An toàn vệ sinh lao động: Không chỉ theo “chiến dịch”

CSVN – Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một trong những chương trình hành động thiết thực, nhằm chăm lo người lao động (NLĐ) mà Tổng Liên đoàn Lao động VN (LĐLĐ VN) đề ra nhằm thực hiện tốt năm “Vì lợi ích đoàn viên”.
Sơ cứu ban đầu khi bị tai nạn lao động, một nội dung trong Hội thi “An toàn vệ sinh viên giỏi” do CĐ Cao su VN tổ chức. Ảnh: Phan Thắng
Sơ cứu ban đầu khi bị tai nạn lao động, một nội dung trong Hội thi “An toàn vệ sinh viên giỏi” do CĐ Cao su VN tổ chức. Ảnh: Phan Thắng
Đâu là nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động?

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2016 toàn quốc xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 8.251 người bị nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 799 vụ; số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên là 106 vụ; số người chết là 862 người; số người bị thương nặng là 1.952 người.

TNLĐ không chừa một ai, nó ập đến từ rất nhiều lý do khác nhau. Theo số liệu từ Cục An toàn Lao động (Bộ LĐTB&XH), các nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNLĐ chết người do người sử dụng lao động chiếm 42,1%, do NLĐ chiếm 17,3%, 40,6% là do các nguyên nhân khác.

Theo phân tích của Cục An toàn Lao động, TNLĐ xảy ra đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng cao hơn khu vực có quan hệ lao động. Trong trường hợp này, chủ sử dụng lao động dễ dàng “phủi’ trách nhiệm, tránh tốn kém chi phí y tế, giám định thương tật, bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ…

[cow_johnson general_float=”center”]

Ngành cao su chú trọng công tác an toàn lao động

Lao động trong ngành cao su khá đa dạng, gắn với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, lao động trong lĩnh vực khai hoang, khai thác, vận chuyển, chế biến cao su… có tính đặc thù rõ rệt về tính chất việc làm, môi trường làm việc. Đây cũng là các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra TNLĐ cao nhất.

Dù nhiều năm qua, công tác ATVSLĐ luôn được các cấp chính quyền và tổ chức CĐ quan tâm quán triệt, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhưng vẫn còn xảy ra các vụ TNLĐ đáng tiếc, do nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.

Là tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, hàng năm, vào Tháng Công nhân, CĐ Cao su VN đều chỉ đạo các cấp CĐ quan tâm, thăm hỏi, động viên NLĐ và thân nhân NLĐ không may bị TNLĐ. Năm nay, CĐ Cao su VN đã chỉ đạo CĐ các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác tập huấn, huấn luyện, đào tạo đội ngũ an toàn vệ sinh viên, mở các lớp tập huấn về phòng tránh cháy nổ, TNLĐ cho cán bộ CĐ, đoàn viên CĐ và NLĐ. Ngoài ra, phối hợp chính quyền và chuyên môn tăng cường phối hợp lực lượng thanh tra, kiểm soát tốt việc chấp hành ATVSLĐ tại đơn vị.

P.V
[/cow_johnson]

Thực tế, quy định của pháp luật về ATVSLĐ hiện nay tương đối đầy đủ, cụ thể song nhiều DN đã phớt lờ việc xây dựng nội quy vận hành an toàn cho từng loại máy móc, thiết bị, bảo hộ lao động. Việc huấn luyện định kỳ về ATVSLĐ sơ sài, mang tính đối phó… Về phía NLĐ, do thiếu hiểu biết hoặc vì mưu sinh đành “nhắm mắt” bất chấp nguy hiểm.

Không chỉ làm theo “chiến dịch”

Khi xảy ra TNLĐ, dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì NLĐ vẫn là chủ thể chịu thiệt thòi nhất. Nó làm suy giảm sức khỏe, tương lai của NLĐ, ảnh hưởng kinh tế cho DN, lâu dài còn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do vậy, trước hết NLĐ phải tự trang bị ý thức phòng tránh, không tự đẩy mình vào thế phải đối diện những rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng của bản thân. Bản thân NLĐ phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động, có quyền từ chối làm việc nếu thấy điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn.

Việc tuyên truyền giáo dục NLĐ nâng cao ý thức phòng tránh TNLĐ trong mỗi dịp phát động tuần lễ, tháng hành động ATVSLĐ là cần nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn là cần thực hiện nghiêm chỉnh, chặt chẽ suốt 365 ngày trong năm. Chỉ như vậy mới có thể hạn chế mức thấp nhất TNLĐ.

C.Đ