CSVN – Không khí vui tươi, hân hoan tràn ngập trên khắp nông trường, đội, tổ các công ty cao su khu vực Tây Bắc khi diện tích mở miệng cạo năm nay nhiều hơn năm trước. Đó là ghi nhận của chúng tôi trong chuyến công tác tại các đơn vị thuộc VRG ở Tây Bắc vào trung tuần tháng 5 vừa qua.
Giá tăng, diện tích khai thác tăng
Năm 2016, các công ty Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã đồng loạt mở cạo. Có thể nói, sau bao năm chờ đợi thì đây là thành quả bước đầu của biết bao cố gắng. 3 đơn vị này đang tiếp tục đưa thêm diện tích vào khai thác, củng cố thêm niềm tin với đồng bào, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho NLĐ.
Công ty CPCS Sơn La tiến hành mở miệng cạo 146 ha cao su trồng từ năm 2007 và 2008 tại 3 đội sản xuất là Ít Ong, Mường Sại và Liệp Muội. Mặc dù năm đầu tiên đưa vào cạo trung bình hơn 300 cây/ha nhưng sản lượng thu được rất khả quan. Kết thúc năm 2016, công ty đã khai thác được 75 tấn mủ quy khô. Năm nay, công ty sẽ nâng diện tích khai thác lên 1.090 ha. Với diện tích mở cạo tăng, NLĐ rất phấn khởi, vì ngoài thu nhập bình quân hàng tháng, họ còn được chia thêm cổ tức tùy theo diện tích góp đất trồng cao su.
Chúng tôi đến Đội cao su Liệp Muội, Công ty CPCS Sơn La khi công nhân (CN) khai thác vừa hoàn tất phần cây cạo của mình, còn các CN khác thì tất bật, gấp rút trang bị vật tư cho vườn cây. Năm nay, đội sẽ nâng diện tích khai thác lên 121 ha, nhờ đó nhiều CN sẽ được đào tạo tay nghề để chuyển sang khai thác. Đội trưởng Lò Văn Minh cho biết: “Vườn cây đưa vào khai thác đúng thời điểm giá mủ đang nhích dần lên, chúng tôi hy vọng diễn biến giá sẽ tốt hơn nữa để NLĐ có thu nhập ổn định. Khi CN nhận phần cây cạo họ rất phấn khởi, vui mừng, vì bao nhiêu lâu chờ đợi thì cây cao su đã đến thời kỳ khai thác”.
Trước đây, họ đã quen với việc trồng ngô, sắn, nuôi heo, nuôi bò thì nay cây cao su phát triển tại địa phương đã làm thay đổi tập quán canh tác của bà con. Họ tin tưởng và mong chờ những kết quả tươi sáng phía trước. Chị Lò Thị Duyên – Đội Cao su Mường Sại, Công ty CPCS Sơn La là một trong những CN góp đất trồng cao su ngay những ngày đầu khi Công ty Sơn La triển khai dự án. Chị chia sẻ: “Mong chờ đến ngày khai thác lắm chứ. Năm ngoái cây cao su cho mủ rồi, năm nay hy vọng mủ sẽ nhiều hơn, sản lượng cao, tiền lương mình cũng nhiều hơn, có thêm để lo cho con ăn học”.
Khát vọng về cuộc sống ấm no hơn
Đến nay, Công ty CPCS Lai Châu có tổng diện tích hơn 6.900 ha, năm 2016 VRG đã long trọng tổ chức lễ khai thác mủ cao su tại đơn vị, đánh dấu một giai đoạn mới trong chương trình phát triển cao su miền núi phía Bắc. Năm nay, công ty tiếp tục nâng diện tích mở cạo lên 1.435 ha. Để chuẩn bị cho công tác khai thác, công ty đã tổ chức lớp tập huấn đào tạo tay nghề cho CN và gấp rút trang bị vườn cây đưa vào mở cạo.
Tính đến thời điểm này, công ty đã tiến hành khai thác đồng loạt trên diện tích 1.435 ha. Nông trường cao su Điện Biên là nông trường đầu tiên của Công ty CPCS Điện Biên đưa 42 ha cao su vào khai thác năm 2016. Có thể nói sau bao nhiêu năm chờ đợi, vườn cây đưa vào khai thác như nhân lên niềm vui, là minh chứng khẳng định thành quả ban đầu của dự án phát triển cao su tại miền núi phía Bắc.
Chúng tôi đến Đội cao su Mường Mơn vào dịp công ty tổ chức tập huấn tay nghề cho những người địa phương mới xin vào làm CN. Với tín hiệu tốt từ diện tích mở cạo năm 2016, đồng bào đã tin tưởng vào sự phát triển của cao su nơi đây và số người xin vào làm CN ngày một nhiều hơn.
Công ty cũng đã kết hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su, Viện Nghiên cứu Cao su VN và chủ động tổ chức lớp đào tạo, tập huấn tay nghề cho CN. Đối với những nông trường, đội thiếu lao động, công ty bố trí, điều động CN từ nơi khác đến tăng cường để đảm bảo tiến độ khai thác và sản lượng như kế hoạch đề ra.
Anh Vừ A Cú – CN Nông trường Điện Biên, Công ty CPCS Điện Biên hồ hởi: “Mình gắn bó với công ty từ khi thành lập đến nay, đã được 9 năm rồi. Năm ngoái mình là CN khai thác, cạo quen rồi nên mình thấy làm CN khai thác thoải mái hơn rất nhiều. Ngoài công việc trên vườn cây còn dư thời gian thì mình tranh thủ làm các công việc ở nhà. Là CN thì chẳng mong gì hơn ngoài việc sản lượng được nhiều, công ty hoàn thành kế hoạch mà CN lao động cũng có nhiều lương, mong giá cao su tăng hơn nữa để mọi người yên tâm làm việc”.
Trước mỗi mùa cạo, NLĐ cũng như đơn vị đều hy vọng, tin tưởng vào một năm nhiều thành quả với sản lượng khai thác năm sau cao hơn năm trước. Điều này càng có ý nghĩa hơn với đồng bào miền núi phía Bắc. Ở họ mang một niềm tin, khát vọng về cuộc sống ấm no hơn, đổi mới hơn. Khó khăn đi qua, những cố gắng phấn đấu của tập thể CBCNVC – LĐ các đơn vị được đền đáp bằng những kết quả ban đầu. Tin tưởng rằng, vườn cây đưa vào khai thác trong thời điểm giá mủ đang khả quan sẽ đem lại hiệu quả SXKD tốt cho công ty và thu nhập cao cho NLĐ.
Quỳnh Mai
Related posts:
- Phát huy truyền thống anh hùng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng Cao su Bình Long vững mạnh t...
- Cao su Mang Yang: Chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động
- Cao su Chư Mom Ray: thành viên mới trong CLB 2 tấn
- Cao su Sa Thầy tọa đàm kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
- Tây Nguyên dẫn đầu tỷ lệ khai thác sản lượng toàn Tập đoàn
- Cao su Ea H’leo: Nhiều chỉ tiêu vượt cao trong những tháng đầu năm
- Cao su Hà Tĩnh khởi sắc những tháng đầu năm 2024
- "Chủ động, linh hoạt, đồng lòng phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao"
- Sức sống mới ở nông trường Ia Glai
- Kết nối tình quân dân nơi phên dậu Tổ Quốc