1. Một buổi sáng cách đây 2 năm, tôi ngồi trên xe theo đoàn công tác của công ty đi NT Sông Giêng, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận.
Xe chạy chậm, lắc lư theo nhịp ổ gà trên đường đất đỏ vào lô cao su của nông trường. Thỉnh thoảng bác tài không phanh kịp khi xe qua ổ gà, các vũng nước đọng lâu ngày được dịp bắn lên cao và tràn ra lề đường.
Có tiếng chép miệng trên xe: “Đường nhiều ổ gà, đọng nước không thoát được sẽ mau hư”. Xe vẫn tiếp tục chạy trên những con đường đất rợp bóng dưới tán cao su. Khi gần đến nơi thì phía trước thấp thoáng dáng một người thanh niên mặc áo công nhân (CN) cầm cuốc và đang khom mình bổ những nhát cuốc xuống đường.
– Ai làm gì trên đường vậy? Tôi hỏi anh giám đốc của nông trường ngồi trên xe.
– Từ đầu mùa mưa năm nay anh Nguyễn Công Sắc – CN cạo mủ của Đội 2, tranh thủ lúc cạo mủ xong cầm cuốc ra khơi mương các ổ gà đọng nước trên gần hết các tuyến đường của nông trường – anh giám đốc trả lời.
Mọi người trên xe cùng “ ồ” lên một tiếng rồi im lặng. Chắc ai cũng đang tự suy nghĩ theo ý của mỗi người về việc làm tự nguyện của anh CN kia. Xe đã dừng lại chỗ đoàn công tác cần làm việc, tôi vội vã mượn một chiếc xe honda của CN gần đó chạy ngược lại khoảng 5 phút trên tuyến đường vừa đi qua để gặp lại anh.
– Chào anh – Thấy tôi đến, anh Sắc dừng cuốc và gật đầu chào tôi. Tôi nhìn xuống ổ gà nơi anh đang làm, con mương nhỏ đã được khơi xuống bên lề, dòng nước đục ngầu đang hối hả chảy ra mép đường, ổ gà đang dần khô nước.
– Anh làm việc này do đội hay nông trường phân công hay sao? Có bồi dưỡng tiền công gì không? – Dù đã biết việc anh làm là tự nguyện nhưng tôi vẫn muốn hỏi.
– Tự em thấy cần làm để đường sá trên lô khô ráo, anh em CN chở mủ khỏi vất vả, có lúc sụp ổ gà sâu lại đổ hết mủ tội lắm – Anh trả lời.
Với câu nói chân tình mộc mạc của người CN, chỉ đơn giản là “cho anh em CN đi khỏi vất vả”, tôi nghĩ anh chưa bao giờ nghĩ đến việc làm của mình là đã hạn chế được thời gian hư hỏng đường trên lô và đã trực tiếp làm lợi cho công ty một số kinh phí không nhỏ khi sửa chữa đường lô.
Tháng sau tôi gặp lại anh nhân dịp Công ty trao thưởng trong phong trào thi đua nước rút cuối năm.
Với khuôn mặt thật thà, dáng cao ráo, bàn tay anh run run khi nhận số tiền thưởng đột xuất của lãnh đạo công ty và Công đoàn về thành tích “gương người tốt việc tốt”, anh nói: – Gia đình em dù còn khó khăn thật, nhưng em muốn nhờ Nông trường chia bớt lại tiền thưởng này cho anh chị em CN còn khó khăn hơn em… Lại thêm một hành động nữa để chúng ta đáng suy nghĩ…….!!!
2. Cuộc họp tổ Công đoàn Đội 2 – Nông trường Gia Huynh, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận đang đến lúc sôi nổi và tương đối nóng lên khi bước vào việc xét bầu cá nhân xuất sắc trong sản xuất và hoạt động Công đoàn của tháng trong phong trào thi đua nước rút cuối năm, dù ở dưới bóng cây cao su rợp mát trong buổi sáng. Anh chị em CN đang tranh cãi về ai trong số 2 cá nhân được giới thiệu sẽ được khen thưởng. Một là chị phụ trách nữ công của tổ, ngoài việc sản xuất tốt, chị đã được anh chị em nhìn nhận sự nhiệt tình trong việc thăm hỏi các CN trong tổ khi ốm đau, bệnh tật.
Người thứ hai là anh Trần Như Hiệp, người được anh em CN mệnh danh là “ chuyên gia vá xe miễn phí” trong lô cao su cho CN. Chúng tôi thật bất ngờ khi được biết từ đầu mùa cạo mủ đến nay anh Hiệp đã tự nguyện vá xe miễn phí cho CN toàn nông trường khi có yêu cầu, bất kể đêm hôm, khi nhận được tin anh đều vui vẻ đến tận lô để giúp đỡ không đòi hỏi điều kiện gì.
Sau khi hội ý nhanh, Ban thường vụ Công đoàn Công ty thống nhất và thông báo thưởng nóng thêm một suất nữa cho tổ. Mọi người dự họp vỗ tay vui vẻ với phương án được thông báo. Cuối tuần sau đó, nhân dịp đi công việc riêng ngang qua nông trường, tôi chủ động ghé nhà đội gặp anh, để tìm hiểu thêm công việc tự nguyện của “chuyên gia vá xe miễn phí”.
Đứng trước mặt tôi là một thanh niên với gương mặt điển trai, trẻ hơn tuổi mà theo anh, dù làm công việc là CN khai thác rất vất vả nhưng vẫn luôn yêu đời và lạc quan. Bên cạnh anh là chiếc xe máy rất “bụi”, chỉ còn sườn xe và bộ máy, ngoài 2 thùng mủ treo trên xe, phía trước là chiếc thùng nhựa, bên trong là bộ đồ nghề sửa xe.
Anh tâm sự: “Em làm việc này từ lúc con em thi đậu đại học với số điểm cao, khi con đi thi em đã hứa nếu con em thi đậu em sẽ làm một việc gì đó từ thiện, giúp ích cho người khác trong khả năng của mình”. – Vậy sao anh lại chọn việc này? Tôi hỏi.
Anh trầm ngâm: “ Em suy nghĩ CN mình đi cạo đêm hôm vất vả, khi hư xe như thủng ruột, tuột sên…trong lô mà phải dắt xe ra đến chỗ sửa xe phải vài km, công việc sẽ chậm trễ, vì vậy em quyết định làm công việc này để giúp CN mình”.
Say sưa câu chuyện, anh kể tiếp: “Mà thật là lạ anh ơi! Con em đi làm gia sư trong thành phố để phụ thêm cho cha mẹ tiền ăn học, đã được chính chủ nhà dù tương đối khá giả nhưng vẫn tự tay vá xe cho con em về trong một đêm khuya mưa gió. Bởi vậy khi con em điện về kể lại, em thấy việc của mình cũng có là gì đâu”.
Trên đường về tôi suy nghĩ mãi câu chuyện của anh, chỉ với ước mơ là con mình được vào đại học, anh đã làm một công việc nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn. 2 câu chuyện trên đây của 2 CN giữa vườn cao su xanh ngát cho thấy, dù quanh ta, cuộc sống người CN còn vất vả với gánh nặng cơm áo gạo tiền, nhưng chỉ với những nghĩa cử nhỏ nhoi cũng đủ làm ấm lòng người.
Hương Nguyên
Related posts:
- Cao su Phú Riềng: Tô thắm truyền thống Phú Riềng Đỏ hào hùng
- Cao su miền Trung vượt khó
- Cao su Dầu Tiếng: Nhiều chính sách đãi ngộ, hỗ trợ lao động ngoại tỉnh ổn định cuộc sống
- Điểm sáng cao su Điện Biên
- Cao su Điện Biên tổ chức Ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"
- Cao su Tân Biên linh hoạt nhiều giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm 2024
- Cao su Sơn La phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới
- Gió lốc cuốn qua, nỗi đau ở lại
- Cao su Tây Ninh: Hoàn thành tái canh sớm nhất
- Cao su Quảng Trị xứng danh Anh hùng Lao động