“Việc chăm lo cho người lao động được lãnh đạo VRG đặc biệt quan tâm trong lộ trình cổ phần hóa”

CSVN – Trong thời gian qua, vấn đề thu hút đông đảo người LĐ quan tâm, tìm hiểu là chế độ lao động (LĐ), tiền lương khi các đơn vị cổ phần hóa (CPH). Thấu hiểu điều đó, Ban LĐ Tiền lương VRG đã phối hợp cùng với Ban Chính sách Pháp luật Công đoàn Cao su VN tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt tại các đơn vị thành viên nhằm phổ biến các chế độ chính sách đối với NLĐ khi CPH. PV Tạp chí Cao su VN đã trao đổi với ông Trần Khắc Chung – Trưởng Ban LĐ Tiền lương VRG về những vấn đề NLĐ quan tâm hiện nay.
Ông Trần Khắc Chung - Trưởng Ban Lao động Tiền lương VRG (đứng) triển khai chính sách chế độ khi cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa. Ảnh: Ngọc Sơn.
Ông Trần Khắc Chung – Trưởng Ban Lao động Tiền lương VRG (đứng) triển khai chính sách chế độ khi cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa.
Ảnh: Ngọc Sơn.

Trong thời gian qua, Ban LĐ Tiền lương VRG đã kết hợp với Công đoàn Cao su VN tổ chức nhiều Hội nghị phổ biến chế độ chính sách thực hiện CPH doanh nghiệp (DN) cho các đơn vị trong ngành cao su. Xin ông cho biết, những điều NLĐ quan tâm, trăn trở và kiến nghị tại các hội nghị trên là gì, thưa ông?

Ông Trần Khắc Chung: Những vấn đề chính về quyền lợi NLĐ tập trung thắc mắc, cụ thể như sau:
– Một số NLĐ tham gia công tác trong khu vực Nhà nước trước ngày 21/4/1998 nhưng chưa được giải quyết chế độ chính sách khi chuyển về công ty sau ngày 21/4/1998 (thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới DN Nhà nước) đề nghị được hưởng chế độ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 63/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 22/7/2015.
– Thời gian để tính chia quỹ khen thưởng phúc lợi có tính thời gian NLĐ làm việc trong khu vực Nhà nước trước đó không? NLĐ đến làm việc tại DN sau thời điểm xác định giá trị DN có được hưởng quỹ khen thưởng phúc lợi khi chia không? Nguồn quỹ phúc lợi này tính chung toàn Tập đoàn hay từng nguồn của Công ty?
– Thế nào được công nhận là LĐ dôi dư? Sau khi nghỉ chế độ người LĐ có nguyện vọng muốn xin vào công ty làm việc có được không?
– Đối với số cổ phần ưu đãi được mua thêm theo số năm cam kết làm việc tiếp tục tại công ty, trong thời gian cam kết nếu bị mất khả năng LĐ và nghỉ việc thì số cổ phần ưu đãi mua thêm này được xử lý như thế nào?

Hầu hết các DN Nhà nước sau tiến trình CPH, chuyển sang hoạt động theo luật công ty, đã sắp xếp lại LĐ; để từ đó có điều kiện quan tâm, chăm sóc NLĐ trong DN ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, NLĐ lo lắng việc sắp xếp lại LĐ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một số người, như: bị giảm lương, giảm mức tham gia bảo hiểm xã hội, thậm chí có không ít người phải nghỉ việc vì không thể bố trí được những công việc phù hợp trong điều kiện của một DN đã CPH. Xin ông cho biết thêm về vấn đề này?

Ông Trần Khắc Chung: LĐ dôi dư là LĐ không bố trí được việc làm, LĐ không có việc làm (đang chờ việc) tại thời điểm công bố giá trị DN thuộc đối tượng của Nghị định 63/2015/NĐ-CP, Nghị định 108/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành và Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc quy định chính sách đối với VCQL, NLĐ dôi dư khi sắp xếp lại Cty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, Đơn vị sự nghiệp; Như vậy chủ DN (Thủ trưởng đơn vị) là người quyết định và chịu trách nhiệm đối với việc xác định LĐ dôi dư.

Giải quyết số LĐ dôi dư sau CPH vẫn đang là vấn đề nan giải đối với nhiều DN. Xin ông cho biết cụ thể các chế độ, chính sách giải quyết LĐ dôi dư như thế nào?

Ông Trần Khắc Chung: Chính sách đối với LĐ dôi dư đối với người LĐ có tên trong danh sách thường xuyên tại thời điểm công bố GTDN theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998 (thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp đổi mới DNNN). Công ty đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm:
– Nam từ đủ 55 đến đủ 59 tuổi, nữ từ đủ 50 đến đủ 54 tuổi, đủ 20 năm đóng BHXH:
+ Về hưu sớm không bị trừ tỉ lệ % lương hưu;
+ Trợ cấp 03 tháng lương/năm (đủ 12 tháng không tính tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi: Người LĐ tiền lương làm căn cứ tính chế độ là lương bình quân 5 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu; Đối với người đại diện phần vốn tiền lương làm căn cứ tính chế độ là lương bình quân tháng đóng BHXH 5 năm cuối.
+ Hỗ trợ 1 tháng lương cơ sở/mỗi năm làm việc có đóng BHXH.
– Nam trên 59 đến dưới 60 tuổi, nữ trên 54 đến dưới 55 tuổi, đủ 20 năm đóng BHXH:
+ Về hưu sớm không bị trừ tỉ lệ % lương hưu;
+ Hỗ trợ 0,5 tháng lương cơ sở/mỗi năm làm việc có đóng BHXH.
– Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (Nam 60, Nữ 55) nhưng thiếu thời gian đóng BHXH tối đa 6 tháng:
+ Nhà nước đóng BHXH cho số tháng thiếu vào quỹ hưu trí, tử tuất để về hưu.
– Không đủ các điều kiện trên như về hưu sớm, hoặc đóng 1 lần để về hưu:
+ Chấm dứt HĐLĐ;
+ Trợ cấp mất việc làm quy định tại Điều 49 Bộ luật LĐ, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP   ngày 12/01/2015 của Chính phủ, Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH  ngày 23/6/2015 của Bộ LĐ Thương binh và Xã hội.
+ Hỗ trợ theo lương cơ sở/năm làm việc tại công ty :1,5 tháng lương đối với thời gian làm việc dưới 20 năm; 0,5 tháng lương đối với thời gian làm việc đủ 20 năm đến dưới 25 năm; 0,2 tháng lương đối với thời gian làm việc từ đủ đến trên 25 năm.
Chính sách LĐ dôi dư đối với người LĐ có tên trong danh sách thường xuyên tại thời điểm công bố GTDN theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 21/4/1998 trở về sau; Công ty đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm:
+ Chấm dứt HĐLĐ;
+ Trợ cấp mất việc làm theo Điều 49 Bộ luật LĐ, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ, Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH  ngày 23/6/2015 của Bộ LĐ Thương binh và Xã hội.
+ Tiền lương tính trợ cấp thôi việc đối với người đại diện phần vốn dôi dư là tiền lương bình quân theo HĐLĐ 6 tháng liền kề trước khi được công ty ủy quyền đại diện phần vốn của công ty.
* Các trường hợp đặc biệt:
– NLĐ chuyển đến làm việc tại công ty trước ngày 01/1/1995; thời gian để tính trợ cấp mất việc, hỗ trợ bao gồm cả thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước đó (CQHC; Đơn vị sự nghiệp; LLVT; DNNN; Nông, lâm trường quốc doanh).
– Trường hợp có thời gian làm việc thực tế từ đủ 12 tháng trở lên nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp ít hơn 18 tháng (hoặc bằng 0) thì trợ cấp bằng hai tháng tiền lương .
Do việc CPH Công ty Mẹ VRG cùng với 20 Công ty TNHH MTV là công ty nông nghiệp và 4 đơn vị sự nghiệp là trường hợp đặc thù theo Công văn số 2296/TTg-ĐMDN ngày 16/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty Nông nghiệp của VRG, nên nguồn chi phí để chi trả cho NLĐ thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP.

Người lao động quan tâm nhiều nhất đến chính sách đối với lao động dôi dư khi cổ phần hoá. Ảnh: Mạc Thị Hồng Hạnh
Người lao động quan tâm nhiều nhất đến chính sách đối với lao động dôi dư khi cổ phần hoá. Ảnh: Mạc Thị Hồng Hạnh

Ông nhận xét gì về vấn đề LĐ tiền lương sau cổ phần hóa của các DN ngành cao su?

Ông Trần Khắc Chung: Các chế độ LĐ tiền lương, chế độ Bảo hiểm xã hội của NLĐ trước mắt chưa có sự thay đổi nhiều. Tiền lương thực hiện theo các quy định: Hệ thống thang bảng lương do Tập đoàn xây dựng và ban hành theo quy định tại Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH và Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về tiền lương. Từ ngày 01/1/2016 đến nay, các đơn vị thành viên đã trả lương cho người LĐ theo theo Hệ thống thang, bảng lương mới của DN xây dựng và Tập đoàn đã cho ý kiến thỏa thuận. Về mức lương cơ bản phải thực hiện theo mức lương tối thiểu vùng do nhà nước quy định ban hành hàng năm.

Khi CPH, NLĐ được hưởng các chế độ chính sách gì, thưa ông?

Ông Trần Khắc Chung: Khi CPH công ty TNHH MTV, đơn vị sự nghiệp công lập, NLĐ được hưởng các chế độ chính sách như sau:
Thứ nhất, chia số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi (nếu có): NLĐ đủ điều kiện sẽ được chia số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi (bao gồm cả giá trị tài sản dùng trong sản xuất kinh doanh đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi) theo quy định tại Khoản 5, Điều 14 và Điều 19 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP; Thời gian tính: theo tổng số năm (đủ 12 tháng, DN có thể quy định số tháng lẻ) làm việc thực tế của người LĐ tại DN tính từ thời điểm tuyển dụng vào DN đến thời điểm xác định giá trị DN để cổ phần hóa (01/1/2016).

Thứ 2, chính sách mua cổ phần với giá ưu đãi: Thời gian được tính để mua cổ phần với giá ưu đãi là tổng thời gian tính theo số năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) người LĐ thực tế làm việc (có đi làm, có tên trong bảng thanh toán lương) tính đến thời điểm công bố giá trị DN trừ đi thời gian thực tế làm việc đã được tính để mua cổ phần với giá ưu đãi tại DN cổ phần hóa trước đó, thời gian thực tế làm việc đã được tính hưởng chế độ hưu trí hoặc tính hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (nếu có). Số cổ phần được mua: 100 cổ phần/năm công tác; giá mua = 60% giá đấu thành công thấp nhất hoặc bằng 60% giá bán thành công thấp nhất cho các nhà đầu tư chiến lược.

Thứ 3, chính sách mua thêm cổ phần với giá ưu đãi: Người LĐ thuộc đối tượng DN cần sử dụng, có cam kết làm việc lâu dài trong thời hạn ít nhất 3 năm được mua 200 cổ phần/năm cam kết nhưng không quá 2.000 cổ phần. Chuyên gia giỏi, chuyên môn cao trong DN… mua theo mức 500 cổ phần/năm cam kết làm việc tiếp trong DN nhưng không quá 5.000 cổ phần. Chuyên gia giỏi, người có chuyên môn cao trong đơn vị sự nghiệp khi cổ phần hóa có cam kết làm việc lâu dài trong thời hạn ít nhất 5 năm thì được mua 800 cổ phần/năm cam kết nhưng không quá 8.000 cổ phần. Giá mua là giá đấu thành công thấp nhất hoặc giá bán thành công thấp nhất cho các nhà đầu tư chiến lược.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Cẩm (thực hiện)