CSVN – Đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình trong CNVC-LĐ là một chủ trương lớn được Công đoàn CSVN triển khai thành Nghị quyết 6a. Từ chủ trương này, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được công nhân phát triển, giúp họ ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.
“Muốn dư dả phải gầy dựng từ đôi tay”
Anh Nguyễn Văn Trầm – Trợ lý kỹ thuật NT Thuận Đức (Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận) đã khẳng định như vậy khi được hỏi về việc phát triển kinh tế gia đình.
Công tác tại Cao su Bình Thuận đã tròn 10 năm, hiện nay đời sống gia đình anh rất ổn định. Ngoài công việc chính ở cơ quan, từ nguồn vốn tích lũy, anh trồng gần 1.000 trụ tiêu. So với những người nông dân chuyên trồng tiêu ở vùng này thì vườn tiêu gia đình anh có quy mô còn nhỏ. Nhưng so với mặt bằng chung công nhân trong đơn vị, thì việc trồng tiêu phát triển kinh tế hộ gia đình của anh được xem là một trong những mô hình phát triển kinh tế điển hình, tiêu biểu của đơn vị.
“Với hơn 1.000 trụ tiêu đã giúp gia đình tôi có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Sau khi trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập từ 50-60 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm khoảng 30 gốc mít, gần 10 gốc dừa, để kiếm thêm thu nhập”, anh chia sẻ.
Theo anh Trầm, làm việc nào cũng có nỗi vất vả riêng của nó. Ngoài giờ làm ở đơn vị, anh trở về nhà tất bật chăm lo cho vườn tiêu và một số cây ăn trái của gia đình mình. Với bản tính siêng năng, cần mẫn, chịu khó của người miền Trung như ăn vào máu thịt, hết việc cơ quan đến việc nhà, dường như anh không cho mình ngơi nghỉ. Với anh cuộc sống gia đình ổn định, dư dả thì phải gầy dựng từ chính đôi tay của mình.
Từ những dành dụm chắt bóp trong chi tiêu, năm 2012 gia đình anh xây dựng được căn nhà mới khang trang, sạch đẹp. Trò chuyện với ông bà nội của anh, họ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện từ ngày đầu lập nghiệp nơi mảnh đất này. Về những khó khăn, vất vả khi từ nhỏ anh Trầm phải sống xa cha mẹ. Chúng tôi như hiểu thêm và khâm phục về một tấm gương có nghị lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.
Thu nhập 1 tỷ đồng mỗi năm
Rời Cao su Bình Thuận, chúng tôi tìm đến NT Thọ Sơn (Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng), nơi có đến 98% CNVC-LĐ nông trường ngoài giờ làm việc ở đơn vị, thời gian còn lại làm thêm nương rẫy, chăn nuôi tăng thu nhập. Nổi bật là gia đình chị Ngô Thị Thủy – nhân viên kế toán vật tư và anh Nguyễn Như Tôn – nhân viên lái xe. Vợ chồng chị Thủy – anh Tôn từ Hà Tĩnh vào làm công nhân cao su với hai bàn tay trắng. Đến nay, anh chị đã gắn bó với ngành cao su 30 năm. Với tinh thần không ngại khó ngại khổ, ngoài giờ làm ở nông trường, anh chị tích cực làm thêm nương rẫy từ năm 1988. Lúc đầu là 3 ha tự khai hoang, rồi sau đó tích cóp, dành dụm mua thêm đất, đến giờ vợ chồng anh chị có hơn 20 ha đất trồng cao su, điều, tiêu, cà phê và nhiều loại cây ăn trái. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vợ chồng chị Thủy, anh Tôn, là tấm gương điển hình phát triển kinh tế hộ gia đình ở đơn vị. Với 9 ha cao su, 9 ha điều và hơn 600 cây cà phê đang thu hoạch, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, anh chị thu lãi trên dưới 1 tỷ đồng. Được biết, chị Thủy là một trong những gương “Công nhân Cao su ưu tú” sẽ được Công đoàn Cao su VN vinh danh trong dịp Lễ phát động “Tháng Công nhân” năm 2017.
“Có được sự phát triển kinh tế như ngày hôm nay, trước hết nhờ sự quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo công ty và nông trường để chúng tôi an tâm làm kinh tế gia đình. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn cây cao su của tôi cho sản lượng và năng suất cao, trên 2 tấn/ha”, chị Thủy hồ hởi kể. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Chinh – Giám đốc NT Thọ Sơn cho biết: “Ở nông trường có nhiều hộ phát triển kinh tế gia đình cho thu nhập cao.
Tiêu biểu là gia đình chị Thủy và anh Tôn, gương điển hình về phát triển kinh tế được nhiều người học tập kinh nghiệm. Thu nhập từ phát triển kinh tế của gia đình anh chị mỗi năm trên dưới 1 tỷ đồng. Trong đó, năng suất điều trên dưới 20 tấn, cao su thu nhập 300 – 400 triệu đồng/năm. Anh chị biết cách sắp xếp thời gian giữa công việc đơn vị và phát triển kinh tế gia đình khoa học, hợp lý. Nhờ phát triển kinh tế phụ, cuộc sống gia đình anh chị khấm khá hơn, con cái được ăn học đến nơi đến chốn”.
Phát triển thêm nhiều mô hình hiệu quả
Xuôi về Công ty Cổ phần cao su Hòa Bình, chúng tôi ghé thăm gia đình vợ chồng anh Nguyễn Đăng Hùng, Nguyễn Thị Diễn – công nhân khai thác Đội 1, một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình.
Từ một gia đình khó khăn về kinh tế, vợ chồng anh chị đã vươn lên làm giàu bằng việc đầu tư, cải tạo phát triển kinh tế phụ gia đình, làm mô hình chăn nuôi, kết hợp trồng cây tiêu, điều.
Ngoài công việc chính là thu hoạch mủ tại đơn vị, anh chị còn phát triển chăn nuôi dê. Trời không phụ lòng người, đàn dê của anh chị nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng với những kỹ thuật chăn nuôi được tìm hiểu cặn kẽ, ứng dụng vào thực tế có hiệu quả nên phát triển nhanh. Dê mẹ đẻ dê con, chỉ trong năm đầu anh chị đã thu hồi vốn và có lãi. Tiền đầu tư chuồng trại 5 triệu đồng, tiền mua con dê giống là 20 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản đã chi phí, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình chị Diễn còn trồng thêm 100 gốc tiêu quanh vườn nhà, còn 6 sào rẫy trồng 104 gốc điều cho thu nhập trên 20 triệu đồng/năm.
Tính chung, từ nguồn thu nhập chăn nuôi dê, trồng điều, kết hợp nuôi thêm gà thả vườn, tổng thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm. Kéo ống nước, tưới cho vườn cây tiêu tốt, xanh um mới được trồng chị Diễn tươi cười hy vọng: “Khi những gốc tiêu này cho thu hoạch, thu nhập từ phát triển kinh tế gia đình tôi sẽ tăng lên, góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống sau này”.
Trong căn nhà khang trang, được khánh thành cách đây chưa lâu, tiếng cười vui luôn tràn ngập của hai vợ chồng, cùng người cha già 94 tuổi và hai đứa con của anh chị. Căn nhà mới xây xong trị giá hàng trăm triệu đồng được anh chị tích cóp từ nguồn thu nhập làm công nhân cao su và phát triển kinh tế gia đình. Đây là kết quả của việc chắt chiu, tiết kiệm, chịu thương chịu khó, đồng thời tự mày mò học hỏi kinh nghiệm, tham khảo các mô hình làm kinh tế của bạn bè, đồng nghiệp.
Nhận xét về gia đình chị Diễn, ông Đoàn Ngọc Hải – Đội Phó, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Đội 1 (Công ty CPCS Hòa Bình), nói: “Gia đình anh chị trở thành hình mẫu phấn đấu của những đôi vợ chồng công nhân trẻ, là tấm gương thực tế gần gũi để học hỏi, noi theo. Những cách làm hay, mô hình hiệu quả, được chúng tôi thường xuyên tuyên truyền trong anh em công nhân được biết, từ đó góp phần nhân rộng phong trào phát triển kinh tế gia đình trong đơn vị. Giúp đời sống công nhân ngày càng phát triển ổn định và giàu có hơn”.
Không chỉ đầu tư chăn nuôi dê, gà, trồng cây tiêu, điều hiệu quả, chị Diễn cho biết trong tương lai khi nguồn vốn của gia đình tăng lên khá hơn, anh chị sẽ phát triển thêm các mô hình chăn nuôi, trồng trọt khác. Trong đó, sẽ làm dịch vụ cung cấp con giống cho bà con, bạn bè, đồng nghiệp để cùng phát triển kinh tế gia đình.
Đây là một trong những hướng đi được Công ty CP Cao su Hòa Bình khuyến khích, nhằm nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, để tạo thêm thu nhập ổn định cho công nhân.
Bài, ảnh: Quỳnh Mai – Ngọc Cẩm – Minh Tâm
Related posts:
- Rộn ràng mùa cạo mới trên nước bạn
- Cao su Lộc Ninh vượt chỉ tiêu so với cùng kỳ năm 2023
- Cao su Bà Rịa tham gia lễ ra quân huấn luyện quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Thắm đượm tình đoàn kết giữa cao su Đồng Nai với tỉnh Hà Giang
- Vụ đề xuất chặt cao su nuôi bò ở Hà Tĩnh: Người trong cuộc nói gì?
- Giá cao su giảm, tiểu điền chới với! (kỳ 3)
- Sôi động hội thi bàn tay vàng cấp công ty
- Cao su Phước Hòa tổ chức Hội nghị Triển khai công tác bảo vệ tài sản và giữ gìn an ninh trật tự
- Cao su Bình Long phát triển toàn diện
- Trồng xen canh dưa hấu: Được mùa, được giá