Thành công từ mô hình nuôi rắn hổ vện

CSVN – Với nhiều người, nói đến rắn thì chỉ nhìn thôi đã thấy sợ chứ chưa nói là nuôi và bắt rắn, cầm rắn trên tay. Nhưng với anh Nguyễn Tấn Thành, nhân viên Tổ bảo vệ Trạm Thực nghiệm cao su Lai Khê (Viện Nghiên cứu CSVN), việc tiếp xúc với hàng trăm con rắn, rồi cho rắn ăn, tắm cho rắn, cầm rắn trên tay khá điêu luyện lại chính là công việc thường xuyên hàng ngày.
Nuôi rắn hổ vện, anh Thành thu được từ 200 -300 triệu đồng/năm.
Nuôi rắn hổ vện, anh Thành thu được từ 200 -300 triệu đồng/năm.

Và cũng từ loài rắn, anh đã xây dựng thành công mô hình chuồng trại nuôi rắn hổ vện, góp phần đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Đam mê…rắn (!)

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả, anh Phạm Văn Dược, Trạm trưởng Trạm Thực nghiệm cao su Lai Khê không giấu sự hồ hởi: “Đây là mô hình chăn nuôi độc, lạ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình nhưng hiếm có người làm”. Nghe vậy, chúng tôi không khỏi tò mò, hào hứng giục anh lên xe dẫn đường ngay.

Xe lăn bánh qua rừng cây cao su xanh ngát. Khi ngang qua những luống cỏ tranh trồng xen lẫn vườn cây cao su, anh Dược bảo, hộ gia đình này còn xin đơn vị trồng xen cỏ tranh để chăn nuôi bò, nhưng nguồn thu nhập chính vẫn là từ chăn nuôi rắn.

Chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ ở ấp Bến Tượng, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương với chủ nhân là anh Nguyễn Tấn Thành, sinh năm 1981, nhân viên Tổ bảo vệ Trạm Thực nghiệm cao su Lai Khê. Anh Dược giới thiệu ngay, “Anh Thành là một gương điển hình về phát triển kinh tế gia đình, dám nghĩ dám làm, táo bạo thực hiện những mô hình mới, hiệu quả”.

Trong câu chuyện ban đầu, anh Thành kể, anh vào làm trong ngành cao su được hơn 5 năm. Mô hình nuôi rắn hổ vện này anh ấp ủ từ nhiều năm trước và quyết định làm mới 3 năm gần đây. Tuy mới trong thời gian ngắn, nhưng mô hình này đang được nhiều người quan tâm, đến tham quan chuồng trại nuôi rắn của anh nhưng …không dám thử nghiệm. Đam mê về rắn, ngay khi có điều kiện anh quyết định thực hiện ước mơ của mình. Theo anh, để có được thành công phải dám nghĩ, dám làm và không ngừng nỗ lực, mày mò tìm hiểu tích lũy thêm kinh nghiệm.

Bị rắn cắn: Chuyện bình thường

Dẫn chúng tôi đi tham quan  chuồng  nuôi rắn, anh Thành chia sẻ: “Học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, tham khảo thêm kỹ thuật trên Internet, tôi tự mày mò triển khai”. “Tôi vừa xuất bán 70 con rắn về Tây Ninh, đợt cao giá con 1,6 kg trở lên giá 800 ngàn đồng/ con, loại 1,6 kg trở xuống khoảng 450-550 ngàn đồng/con. Có con 3kg trở lên giá lên đến 3 – 4 triệu đồng/con”, anh khoe.

Quá trình nuôi cũng lắm công phu. Ngay từ khi phát triển mô hình để đầu tư chuồng trại, ngoài số vốn tích cóp tiết kiệm, anh còn phải vay mượn gia đình, bạn bè thêm, về chuyên môn thì   tự mày mò học hỏi, nghiên cứu đặc điểm về loài rắn hổ vện (hay còn gọi là hổ trâu, hổ hèo). Anh còn lặn lội lên Tây Ninh để tìm nguồn giống và tham khảo các mô hình. Ban đầu, anh gặp không ít khó khăn như rắn chết, rắn chậm lớn dẫn đến thua lỗ. Có những lần cho rắn ăn, do chưa có kinh nghiệm anh bị rắn cắn vào tay là chuyện bình thường.

[cow_johnson general_float=”center”]Anh Phạm Huy Cường, phụ trách Tổ Bảo vệ Trạm cho biết: “Anh Thành luôn hoàn thành công việc ở đơn vị, có tinh thần trách nhiệm cao. Ngoài giờ làm việc anh còn là một tấm gương về tính chịu thương chịu khó, ham học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.”.[/cow_johnson]

Những lần xuất bán đầu tiên, có thương lái đến tận nhà thu mua nhưng giá thấp hơn so với thị trường, anh phải tự đi tìm nơi tiêu thụ. Ròng rã nhiều ngày tìm hiểu, anh mới tìm được những đầu mối thu mua ổn định. Hiện nay, thương lái đến tận nhà mua rắn với giá cao, chủ yếu xuất bán cho thị trường Tây Ninh.

Anh Thành cho biết thêm, loại rắn hổ vện khá dễ nuôi, không tốn thời gian chăm sóc. Với 2 con rắn giống lần đầu tiên anh mua từ Tây Ninh về nuôi, sau 8 tháng thì rắn đẻ được từ 18-20 trứng, ấp nở 100% con. Trung bình rắn sinh sôi 3 lứa/năm. Loại rắn này một tuần chỉ cần cho ăn 2 lần, ngoài ra chúng có thể nhịn ăn 6 tháng, nhưng phải thêm công đoạn rửa chuồng, thay nước cho rắn tắm.

Thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng mỗi năm

Không ngại chia sẻ cách làm, anh cho biết, vốn đầu tư làm chuồng trại tầm khoảng 3 triệu đồng, lưới làm chuồng là loại chì không rỉ sét. Chuồng xây theo quy cách cao 1m5, dài 2 mét, chia làm 2 buồng trên dưới, mỗi buồng nuôi được từ 40-50 con. Rắn ăn ếch và các loại côn trùng, động vật sống. Mùa khô thì anh huấn luyện cho rắn ăn động vật chết, hoặc từ nguồn nhà tự nuôi, đi bắt thêm.

Anh lý giải, nhiều người cho rắn ăn thức ăn sống như chuột, ếch, cóc, nhái nhưng nguồn thức ăn này chỉ phong phú vào mùa mưa, những tháng mùa khô rắn bị bỏ đói nên chậm lớn dẫn đến giá thấp. Vì thế, ngay từ đầu anh tập cho rắn ăn cả thức ăn “nguội” như chuột, ếch, cóc, nhái, trứng gà, xác động vật đông lạnh, nhằm chủ động hơn.

Theo anh Thành, muốn có giống rắn tốt, nên chọn con khỏe mạnh, dài, ngoài ra cần biết cách phân biệt con cái con đực, trung bình mua 10 con giống thì phải 3 con đực, 7 con cái, cách phân biệt là gạch dưới bụng ít hoặc hầu như không có là rắn đực, phần gạch ngang nhiều là con cái.

Giống rắn hổ vện trong trại nuôi của anh hiện có chiều dài từ 2,5-3m, tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ đẻ trứng và nở cao, màu đen bóng rất được thị trường ưa chuộng. Hiện trại của anh dao động từ 100-200 con được chia làm 3 khu chuồng nuôi: dưỡng rắn con, nuôi rắn mẹ và khu phối giống ấp trứng. Mỗi con rắn anh nuôi đẻ trung bình 12-20 trứng. Khi rắn nở, anh phân loại để bán giống, hoặc chuyển qua nuôi thương phẩm.

Rắn nuôi một năm có trọng lượng hơn 3kg/con, giá bán cho bạn hàng trung bình 500-800 ngàn đồng/kg. Hiện anh còn ấp giống để bán trứng và con giống. Một quả trứng giá từ 70-150 ngàn đồng và 120-250 ngàn đồng/rắn con. Tính bình quân mỗi lần xuất chuồng rắn trưởng thành, anh thu được từ 40-60 triệu đồng và một năm từ 200-300 triệu đồng.

Với thành công của mình, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm mô hình này cho nhiều người học hỏi, cũng như sẵn sàng hỗ trợ con giống, bàn giao kỹ thuật cho nhiều người quan tâm. Ngoài chăn nuôi rắn, hiện gia đình anh còn đầu tư thêm nuôi bò, xin đơn vị trồng thêm 1 ha cỏ tranh xen canh cao su để làm thức ăn cho bò.

Bài, ảnh: Minh Tâm