Xã nông thôn mới: 90% hộ là công nhân cao su

CSVN – Xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên là một trong những điển hình phát triển nông thôn mới của tỉnh Bình Dương. Nơi đây có gần 90% hộ dân là công nhân (CN) của NT Nhà Nai, Công ty CPCS Phước Hòa. Với những lô cao su ngút ngàn xanh mướt, nông thôn mới đã thành hình rõ rệt trên vùng đất bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh…
HuỳnhTừ một xã bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, Tân Thành giờ đây là xã điển hình nông thôn mới của tỉnh Bình Dương
HuỳnhTừ một xã bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, Tân Thành giờ đây là xã điển hình nông thôn mới của tỉnh Bình Dương
Xã nông thôn mới đầy sức sống

Ông Vũ Thanh Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: “Xã Tân Thành có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với vùng đất miền Đông Nam bộ hào hùng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xã Tân Thành luôn bị tác động, tàn phá bởi các trận chiến diễn ra liên tục trong suốt 30 năm, là căn cứ quan trọng của miền Đông Nam bộ – Chiến khu D anh hùng. Những năm sau ngày giải phóng, kinh tế của xã Tân Thành chủ yếu là thuần nông, nghèo nàn, lạc hậu. Nhiều thế hệ người Việt Nam trên mọi miền đất nước đã về đây khai hoang, lập ấp, dựng làng, mở mang đất đai để sinh sống và sản xuất, đặc biệt, hơn 92% các hộ gắn bó với cây cao su từ đời ông bà, đến con cháu…”

Cũng theo ông Thuận, từ một xã nghèo, Tân Thành giờ đây trở thành xã điển hình phát triển nông thôn mới của tỉnh Bình Dương. Có được thành tích như vậy là nhờ sự hỗ trợ đồng hành của NT Nhà Nai, Công ty CPCS Phước Hòa đã chung tay xây dựng nông thôn mới ở xã.

Nhiều gia đình 2,3 thế hệ CN cao su

Theo chân anh Nguyễn Văn Sinh – Phó Giám đốc NT Nhà Nai đến nhà Trưởng ấp 3 xã Tân Thành – anh Hồ Văn Thành, chúng tôi cảm nhận được sự phát triển, tràn đầy sức sống nơi đây. Gia đình anh Thành có 3 người làm CN khai thác ở Đội 5, NT Nhà Nai.

Anh Thành chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi quê ở xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Làm lụng, chắt chiu mà vẫn thiếu trước hụt sau, những năm 90, hai vợ chồng khăn gói vào Nam. Năm 2004, vợ chồng tôi vào làm CN khai thác ở Đội 5, NT Nhà Nai. Cuộc sống thay đổi, chúng tôi xây dựng nhà cửa khang trang, cuộc sống đủ đầy. Ấp 3 hiện có 330 hộ, gần 100% hộ làm CN cao su, hầu hết quê ở tỉnh Nghệ An”.

Người dân của xã rất đoàn kết, một lòng chung tay xây dựng nông thôn mới, đạt 19/19 tiêu chí, 39/39 chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới; đồng thời từng bước hoàn thiện kết cấu kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Ấp 3 là ấp trung tâm của xã Tân Thành, năm 2016, thu nhập bình quân mỗi hộ hơn 50 triệu đồng/người/năm, nhà kiên cố 100%, nhà lầu 10 hộ/nhà, ôtô 7 hộ/xe. “Trong thời gian qua, Ấp 3 được NT Nhà Nai hỗ trợ rất nhiều về cơ sở vật chất như xây dựng điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ học bổng hàng năm cho con em các hộ gia đình…”, anh Thành cho biết thêm.

Đặc biệt, hầu hết những thợ giỏi thu hoạch mủ cao su của Công ty CPCS Phước Hòa đều ở Ấp 3 xã Tân Thành, như: anh Nguyễn Thành Đồng – Bàn tay vàng cấp công ty năm 2006, chị Đặng Thị Lý – Giải ba cấp công ty năm 2010… Ấp 3 là ấp có điều kiện kinh tế đứng hàng đầu của xã Tân Thành, người dân nơi đây vừa làm CN cao su, vừa có vườn cao su, điều, tiêu và cả chăn nuôi bò, heo, gà… nên cuộc sống rất tốt.

Điển hình như gia đình Trưởng ấp Hồ Văn Thành, ngoài làm CN cao su còn chăn nuôi heo, gà, thu nhập từ kinh tế hộ gia đình mỗi năm vài trăm triệu đồng. Ở đây người dân rất quan tâm tới việc học hành của con cái, chưa có trường hợp nào bỏ học. Năm học 2015 – 2016, toàn ấp có đến 57 cháu đạt học sinh giỏi các cấp, trong đó có 9 cháu đỗ đại học.

Trần Huỳnh