CSVNO – “Công tác chế biến mủ có vị trí hết sức quan trọng đối với sự phát triển của công ty và thương hiệu Cao su Dầu Tiếng”, ông Lê Thanh Hưng – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng khẳng định tại Hội nghị tổng kết công tác chế biến – chất lượng – môi trường năm 2016, tổ chức sáng 11/4.
TGĐ Cao su Dầu Tiếng Lê Thanh Hưng đánh giá cao sự năng động trong công tác điều hành và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong công tác chế biến và tiêu thụ mủ cao su. “Đến nay, sản phẩm mủ cao su của công ty được tiêu thụ rất tốt, được khách hàng đánh giá rất cao trong các hội nghị khách hàng. Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng đánh giá rất cao, rất tự hào về thương hiệu Cao su Dầu Tiếng”, ông Hưng phát biểu.
Theo báo cáo, năm 2016 công ty đã chế biến được 39.143 tấn mủ cao su quy khô, chất lượng sản phẩm đạt trên 98% tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong đó, chế biến mủ khai thác của công ty là 26.212 tấn; chế biến mủ thu mua tiểu điền 12.930 tấn. Sản phẩm chế biến của công ty rất đa dạng, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và nhu cầu của thị trường.
Năm qua, chế biến sản phẩm mủ cốm trên 27.518 tấn (SVR CV50, SVR CV60, SVR 10CV, SVR L, SVR 3L, SVR 5, NL); sản phẩm mủ ly tâm 3.248 tấn (HA, LA, HA-ULPL, LA-ULPL); sản phẩm mủ Skimblock 419 tấn (skim) và sản phẩm mủ tạp 7.958 tấn (10VC50, 10CV60, SVR 10, SVR 20, Dây, NL).
Bên cạnh hoạt động chế biến mủ, công ty rất chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Hệ thống xử lý nước thải tại các nhà máy chế biến cao su: Long Hòa; Phú Bình; Bến Súc đều không sử dụng hóa chất. Hoạt động nhà máy ổn định, xử lý toàn bộ nước thải sản xuất chế biến mủ cao su đạt tiêu chuẩn cột A theo quy chuẩn QCVN 01 – MT: 2015/BTNMT. Bên cạnh đó, việc không sử dụng hóa chất trong khâu tuyển nổi đem lại hiệu quả tiết kiệm chi phí xử lý nước thải.
Năm 2017, công ty chế biến 37.500 tấn mủ cao su quy khô, trong đó, mủ cao su của công ty là 25.000 tấn; thu mua tiểu điền 12.500 tấn. Chế biến sản phẩm mủ cốm 33.990 tấn, sản phẩm mủ ly tâm 3.510 tấn, phấn đấu chất lượng sản phẩm mủ chế biến đạt trên 98% tiêu chuẩn xuất khẩu.
Công ty chuyển đổi hệ thống quản lý ISO 9001 và ISO 14001 theo phiên bản 2015. Đồng thời, thực hiện áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001:2011 về hệ thống quản lý năng lượng; tiếp tục thực hiện xử lý toàn bộ nước thải sản xuất chế biến mủ cao su đạt tiêu chuẩn cột A theo quy chuẩn VN.
Kế hoạch năm 2017, công ty tiếp tục giữ vững và phát triển thương hiệu Cao su Dầu Tiếng, chế biến nhiều chủng loại sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng và nhu cầu của thị trường.
“Các đơn vị phải phối hợp đồng bộ trong công tác chế biến và tiêu thụ sản phẩm cao su. Phải linh động trong công tác thu mua mủ tiểu điền, kể cả thu mua mủ tạp, mủ đông. Hàng tháng phải phát động thi đua chế biến sản phẩm mủ cao su đạt chỉ tiêu chất lượng cao và chỉ tiêu thu mua mủ tiểu điền.
Trong quá trình sản xuất chế biến mủ cao su phải đảm bảo môi trường, đảm bảo an toàn lao động và làm tốt công tác phòng chống cháy nổ, sử dụng vật tư, hóa chất tiết kiệm, hợp lý”, TGĐ Lê Thanh Hưng chỉ đạo.
N.V.H
Related posts:
- Nhiều cơ hội hợp tác giao thương cho doanh nghiệp cao su, nhựa, giấy, sơn
- "Thị trường cao su năm 2022 trở đi tương đối thuận lợi"
- Giá cao su giảm mạnh
- Thế giới có thể thiếu hụt nguồn cung cao su trong năm 2023
- Giao dịch cao su sàn TOCOM ngày 7/1 bất ngờ giảm đồng loạt
- Sản xuất phân bón 'ngộp thở' vì giá than tăng sốc trên 54%
- Xuất khẩu cao su vượt 1 tỷ USD sau 5 tháng
- Giá dầu và giá cao su cùng tăng
- Malaysia khắc phục tình trạng thiếu lao động cao su
- Giá cao su tự nhiên tăng: Do lo ngại nguồn cung giảm bất thường