CSVN – Đó là chia sẻ của anh Cao Thanh Tình – Xưởng phó Xưởng Chế biến, Xí nghiệp chế biến cơ khí 30/4 (Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long), người có nhiều cải tiến kỹ thuật giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần gia tăng hiệu quả của thiết bị. Sáng kiến cải tiến lò sấy mủ thiên nhiên của anh vinh dự được trao giải “Sáng tạo trẻ thanh niên công nhân” “tỉnh Bình Phước 2016 và “Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc” lần thứ IX.
Cải tiến giúp giảm chi phí vận hành, hiệu quả cao
Tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí chế tạo máy, anh Tình vào làm CN sửa chữa cơ điện tại Xí nghiệp cơ khí chế biến 30/4. Từ thực tế công việc của mình, anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến giúp giảm tiêu hao nhiên liệu trong chế biến, tiết giảm chi phí sản xuất, góp phần đem lại hiệu quả cao trong sản xuất. Trong đó, phải kể đến cải tiến lò sấy mủ thiên nhiên. Cải tiến này anh thực hiện thí nghiệm trong vòng một tháng và được đưa vào ứng dụng bắt đầu từ tháng 9/2016.
Anh Tình cho biết: “Nhu cầu sử dụng nhiệt để xông sấy mủ trong năm hiện nay của đơn vị là rất lớn với loại nhiên liệu tạo nhiệt là LPG (khoảng 250.000 kg/năm). Việc xây dựng các giải pháp cải tạo lò xông để tiết kiệm nhiên liệu cho việc xông sấy mủ sẽ hạn chế được nhiều nhược điểm hiện hữu của lò như: làm giảm lượng nhiệt thất thoát xuống nền trong quá trình xông sấy; giảm hấp thụ nhiệt lượng; điều hòa nhiệt độ trong lò sấy ổn định giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm và năng suất của lò xông.
Qua thời gian tìm hiểu từ thực tế và mày mò cải tiến của bản thân, tôi đã xây dựng giải pháp “Cách nhiệt tăng cường cho lớp bê tông đáy lò sấy mủ cao su thiên nhiên hiện hữu bằng bông thủy tinh” nhằm giảm tiêu hao nhiên liệu gas đốt, đây là việc làm thiết thực nhằm giảm giá thành sản phẩm, bảo vệ tốt môi trường và tài nguyên quốc gia”.
Tính tổng thể cả lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng thì việc sử dụng bông thủy tinh cách nhiệt tăng cường cho nền bê tông của lò sấy rất rẻ. Thêm vào đó, cải tiến này chỉ đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu mà không tốn chi phí vận hành, chỉ tốn phí bảo dưỡng rất nhỏ so với ban đầu do sử dụng vật liệu thép không gỉ. Chi phí công trình 151 triệu đồng, thời gian hoàn vốn trong vòng 280 ngày.
Việc cách nhiệt cho nền lò xông để giảm gas cho việc xông sấy mủ cao su thiên nhiên giúp giữ được ôxy và tránh thải ra thêm điôxít cacbon vào khí quyển. Chính những lợi ích mà cải tiến mang lại trong sản xuất, đề tài này đã được trao giải “Sáng tạo trẻ thanh niên công nhân” tỉnh Bình Phước năm 2016. Và gần đây nhất, anh là một trong 4 đại diện của VRG được tuyên dương tại “Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc” lần thứ IX.
Mong nhiều bạn trẻ đam mê sáng tạo
Nói về niềm đam mê sáng tạo của mình, anh Tình chia sẻ: “Với mỗi thanh niên, niềm hạnh phúc lớn nhất là được lao động, sáng tạo cống hiến hết sức mình. Bản thân tôi cũng vậy, luôn cố gắng phát huy những gì mình đã được học và nỗ lực tìm tòi học hỏi để có thể đóng góp được nhiều hơn trong công tác. Là một trong những thanh niên được tuyên dương tại “Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc” năm 2016 là vinh dự rất lớn với bản thân tôi. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian sắp tới tôi sẽ cố gắng phấn đấu hơn nữa để đóng góp nhiều hơn trong phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”.
Anh Tình cho rằng, công tác cải tiến, nghiên cứu trong sản xuất kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng. Phong trào sáng kiến, cải tiến nhằm đem lại những sản phẩm, những phương pháp cách thức, quy trình sản xuất mới tiên tiến hơn hiệu quả hơn đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
“Thời gian qua, trong ngành cao su có nhiều cá nhân, tập thể có những sáng kiến, cải tiến rất thiết thực, đem lại hiệu quả cao. Tôi tin tưởng rằng, với phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật ngày càng phát triển của VRG, ngành cao su sẽ có thêm nhiều đề tài được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần vào sự phát triển chung của ngành”, anh Tình bày tỏ.
Quỳnh Mai
Related posts:
- Khát vọng mùa xuân
- Đón giao thừa trên lô
- Tô thắm màu xanh tình hữu nghị vững bền
- "Hãy mang sức trẻ vào công việc"
- “Vịn vào cái khó mà đứng lên”
- Gặp người công nhân 2 lần nhận Bằng khen Thủ tướng
- "Học và làm theo Bác để hoàn thiện mình"
- Truyền thống công nhân cao su giúp chúng tôi luôn gần nhau
- Chị Lê Thị Thương được trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021
- Người công nhân say mê sáng tạo