Nhiều sáng kiến hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm

CSVN – Xí nghiệp Cơ khí Chế biến (Công ty CPCS Tây Ninh) là một trong những đơn vị đi đầu tại Công ty CPCS Tây Ninh, trong việc có nhiều sáng kiến nhằm hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp đơn vị tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều giải pháp được ứng dụng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm tại Xí nghiệp Cơ khí Chế biến. Ảnh: CTV
Nhiều giải pháp được ứng dụng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm tại Xí nghiệp Cơ khí Chế biến. Ảnh: CTV
Sáng kiến hạ giá thành sản phẩm

Là người đứng đầu Xí nghiệp Cơ khí Chế biến – Giám đốc Lê Khắc Minh luôn trăn trở suy nghĩ làm thế nào để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất, nhưng với giá thành thấp nhất có thể để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

“Trong giai đoạn hiện nay, sức ép về lợi nhuận, doanh thu và tiền lương người lao động có sự cạnh tranh rất khốc liệt chẳng những đối với sản phẩm hàng hóa mà còn với con người. Để tồn tại thì việc hạ giá thành sản phẩm cùng việc nâng cao chất lượng phải song hành cùng nhau. Vì chúng ta không thể giảm giá thành mà sản phẩm làm ra không đạt chất lượng hoặc ngược lại”, ông Minh tâm sự.

Trên tinh thần đó, bước vào vụ sản xuất năm 2017, ông Lê Khắc Minh và các đồng sự tại Xí nghiệp chế biến đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí, giúp hạ giá thành sản phẩm. Theo ông Minh, trước đây, việc sản xuất mủ dây được cho qua toàn bộ máy móc thiết bị của dây chuyền mủ tạp. Nay nguyên liệu mủ dây được cán trực tiếp từ máy cán số 5 trở về sau. Giải pháp này, đã bỏ qua hơn ½ dây chuyền, giúp tiết kiệm điện, nước hơn 40%, trong khi vẫn đảm bảo đạt chất lượng sản phẩm.

Còn với nguyên liệu mủ đông và mủ chén sản xuất SVR 10, trước đây chạy trực tiếp hết dây chuyền, nay sử dụng phương pháp phơi tờ. Giải pháp này giúp giảm lượng gas tiêu thụ 7kg/tấn sản phẩm, tương đương hơn 226 triệu đồng/năm. Đồng thời, giảm được mùi hôi trong quá trình tồn trữ chờ chế biến và cải thiện đáng kể chỉ tiêu Po, PRI.

“Do sản lượng chế biến của công ty giảm, dẫn đến lưu lượng nước thải bình quân khoảng 700 m³/ngày đêm, giảm nhiều so với công suất thiết kế. Vì vậy, không đủ lượng nước thải cho hoạt động xử lý, thiếu nguồn thức ăn cho các cụm sinh học ở phía sau. Với giải pháp không sử dụng mương oxy hóa trong quá trình xử lý nước thải sẽ tiết kiệm điện hơn 400 triệu đồng, tiết kiệm nhân công 2 người khoảng 86 triệu đồng. Với giải pháp này, tổng cộng tiết kiệm được hơn 491 triệu đồng/năm cho đơn vị, chất lượng nước thải vẫn ổn định đạt cột A theo quy chuẩn”, ông Minh chia sẻ.

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm

Đối với công tác nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Minh đề xuất, do sản lượng chế biến mủ ly tâm của công ty chiếm hơn 60% tổng sản lượng khai thác, mặt hàng này đối với công ty đã có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, tuy nhiên để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, thì việc chống đông NH3 ở ngoài lô bằng việc tiếp tục triển khai chống đông ở hồ và bơm mủ ở đội. Bố trí các điểm tập kết mủ sao cho hợp lý và đúng yêu cầu về bảo quản nguyên liệu ngoài lô.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu Cao su Tây Ninh (TRC) trên thị trường, giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Chế biến đề xuất đến lãnh đạo công ty, thông qua việc kiểm tra quy trình kỹ thuật hàng tháng, quý và kiểm tra của tổ giám sát quá trình tạo sản phẩm nên đặc biệt chú trọng giám sát chặt chẽ, thường xuyên và đột xuất việc vệ sinh miệng cạo, chén, thùng chứa mủ của công nhân và có hình thức khen thưởng động viên kịp thời.

“Riêng Xí nghiệp, chúng tôi rất xem trọng việc phân loại nguyên liệu vườn cây với từng chủng loại sản phẩm. Đối với sản phẩm SVR 3L thì lựa chọn những giống cao su có màu sáng như GT1, thời gian lưu kho lâu. Đối với sản phẩm SVR CV60, phối hợp những giống sao cho độ nhớt ban đầu < 65. Đối với mủ ly tâm, khi chỉ tiêu Axít béo bay hơn > 0,05 thì phải chế biến bồn riêng. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường quản lý sâu sát hơn trong quá trình chế biến sản phẩm để nhận diện những rủi ro có thể xảy ra”, ông Minh chia sẻ.

Phan Thắng