Doanh nghiệp cao su nỗ lực vượt khó với lộ trình tăng lương tối thiểu vùng

CSVN – Mục đích của việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng (LTTV) là nhằm nâng cao đời sống người lao động (NLĐ), song cũng cần cân nhắc để chi phí không quá sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN). Đối với DN ngành cao su, áp lực của việc tăng LTTV càng nặng, bởi đa số các DN sử dụng rất nhiều lao động, trong khi đang triệt để giảm giá thành trong bối cảnh giá bán cao su vẫn ở mức thấp.
Tăng lương tối thiểu vùng ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp ngành cao su vốn có nhiều lao động. Ảnh: Dzũng Nguyễn.
Tăng lương tối thiểu vùng ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp ngành cao su vốn có nhiều lao động. Ảnh: Dzũng Nguyễn.
Lương tối thiểu vùng tăng thêm 180.000 – 250.000 đồng/tháng từ 1/1/2017

Sau khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng (LTTV) từ 2,4 triệu đến 3,5 triệu/tháng kể từ ngày 1/1/2016; từ 1/1/2017, LTTV sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 180.000 – 250.000 đồng/tháng, tức là sẽ ở mức 2,58-3,75 triệu đồng/tháng.
Theo đó, từ 1/1/2017, LTTV của NLĐ làm việc ở DN, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động đều tăng. Cụ thể: vùng 1 sẽ tăng từ 3,5 lên 3,75 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng); vùng 2 từ 3,1 triệu đồng lên 3,32 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng); vùng 3 từ 2,7 triệu đồng lên 2,9 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng), và vùng 4 từ 2,4 triệu đồng lên 2,58 triệu đồng/tháng (tăng 180.000 đồng).
Về lý do tăng LTTV, ông Mai Đức Chính – Phó Tổng LĐLĐ VN, cho rằng hiện nay đời sống của NLĐ còn quá khó khăn.

Ông Chính cho biết, khi được hỏi so sánh thu nhập với chi tiêu của gia đình NLĐ, có 14,2% số NLĐ trả lời “không đủ sống”; 37,8% phải chi tiêu “tằn tiện và kham khổ”; 33,8% “vừa đủ” trang trải; chỉ có 14,2% “có dư dật và tích lũy”. “Dù DN khó khăn nhưng đứng ở góc độ bảo vệ NLĐ, chúng tôi thấy CN quá khổ bởi hơn 75,5% muốn tăng ca vì tiền lương, thu nhập quá thấp, họ không đủ sống”, ông Chính nói.

DN ngành cao su nặng gánh

Việc chuyển xếp lương theo Nghị định 49/2013/NĐ – CP và chi trả lương không thấp hơn mức LTTV theo Nghị định 122/2015/NĐ – CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ khiến DN ngành cao su gặp khó, đặc biệt là DN có nhiều đơn vị hoạt động trên các địa bàn có mức LTTV khác nhau. Những năm qua, do giá bán cao su liên tục giảm sâu, các DN đều chịu chung cảnh lợi nhuận năm sau thấp hơn năm trước, dẫn đến tiền lương bình quân liên tục giảm. Từ đó, một số CNLĐ xin nghỉ việc để chuyển sang làm CN tại các KCN có mức thu nhập cao hơn.

Theo quy định mới, tổng các khoản đóng chế độ BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí CĐ cũng tăng theo. Đối với lao động cạo mủ bậc 5 và bậc 6 vùng I cao hơn mức lương bình quân xây dựng kế hoạch tiền lương, do vậy, mức lương đóng BHXH của những lao động này cao hơn mức lương thực hưởng. Đối với khu vực SXKD tăng vài trăm ngàn/tấn sản phẩm tiêu thụ; đối với khu vực XDCB tăng thấp hơn nhưng cũng trên 100 ngàn đồng/ha.

Một số cán bộ phụ trách công tác lao động tiền lương ở các DN cho biết, khoản trích nộp các chế độ này tác động lớn đến cơ cấu tiền lương và giá thành của các DN. Tiền lương cấu thành trong giá thành, trong khi các đơn vị đang quản lý chặt giá thành thì mức lương tăng sẽ khó đảm bảo thực hiện khống chế giá thành.

Thêm vào đó, việc chi trả lương căn cứ theo LTTV đối với các DN cao su có nhiều nơi bất hợp lý. Cùng một công việc như nhau nhưng LTTV lại khác nhau, tạo ra sự chênh lệch dẫn đến hiện tượng dịch chuyển lao động, tâm lý NLĐ không ổn định.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Cao su VN tại một số đơn vị ở khu vực Đông Nam bộ, có rất nhiều CNLĐ có ý kiến về việc phân chia vùng bất hợp lý. Có những nơi vườn cây của hai nông trường chỉ cách nhau một con đường nhưng một bên thuộc vùng I, một bên thuộc vùng III, tức mức lương tối thiểu chênh lệch 800 ngàn đồng.

Thêm vào đó, ngành cao su có đặc thù riêng, tuy nằm trên địa bàn khác nhau nhưng tính chất công việc của các nông trường, nhà máy tương đồng nhau. Cùng là cán bộ kỹ thuật, cùng là CN khai thác, chăm sóc, chế biến… cùng trách nhiệm công việc như nhau nhưng mức lương tối thiểu lại chênh lệch khá lớn. Không những vậy, với quy định lương tối thiểu theo vùng vẫn có những trường hợp mức lương của những người có trách nhiệm hơn, chức vụ cao hơn của vùng này nhưng lại có mức lương thấp hơn so với vùng khác.

Các CTCS trực thuộc VRG ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh… đều nằm trong khu vực có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa khá cao. Bao quanh diện tích cao su có nhiều khu công nghiệp, việc cạnh tranh thu hút lao động rất gay gắt. Thực tế, những năm qua, có không ít CN Cao su nghỉ việc để chuyển qua làm CN tại các khu công nghiệp.

Dù gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các quy định mới trong năm 2016, nhưng nhìn chung các CTCS đều nỗ lực đảm bảo việc làm, thu nhập và các chế độ chính sách cho NLĐ để họ yên tâm làm việc. Cụ thể như đảm bảo trả lương đúng và đủ; áp dụng các chế độ khen thưởng động viên kịp thời; hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình; bổ sung tiền ăn giữa ca.

Trung Kiên