2 kiến nghị của VRG về gỗ cao su

CSVN – VRG kiến nghị gỗ cao su thanh lý cần được xem như là một sản phẩm từ cây cao su và được hoạch toán vào hoạt động sản xuất kinh doanh cây cao su.
Chế biến sản phẩm từ gỗ cao su. Ảnh: Đặng Thị Kim Phương.
Chế biến sản phẩm từ gỗ cao su. Ảnh: Đặng Thị Kim Phương.

Theo Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng đẫn về thuế TNDN và sửa đổi bổ sung Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), sản phẩm mủ cao su cũng như các sản phẩm trồng trọt, rừng trồng ở địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được miễn thuế TNDN.

Tại thông tư này, quy định thu nhập miễn thuế bao gồm cả thu nhập từ thanh lý các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng nhưng lại loại trừ thanh lý vườn cây cao su. Việc nội dung này, VRG nhận thấy chưa phù hợp vì việc thanh lý cao su thực chất cũng giống như thanh lý các loại cây dài ngày khác. Gỗ cao su thanh lý hiện nay cũng có thể xem là gỗ rừng trồng, vì cao su là cây đa chức năng. Trên thực tế những năm qua, gỗ cao su thanh lý đã thay thế được một lượng lớn gỗ rừng trồng cung cấp cho ngành chế biến lâm sản, giúp giảm nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Từ thực tế đó, VRG kiến nghị doanh thu từ hoạt động thanh lý gỗ cao su của VRG cũng được hưởng ưu đãi về thuế TNDN như từ hoạt động trồng và chế biến cao su. Ngoài ra, theo cách hạch toán hiện hành, thu nhập từ cao su thanh lý được xếp vào thu nhập khác nên khi tính doanh thu để xác định năng suất lao động để tính lương cho người lao động không có khoản thu nhập này, gây thiệt thòi cho người lao động. Từ sự bất hợp lý đó, VRG kiến nghị gỗ cao su thanh lý cần được xem như là một sản phẩm từ cây cao su và được hoạch toán vào hoạt động sản xuất kinh doanh cây cao su.

N.P