chị sẽ thấy chất thơ, đọc thơ sẽ thấy chất nhạc và nghe nhạc sẽ thấy có chất… báo.

Nữ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ (người ôm hoa) trong vòng tay chúc mừng của bạn bè tại đêm nhạc
Nữ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ (người ôm hoa) trong vòng tay chúc mừng của bạn bè tại đêm nhạc

Không chỉ là một chương trình nghệ thuật, đêm nhạc còn gây quỹ giúp đỡ đồng nghiệp nên có ý nghĩa sâu sắc. Chủ đề của Đêm nhạc là Khúc ru tình – là những giai điệu để ru đời, ru tình, ru người và ru cả mình nữa.

Trong cuộc đời, chữ tình thật sâu nặng và thật đa nghĩa: Mở mắt chào đời và cho đến cuối đời, chúng ta được bao bọc trong Tình cha tình mẹ, tình gia đình thân tộc. Bước vào sân trường, chúng ta nhận được tình của thầy cô và bạn bè. Khi đến cơ quan làm việc, ta nhận được tình đồng nghiệp. Trong xã hội và cuộc sống, ta nhận được tình đồng bào, đồng hương…

Và, có một chữ Tình cho ta nhiều cung bậc cảm xúc của hạnh phúc và đau khổ – đó là Tình yêu.  Mục đích chính của đêm nhạc là kêu gọi bạn hữu chung tay đóng góp gây quỹ giúp đỡ đồng nghiệp Lê Quang trong cơn hoạn nạn, cũng là góp phần tô đẹp một khúc ru tình – tình thương mến thương của tình đồng đội, tình đồng nghiệp.

Đêm nhạc kéo dài hơn 3 tiếng với hơn gần 20 nhạc phẩm của Quỳnh Lệ
Đêm nhạc kéo dài hơn 3 tiếng với hơn gần 20 nhạc phẩm của Quỳnh Lệ

Mạch chủ đề chính của đêm nhạc là “Hạt mưa gõ nhẹ lên trái tim” với nhiều cung bậc của cơn mưa, tạo ra sắc độ khác nhau của bức tranh tình yêu: Vui ít, man mác nhiều, da diết chia sẻ yêu thương… Có 2 tiết mục Quỳnh Lệ đặc biệt yêu thích. Đó là 2 ca khúc ra đời bằng bước chân của người làm báo nên mang đậm chất báo chí. “Phải lòng Tây Bắc” và “Ước mơ trên vai mẹ” (viết khi đi cùng nhóm làm phim Fteam thực hiện phóng sự về những gánh hàng rong).

Ca sĩ Nhật Hạ trình bày nhạc phẩm "Quán nhớ" của Quỳnh Lệ
Ca sĩ Nhật Hạ trình bày nhạc phẩm “Quán nhớ” của Quỳnh Lệ

Các ca sĩ trình diễn trong đêm nhạc, như: Đức Minh, Xuân Phú, Hương Giang, Trường Thư, Hoàng Lan… là nhưng gương mặt sáng giá của các phòng trà TP.HCM. Hà Vân, Huỳnh Thật, Lê Toàn mới nổi lên qua những cuộc thi truyền hình. Ca sĩ hải ngoại Nhật Hạ mới giành giải nhất trong cuộc thi âm nhạc. Các ca sĩ đều tình nguyện không nhận thù lao để ủng hộ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ và nhà báo Lê Quang.

Nữ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ chụp hình lưu niệm cùng bạn bè thân thiết trong nghề
Nữ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ chụp hình lưu niệm cùng bạn bè thân thiết trong nghề

Chia sẻ về con đường sáng tác, Quỳnh Lệ tâm sự: “Âm nhạc là một sân chơi rộng lớn, mênh mông và không có biên giới. Còn bản thân mình chỉ như con ốc bò chậm chạp loanh quanh trên một bờ bãi nhỏ nhoi. Với âm nhạc, mình có niềm đam mê từ thuở nhỏ nhưng lúc đó gia đình không có điều kiện để vun đắp. May mà trước 1975, hồi học cấp 2 ở Mỹ Tho mình được học môn âm nhạc với thầy Tường. Thầy dạy rất kỹ và cho học nhiều bài hát hay, nhiều giai điệu đẹp. Đó là những hạt giống tốt, cộng với quãng thời gian tham gia phong trào Du Ca, mình lại được tiếp xúc với dòng nhạc phong trào. Sau 1975, mình tham gia đội văn nghệ địa phương…”.

Quỳnh Lệ cứ túc tắc tự học thêm và tham gia các lớp bồi dưỡng sáng tác của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Tiền Giang rồi ngâm nga vài bài hát cho bạn bè. Năm 1983, đội văn nghệ Thành đoàn Mỹ Tho chọn bài Khúc ca dao cho người học trò trẻ của Quỳnh Lệ  đi thi Hội diễn tỉnh và bài hát nhận được Giải A Sáng tác ca khúc, ca sĩ thì được Huy chương Vàng, sau đó tiếp tục nhận HCV ở Hội diễn Quân khu 9.

Nữ nhà báo Quỳnh Lệ chia sẻ về nghề báo
Nữ nhà báo Quỳnh Lệ chia sẻ về nghề báo

Năm 1983, Quỳnh Lệ cũng chuyển công tác từ tờ báo Ấp Bắc của tỉnh về tờ báo Cao Su VN của Tổng cục Cao Su (hiện là Tập đoàn CN Cao su VN). Cả một thời gian dài chị chỉ chuyên tâm làm báo mà gần như không có thời gian dành cho âm nhạc. Nhưng âm nhạc vẫn là niềm đam mê nên lại theo học các khóa sáng tác của Hội Âm nhạc. Tác phẩm Khúc mưa, phổ thơ Đỗ Trung Quân nằm trong tốp A của Trại sáng tác 6 Hội Âm Nhạc TP.HCM.  Sau đó Quỳnh Lệ theo học Đại học sáng tác ở Nhạc viện.

Chủ đề chính của đêm nhạc là “Hạt mưa gõ nhẹ lên trái tim”
Chủ đề chính của đêm nhạc là “Hạt mưa gõ nhẹ lên trái tim”

Sau khi được kết nạp vào Hội Âm Nhạc TP.HCM và trình làng Album Bong bóng mưa – với 12 tình khúc. Chị lại cuốn vào công việc chuyên môn báo chí… Đến năm 2013, khi tổ chức Cuộc Vận động sáng tác về ngành cao su, Quỳnh Lệ đã ra mắt Album “Đến với yêu thương”, với những ca khúc viết về người công nhân và vùng đất cao su.

Nữ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ và ca sĩ Huỳnh Thật
Nữ nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ và ca sĩ Huỳnh Thật

Nhiều nhạc sĩ nhận xét rằng nhạc của Quỳnh Lệ thường ít theo khuôn khổ cân phương – bởi cái đầu làm báo làm thơ cho chị nhiều ý tưởng khi viết lời và chị thích “cái kết có hậu” nên thường có thêm một khúc Coda. Đêm nhạc “Khúc ru tình” cũng là cái cớ để Quỳnh Lệ sắp xếp lại hành trang và bước tiếp trên hành trình rong chơi trong cuộc đời này.

Sắp bước đến ngưỡng cửa  mà mọi người hay ví von – “Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời” – trải qua những cung đường có nhiều niềm vui nhiều thăng hoa hạnh phúc trong công việc và trong cuộc sống,  cũng có những khúc quanh buồn thương tiếc nuối… Nhìn lại, Quỳnh Lệ thấy mình vẫn là người may mắn và hạnh phúc khi nhận được nhiều sự chia sẻ, đồng hành, khích lệ và sự hỗ trợ giúp đỡ tận tình từ những người thân yêu, từ đồng nghiệp, bạn bè thân thiết.

Ca sĩ Xuân Phú trình bày nhạc phẩm "Khúc mưa" của Quỳnh Lệ
Ca sĩ Xuân Phú trình bày nhạc phẩm “Khúc mưa” của Quỳnh Lệ

Đêm nhạc “Quỳnh Lệ – Khúc ru tình” vào dịp Ngày Báo chí năm nay, nhà báo Quỳnh Lệ muốn gửi lời cảm ơn chân thành từ sâu thẳm trái tim mình đến với những người thân yêu, những người bạn thân thiết, những người đã có duyên gặp nhau trên chuyến tàu cuộc đời có rất nhiều sân ga…

Mỗi một bài hát là một lời nhắn nhủ yêu thương, chị dành cho những người thân yêu, các “Hiệp sĩ” cùng các bạn bè là nhà báo – nhạc sĩ – ca sĩ – những người đã đồng hành cùng Quỳnh Lệ trong công việc, trong cuộc sống.

Ngọc Cẩm