Diện mạo mới ở Ia H’Drai

CSVN – Huyện Ia H’Drai (Kon Tum) có tổng diện tích cây cao su hơn 24.700 ha, chiếm hơn 92% tổng diện tích cây trồng toàn huyện. Người dân trên địa bàn huyện đa số làm CN cao su. Thời gian qua, chính quyền huyện Ia H’Drai và các công ty cao su đã có nhiều giải pháp giúp cho CN có cuộc sống ổn định, an tâm lập nghiệp ở vùng đất mới.
Trồng mới cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray. Ảnh: Văn Vĩnh
Trồng mới cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray. Ảnh: Văn Vĩnh
Nơi người dân chủ yếu làm CN cao su

Với hơn 24.700 ha, cây cao su chiếm hơn 92% tổng diện tích cây trồng của huyện Ia H’Drai. Ngay từ đầu, chính quyền huyện đã xác định đây là cây trồng chủ lực trên địa bàn, và phần lớn người dân sinh sống trong huyện là tham gia làm CN cao su, hoặc chọn cây cao su là cây trồng chính trong phát triển kinh tế gia đình.

Tại Ia H’Drai, chỉ riêng Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray có hơn 5.200 ha cao su, trong đó có 800 ha đã đi vào khai thác, tạo việc làm cho hơn 500 CN. Dù thời gian qua gặp nhiều khó khăn do giá mủ xuống thấp, nhưng công ty luôn cố gắng thực hiện chi trả tiền lương kịp thời cho CN, với mức bình quân cho CN chăm sóc khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng và CN khai thác hơn 4 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, công ty còn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo về nhà ở, nhờ đó CN an tâm gắn bó với doanh nghiệp. Chị Phạm Thị Hồng Trưng, CN Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray, chia sẻ: “Công ty tạo mọi điều kiện thuận lợi để người CN phát triển nương rẫy, làm mì, làm lúa để nâng cao thu nhập. Tụi em sẽ cố gắng vượt lên cùng công ty. Tuy giá mủ thấp tụi em cũng cố gắng để sản lượng cao, khi đó mới có nhiều tiền lương nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Nói về việc chăm lo đời sống CN, ông Huỳnh Ngọc Hưng – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray, cho biết: “Công ty luôn tạo điều kiện cho công nhân tận dụng canh tác tại các bờ lô, hợp thủy để trồng hoa màu. Ngoài ra, hỗ trợ tạo lập nhà ở để định cư cho cán bộ, công nhân viên khi vào đây lập nghiệp. Đồng thời, có những chính sách cụ thể về y tế chăm lo sức khỏe cho nhân viên”.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua giá mủ cao su xuống thấp nên ảnh hưởng đến đời sống của CN. Để CN có cuộc sống ổn định, an tâm gắn bó với vùng đất mới, bên cạnh việc tạo điều kiện có diện tích đất canh tác ở các bờ lô, hợp thủy của các công ty cao su, huyện Ia H’Drai đã tập trung lồng ghép nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo điều kiện cho CN phát triển thêm các loại cây trồng, vật nuôi, vừa đảm bảo lương thực, vừa góp phần tăng thêm thu nhập.

Ngoài ra, các tổ chức hội, đoàn thể đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội để CN có thêm nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Chị Hà Thị Xuyến (thôn 4, xã Ia Đal) nói: “Chúng tôi là CN cao su. Mặc dù giá mủ chưa ổn định nhưng được sự quan tâm của chính quyền địa phương, tạo điều kiện để vay vốn sản xuất, gia đình chúng tôi cũng yên tâm bám vùng kinh tế mới này”.
Huyện Ia H’Drai còn đẩy mạnh triển khai các mô hình khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nhất là đưa các giống cây trồng mới như hồ tiêu, cà phê, mì… vào sản xuất để từng bước phá thế độc canh cây cao su trên địa bàn, tăng thu nhập cho người dân. Huyện tập trung quy hoạch lại quỹ đất ở, đất sản xuất để người dân an tâm gắn bó với huyện.

Ông Pờ Ly Hảo – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai, cho biết: “Hiện nay trên địa bàn huyện đa số người dân là CN trong các công ty cao su, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn do giá cả cao su thấp. Để người dân an tâm hơn, huyện đang quy hoạch vị trí đất ở cho các công ty để CN có nơi ở ổn định, yên tâm bám trụ tại địa bàn, góp phần xây dựng huyện ngày càng phát triển”.
Dù còn nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng đến nay bộ mặt các khu dân cư nơi vùng biên Ia H’Drai đang từng bước chuyển mình. Khi cây cao su đi vào khai thác đại trà, có sản phẩm bán ra thị trường và giá cao su khởi sắc, chắc chắn đời sống người dân và CN cũng sẽ khá hơn. Và diện mạo, sức bật của một vùng nông thôn mới nơi vùng biên sẽ tươi sáng hơn.

Ngọc Chi