CSVN – Ngày 1/4/2017 vừa qua là một ngày không thể nào quên đối với CBCNV Tạp chí Cao su VN. Sau 13 năm trên cương vị lãnh đạo đơn vị, Tổng biên tập Hồ Tú Anh đã chia tay Tạp chí để nghỉ hưu theo chế độ. Tại buổi chia tay, chị đã đọc một bài tùy bút với nhan đề “Tùy bút mùng 1 tháng 4”, thể hiện sự trải nghiệm, chia sẻ cũng như cảm xúc, tâm sự của mình với CBCNV, gia đình, bạn bè thân hữu trong những năm tháng công tác. Tạp chí Cao su VN xin trân trọng trích đăng bài tùy bút.
Hôm nay(1/4) là ngày mà cả thế giới có quyền nói dối. Mọi người nói dối cho vui và không ai chấp nhặt nhau. Còn tôi, tôi cho phép mình được quyền nói thật, nói thật những cung bậc cảm xúc hạnh phúc mà tôi đã trải qua hơn một tuần nay. Niềm hạnh phúc của tôi và của cán bộ công nhân viên Tòa soạn lan tỏa suốt cả một tuần qua khi chúng tôi nhận được rất nhiều, rất nhiều những lời khen ngợi về thành tích 35 năm, về lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất hôm 24 tháng 03, về những gì mà chúng tôi đang có được.
Tất cả những hào sảng, tri ân, trách nhiệm tôi đã thể hiện trong bài phát biểu của mình hôm 24/3. Ngày hôm nay tôi hình dung niềm hạnh phúc của mình theo một cách khác. Tôi như một người gánh một gánh nặng mà trong suốt quãng đường 13 năm qua tôi không được quyền đặt gánh xuống giữa đường hoặc vứt bỏ bớt những vật dụng nặng. Tôi phải luôn luôn tự nhủ lòng mình phải cố để đi tới đích. Và hôm nay tôi đã đến đích. Tôi thở phào nhẹ nhõm, thanh thản vì mình đã hoàn thành một nhiệm vụ.
Tôi ngoái lại nhìn con đường tôi đi và có một chút giật mình, làm sao mà tôi lại vượt qua một chặng đường khó khăn đến như vậy. Tôi bước chân vào ngành cao su cách đây 20 năm, lúc chưa hề nhìn thấy cây cao su tận mắt. Trước đó tôi là một giáo viên dạy ở trường chuyên từ thành phố Biên Hòa, sau đó tôi về Sài Gòn học tiếp Thạc sỹ và dạy thêm ở trường Lê Hồng Phong, trường đại học Khoa học XH & Nhân văn. Chú Năm Bình là người đầu tiên cho tôi một sự lựa chọn khi chú nói với tôi rằng: Tại sao cháu không về Sài Gòn sống và làm ở Báo Cao su? (hồi đó chú Năm Bình là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tổng Công ty Cao su Việt Nam).
Sau này ngẫm nghĩ lại tôi cho rằng đó là một cái duyên của tôi đối với ngành cao su. Nếu không có chú Năm Bình, chắc chắn tôi không có 20 năm với những thành công và trải nghiệm mà hôm nay tôi có được. Tôi đã đi những bước đi ngỡ ngàng đầu tiên, với một cảm xúc mới mẻ của một cây bút được xem như là phóng viên để rồi những năm tháng tiếp theo tôi lần lượt được đứng vào những vị trí phụ trách Ban Biên tập, Phó Tổng Biên tập và Tổng Biên tập. Nhưng có lẽ những năm tháng khó khăn nhất cuộc đời tôi là mười ba năm trong cương vị Tổng Biên tập. Nếu có thể thống kê điều mà tôi thú vị nhất ở chính mình đó là tôi nằm trong số ít và đặc biệt.
Ở trong ngành cao su hàng trăm công ty thành viên, tôi nằm trong số ít của những người đứng đầu ngành là nữ. Có nhiều cuộc họp chỉ một mình tôi là phụ nữ. Trong số các Tổng Biên tập của các tờ báo và tạp chí, nữ Tổng Biên tập như tôi chỉ đếm chưa đủ trên một bàn tay. Gần như bạn đọc không quen gọi là bà Tổng Biên tập, cho nên các bức thư, những cuộc điện thoại của bạn đọc gửi và gọi về Tòa soạn thường hay gọi ông Hồ Tú Anh. Nhiều lần tôi đã buồn cười khi có nhiều công nhân ngạc nhiên cầm tay tôi: Em cứ tưởng Tổng Biên tập là đàn ông? Công việc của tôi là công việc của đàn ông.
Vì thế những áp lực căng thẳng mà tôi phải trải qua có nhiều khi là quá sức. Khi người đàn ông là một thủ lĩnh thì nỗi vất vả cực nhọc là 10 lần, nhưng khi phụ nữ là thủ lĩnh, lại gánh vác một công việc đặc thù của người đàn ông thì nỗi vất vả như tôi lại gấp trăm lần! Tôi đã trải qua tất cả những khó khăn đó kể cả những lúc phải đưa ra những quyết định cô đơn. Vì không ai có thể quyết thay thủ lĩnh của mình được trong những lúc đòi hỏi phải có một quyết định ngay lập tức. Là thủ lĩnh phải chấp nhận cả sự cô đơn!
Không biết tự bao giờ tôi rất thích hai bài hát: bài “Thương lắm tóc dài ơi” của nhạc sĩ Phú Quang và bài “Con cò” của nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Một số người hay gọi tôi là Nữ tướng. Nhưng tôi nghĩ để đạt được danh hiệu đó, Nữ tướng cũng phải vượt qua một dòng đời đục, trong với những áp lực của thiên chức, của gánh nặng hai vai, những hiểm nguy rình rập kể cả thói đời đen bạc. Và tôi đã trải nghiệm qua tất cả những điều đó. 13 năm đối với cuộc đời một con người là một quãng thời gian rất có ý nghĩa. Với người phụ nữ, ý nghĩa đó càng bội phần. Tôi có ít thời gian để ngắm mình trong gương.
Khi tôi soi gương, chủ yếu là qua điện thoại ở chế độ “tự sướng” để sửa sang lại một chút dung nhan trong những chuyến đi công tác miệt mài. Phần lớn thời gian của tôi là ngồi trên xe với những quãng đường ngắn nhất cũng 70 – 80 km. Những thức khuya, dậy sớm cùng các chuyến công tác và công việc đã lấy đi xuân sắc của người phụ nữ, và cả những nhu cầu thiết yếu như đi shopping làm đẹp. Tôi đã chấp nhận tất cả những thiệt thòi đó vì trách nhiệm mình đang nắm giữ. Mỗi năm đến ngày mùng 8 tháng 3, mọi người chúc tôi, và tôi nhìn nữ CBCNV của tôi ríu rít trong bộ quần áo đẹp, ríu rít trong những chuyến đi chơi, rạng ngời khi nhận được một bó hoa, một món quà. Nhìn họ vào ngày đó tôi thương họ hơn bao giờ hết.
Với những người phụ nữ, hạnh phúc mà họ có được bao giờ cũng phải trải qua nhiều truân chuyên! Trong suốt 13 năm làm Tổng Biên tập, tôi sợ nhất là khi Tết đến. Tết đến là cả Tòa soạn tôi như một công xưởng với những ấn phẩm, nào lịch, nào kỷ yếu, nào sổ tay, nào báo Xuân, phim ảnh, cataloque… chúng tôi cắm mặt xuống để làm cùng với những lịch trình dày đặc của những họp hành, hội nghị, sự kiện… đó cũng là thời điểm mà CBCNV sợ tôi nhất, công việc của chúng tôi là công việc “sai một ly đi một dặm”, “bút sa gà chết”. Một sự lơ đãng, thiếu trách nhiệm có thể những hợp đồng hàng trăm triệu đồng đem bán cho ve chai.
Chúng tôi phải làm việc như điên, phải cày như một người nông dân để chạy theo thời vụ. Vì vậy tôi đâm ra thù ghét Tết. Mỗi khi ngồi trong xe nghe bản nhạc “Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi” và trên khắp đường phố vang lên những bài hát về mùa Xuân là tôi lại có cảm giác bực bội. Nhưng sau khi mọi việc đã xong, lo trong lo ngoài, đối nội đối ngoại, tôi có một niềm kiêu hãnh khi cuộc họp giao ban cuối năm nhìn CBCNV của mình khuôn mặt rạng rỡ vì được nhận tiền lương, tiền thưởng để bù đắp cho những toan tính cuộc sống đời thường của họ, tôi như quên hết mọi mệt nhọc. Cũng như vậy tôi đã nhiều lần kiêu hãnh khi thấy anh em trong Tòa soạn mặc những bộ đồng phục đẹp, xúm xít quanh nhau trong các sự kiện, hay các phóng viên trong trang phục Tạp chí Cao su kề vai sát cánh trong một rừng các đồng nghiệp ống kính, phương tiện tác nghiệp.
Đó là niềm hạnh phúc thật sự của một thủ lĩnh khi biết mình đã làm được điều gì, đem đến được điều gì cho CBCNV của mình. Mỗi số tạp chí xuất bản tôi là người chịu trách nhiệm cuối cùng khi bản thảo đưa sang nhà in. Trong suốt 13 năm ấy, tôi tự hào là cả Tòa soạn chúng tôi không vấp phải những sai phạm nào nghiêm trọng. Khi mà ranh giới giữa nghề và nghiệp là hết sức mong manh, thì những người chịu trách nhiệm cuối cùng phải tỉnh táo hơn bao giờ hết. Vì vậy cho dù đi công tác ở đâu, bất kể là ngày hay đêm, số điện thoại của tôi 13 năm nay không thay đổi và không được quyền tắt máy vì sự nhạy cảm của công việc mình đang làm.
Tôi cũng đã trải qua cảm xúc thiêng liêng và công việc của một người đàn ông khi vào những giờ khắc khi kết thúc một năm cũ để bắt đầu một năm mới. Đêm giao thừa năm nào cũng vậy, khi cả Tòa soạn ai về nhà nấy bên gia đình, tôi cũng hoàn tất công việc của một người phụ nữ với những thiên chức.
Tôi cùng với người tài xế của mình chạy đến cơ quan, thắp nén nhang lên bàn thờ, nghiêm trang cầu xin các thần linh thổ công phù hộ cho Tòa soạn một năm mới tốt lành, bình yên, an khang, hạnh phúc. Sau khi hoàn tất công việc đó, tôi có thêm một cảm giác hạnh phúc khi một mình ngắm cây đào mà năm nào cũng chính tay tôi đem về cho Tòa soạn. Đường phố đêm giao thừa rộng thênh thang, đèn hoa sáng rực, trong cái se lạnh của đêm cuối năm, và lúc đó tôi mới cảm nhận được mùa Xuân đang về.
Hôm nay tôi là người hạnh phúc. Tôi biết ơn ba mẹ, gia đình của tôi. Ba mẹ luôn tự hào về tôi và vì niềm tự hào đó mà tôi đã gánh được gánh nặng trách nhiệm và nghĩa vụ để đi đến đích. Nhưng cũng vì gánh nặng và trách nhiệm đó mà tôi đã không có mặt thường xuyên trong những ngày ba mẹ tôi đau ốm và cả những phút lâm chung. Khi ba mẹ tôi mất đi, tôi biết được một điều rằng với những bậc sinh thành chúng ta không có cơ hội để sám hối!
Tôi cảm ơn gia đình Tạp chí Cao su Việt Nam. Chính họ đã cho tôi niềm cảm hứng trong công việc. Cũng chính họ đã cho tôi thêm trải nghiệm để làm một người quản lý tốt hơn, là một Tổng Biên tập chuẩn mực hơn. Tôi cảm ơn ngành cao su đã cho tôi rất nhiều hạnh phúc và cũng từ đó tôi ngộ ra rằng mỗi con người có một số phận. Niềm hạnh phúc của tôi hôm nay cũng chính là từ cái duyên của số phận.
Cám ơn bạn bè, bằng hữu của tôi đã sát cánh bên tôi cho tôi những trải nghiệm mà không có trường lớp, sách vở nào có thể dạy đủ. Tôi rất thích lời bài hát “Con cò” của Lê Minh Sơn, với hình ảnh của đàn cò trắng: “ngẩng đầu vượt sóng, sải rộng cánh bay, bay về phía mặt trời”. Mặc dù có thể đêm qua đàn cò lầm lũi với những bước chân, với con tôm, con tép, nhưng ngày hôm sau vẫn là ước mơ, khát vọng vỗ cánh bay đến một chân trời mới. Thật ra, cái đúng cái sai, cái được cái mất của một con người nhiều khi không phân định rõ ràng.
Những điều đó còn tùy thuộc vào thời gian, hoàn cảnh lịch sử. Nhưng quan trọng nhất là người ta sống với nhau bằng tấm lòng. Khi anh làm việc bằng tấm lòng, ứng xử bằng tấm lòng chân thật của mình, cháy lên bởi những đam mê khát vọng thì anh sẽ có hạnh phúc. Khi đối xử với nhau bằng tấm lòng thì không thể nói dối nhau được. Các bạn đã đối xử với tôi bằng tấm lòng, và vì vậy niềm hạnh phúc mà hôm nay tôi có được là hạnh phúc từ những tấm lòng đó. Có nhiều lời mời hợp tác từ các tờ tạp chí và báo đến với tô i trong những ngày qua.
Tôi chưa trả lời với ai cả. Tôi sẽ dành cho mình một thời gian để nghỉ ngơi và ngẫm ra những điều cho riêng mình rồi mới nghĩ đến việc khác. Tôi sẽ hỏi những người đi trước về những sự trải nghiệm của họ khi nghỉ hưu. Vì người ta nói: “Muốn biết đường đi phía trước, hãy hỏi người đi ngược chiều”. Trong suốt 13 năm làm Tổng Biên tập, tôi không viết thành tích để được cho mình một tấm huân chương và tôi không cho rằng đó là sự thiệt thòi. Triết lý của đạo Phật có dạy rằng: “Biết đủ là đủ”.
Hôm nay tôi biết đủ trong niềm hạnh phúc mà tôi đang có.
Hồ Tú Anh
Related posts:
- Rèn luyện qua thực tế để trưởng thành trong tương lai
- Những bông hồng ngày 8/3
- "Nên nghiên cứu sản phẩm mới để công nghiệp hóa nông nghiệp"
- Lỳ Xìa Dìa: Công nhân ưu tú trên cánh rừng cao su Nghệ An
- Thế hệ trẻ sẽ đưa ngành cao su lớn mạnh hơn
- Đón nhận công việc bằng niềm say mê
- Nghị lực vươn lên của một Bí thư chi bộ
- Người tổ trưởng luôn gương mẫu, tận tụy với nghề
- Trần Thị Nguyệt: Vượt khó, đi đầu về sản lượng khai thác
- Tự hào và phấn đấu vì truyền thống 4 đời công nhân cao su