CSVN – “Mạnh dạn đầu tư các sản phẩm từ mủ, gỗ cao su, những sản phẩm công nghệ cao” – Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Đình Xuân – nguyên Phó TGĐ TCT CSVN khi trao đổi với PV Tạp chí CSVN.
Công nghiệp chế biến gỗ hiện là một trong những ngành nghề chính của VRG, ông đánh giá như thế nào về triển vọng của lĩnh vực này?
Có thể khẳng định rằng định hướng sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ là định hướng hoàn toàn đúng đắn của VRG. Điều này được minh chứng là hiện nay toàn VRG có nhiều công ty sản xuất, chế biến gỗ có quy mô lớn, các sản phẩm có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, xuất khẩu ra các thị trường lớn trên thế giới.
Việc mở rộng lĩnh vực này đã tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động những nơi có các nhà máy đứng chân, góp phần tăng doanh thu cho VRG, giúp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Định hướng này của VRG được khởi đầu vào việc thành lập Xưởng Sản xuất Chế biến gỗ Thuận An, sau này là Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An. Thời kỳ đầu mới thành lập còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của CBCNVC, đầu tư của VRG, công ty ngày càng mở rộng sản xuất. Ngay năm đầu tiên đã có đơn hàng xuất khẩu sang Thụy Điển, tiếp đến là các nước như Úc, Mỹ và châu Âu.
Từ thành quả này, VRG tiếp tục tập trung và mở rộng ngành nghề chế biến gỗ, nhiều công ty được thành lập như MDF VRG – Dongwha, MDF VRG – Kiên Giang, MDF – VRG Quảng Trị, Xí nghiệp Chế biến Gỗ Đông Hòa… Tôi cho rằng đây là hướng đi, là bước chuyển mình quan trọng của VRG, vì cây cao su là loại cây đa mục đích. Sau thời gian cho mủ thì gỗ cao su là lợi ích thu được. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động cả về khách quan và chủ quan, giá mủ có những lúc thăng trầm.
Vì vậy công nghiệp chế biến gỗ là hướng đi cần tập trung thực hiện và sẽ “cứu” được ngành cao su trong những năm giá mủ thấp. Hiện nay, hơn 15 năm từ ngày triển khai thực hiện định hướng sản xuất chế biến gỗ thì ngành này đã khẳng định được vị thế của mình trong các ngành nghề chính của VRG, với doanh thu năm sau cao hơn năm trước, sản lượng sản xuất các loại gỗ phôi, ghép tấm, các đơn đặt hàng luôn tăng cao.
– Theo ông, trong thời gian tới VRG cần phải tập trung đầu tư sản xuất như thế nào để trở thành một trong những tập đoàn kinh tế mạnh của cả nước?
Sắp tới VRG sẽ cổ phần hóa, tái cơ cấu, sắp xếp lại ngành nghề sản xuất nhưng chung quy lại cần phải chú trọng đến sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hóa nông nghiệp. VRG có một đội ngũ CBCNVC – LĐ dồi dào, nguồn nhân lực này đang ngày càng phát triển về trình độ tay nghề và chuyên môn. Thêm vào đó, các đơn vị trực thuộc VRG đang sở hữu công nghệ máy móc kỹ thuật cao.
Việc cổ phần hóa sẽ giúp nguồn vốn của các đơn vị được dồi dào hơn, kinh doanh có hiệu quả hơn. Vì vậy với các lợi thế sẵn có về nhân lực, nguồn vốn, trình độ kỹ thuật thì hoàn toàn có thể làm được. Tôi nghĩ nên mạnh dạn hơn về nghiên cứu, đầu tư các sản phẩm công nghệ cao về cao su. Đó là con đường đưa VRG phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.
VRG đã có sản phẩm bóng thể thao, găng tay y tế, chỉ thun nhưng vẫn chưa có lốp xe mang thương hiệu VRG, tôi thiết nghĩ VRG phải đầu tư thực hiện về sản phẩm này, bên cạnh đó có thể nghiên cứu các sản phẩm làm từ hạt cao su. Tập trung đi sâu nghiên cứu các sản phẩm mới, đầu tư thiết bị máy móc công nghệ cao thì năng suất lao động cao, giúp tăng doanh thu và tăng thu nhập cho NLĐ.
Xin cảm ơn ông!
Quỳnh Mai
Related posts:
- Sản xuất công nghiệp hiệu quả trong tình hình mới
- Sức trẻ ở Nhà máy 28/10
- "Hội thi bàn tay vàng đã thay đổi cuộc đời tôi"
- Tháo gỡ khó khăn trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm cao su tại khu vực miền núi phía Bắc
- 3 năm liền sản lượng khai thác đứng đầu đơn vị
- Lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp có kết quả kinh doanh vượt trội
- Xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ và EU: khó hồi phục trong ngắn hạn
- Công ty Cổ phần VRG Khải Hoàn (VGLOVE): Kín đơn hàng đến năm 2022
- Rơ Lan Bleo - Chàng Jarai “tân tiến” của bản làng
- Nhà truyền thống công nhân cao su: Nơi tái hiện và lưu giữ lịch sử ngành cao su