CSVN – Đàn gà, con lợn và hoa màu là hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống mưu sinh của bà con các tỉnh miền núi phía Bắc (MNPB). Tuy nhiên, sau 8 năm VRG triển khai phát triển cao su tại nơi này thì hình ảnh người công nhân (CN) cao su cũng không còn là điều gì đó mới mẻ. Dòng nhựa trắng đầu tiên đã chảy, niềm tin của bà con về sự thay đổi cuộc sống như được củng cố và bồi đắp thêm.
Cây cao su lên các tỉnh MNPB đã góp phần thay đổi diện mạo, khoác thêm màu áo mới cho nơi đây. Cao su gieo thêm niềm tin yêu và hy vọng của bà con về một tương lai tươi sáng, thoát nghèo và chất lượng cuộc sống được nâng lên. Được sự ủng hộ của chính quyền và đặc biệt là người dân địa phương, việc phát triển cao su tại đây đã có những kết quả bước đầu. Diện tích đất trống đồi trọc được phủ xanh nhanh chóng. Hiện nay, tại các tỉnh MNPB, VRG đã có 9 đơn vị thành viên, trồng được 28.622 ha cao su, trong đó vùng Tây Bắc là 23.149 ha. Sau 8 năm chờ đợi, đáp lại sự mong mỏi và kỳ vọng của bà con, năm 2016 VRG đã đưa hơn 250 ha cao su trồng năm 2008 của 3 Công ty CS Sơn La, Điện Biên và Lai Châu vào khai thác.
Sự kiện này mở ra một chương mới trong chương trình phát triển cao su tại MNPB, cây cao su đến thời kỳ cho mủ. Trước tin vui này, nhiều người dân cho biết: “Cây cao su là loại cây khá xa lạ với chúng tôi vốn chỉ quen với việc canh tác nhỏ lẻ và quả thực khi vào làm CN tôi còn không biết là cao su có cho mủ hay không. Bây giờ tận mắt chứng kiến thành quả này thật sự rất phấn khởi”.
Như mục tiêu ban đầu đã đề ra của VRG khi phát triển cao su ở MNPB, cao su đi đến đâu đều có sự thay đổi rõ rệt đến đó, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm y tế được xây dựng để phục vụ bà con dân sinh. Cao su đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì nay người dân vào làm CN cao su đã quen dần với việc sản xuất tập trung, có tổ chức.
Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình anh Quan Văn Hùng – Công ty CPCS Lai Châu là bầy gà nuôi trong nhà và ít hoa màu chỉ đủ sinh sống qua ngày. Tin tưởng về một loại cây mới đến vùng Tây Bắc, anh xin vào làm CN tại NT Lùng Thàng với mong muốn cuộc sống sẽ thoát nghèo.
Anh nói: “Chúng tôi đã chờ đợi 7 – 8 năm nay rồi, mủ cao su đã chảy, không chỉ riêng tôi mà đối với tất cả bà con khi vào làm cao su đều mong muốn có thu nhập ổn định hơn. Tôi tin tưởng rằng, khi diện tích đưa vào cạo nhiều hơn, năng suất sẽ tăng lên, lương CN nhiều hơn”.
Thành quả bước đầu có được ngày hôm nay không chỉ là sự trông đợi của người dân đồng bào mà còn là niềm vui chung của tập thể CBCNVC – LĐ các đơn vị, đặc biệt là những anh em cán bộ vượt qua mọi khó khăn trở ngại tình nguyện lên vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn công tác.
Mang trong mình nhiệt huyết, hy vọng về một tương lai tươi sáng của cây cao su tại MNPB, nhiều thế hệ đã nỗ lực, trách nhiệm để triển khai thực hiện dự án VRG giao phó. Hăm hở đến vùng đất mới, họ không mong gì hơn ngoài việc chờ đến ngày cây cao su đưa vào khai thác.
Anh Nguyễn Văn Anh – GĐ NT Điện Biên, Công ty CPCS Điện Biên chia sẻ: “Thời kỳ đầu thực hiện dự án khó khăn nhiều lắm, mới ra đây được một tuần tôi đã có ý định trở về quê nhưng rồi cứ mải miết với công việc thành quen, mong
muốn sẽ gắn bó với cao su nơi này. Dù công ty mới có 40 ha đưa vào khai thác nhưng chúng tôi mừng lắm. Vậy là những cố gắng đã được đền đáp. CN vui 1 thì mình vui tới 10. Vì thành quả này mong chờ lâu lắm rồi. Năm 2017, Công ty sẽ đưa vào
khai thác thêm 600 ha và tăng lên những năm sau đó, rồi bà con sẽ thoát nghèo, điều kiện cuộc sống sẽ tăng lên”.
Minh Nhiên
Related posts:
- “Động lực nâng cao tay nghề, lan tỏa tình yêu lao động”
- Cao su Sa Thầy chú trọng chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường
- Tăng gia mùa rụng lá
- Cao su Phú Riềng chuẩn bị tốt nhất cho Hội thi
- Khó không nản
- Thu nhập hàng trăm triệu từ nuôi ong trong vườn cao su
- Chư Mom Ray - "đất lành" của người lao động
- Thi đua vượt khó ở Cao su Bình Thuận
- Thu nhập người lao động Cao su Kon Tum trên 10 triệu đồng/người/tháng
- Cao su Quảng Trị xứng danh Anh hùng Lao động