CSVN Xuân – Giá mủ cao su thấp, người công nhân (CN) phải cố gắng để xoay sở trong đồng lương ít ỏi, nhiều người đã không thể bám trụ với nghề. Trong tình hình ấy, đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình ra đời là cứu cánh để cải thiện cuộc sống.

Mang về thu nhập đáng kể
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông có nhiều mô hình tiêu biểu như kinh tế mới VAC của vợ chồng CN Trần Duy Dương – Lê Thị Hồng Hạnh ở Đội 3, NT Thống Nhất, với việc nuôi hươu lấy nhung, trồng cỏ cho hươu và nuôi cá thành phẩm. Hay mô hình nuôi bò lấy thịt của cán bộ kỹ thuật Nguyễn Văn Tuấn ở NT An Biên. Anh Tuấn đã tận dụng đồng cỏ nơi biên giới để nuôi bò lấy thịt, khoảng 50 con. Mô hình trồng chanh dây của Giám đốc Xí nghiệp cây giống phân bón Đỗ Minh Tiến với 15 ha đang cho thu hoạch cũng đang mang lại lợi nhuận khá lớn.
Theo anh Tiến thì chỉ cần giá 5.000 – 10.000 đồng/kg đã có lãi, còn hiện nay giá chanh dây đang ở mức 15.000 – 20.000đ/kg và đang được mùa lẫn giá. Phong trào phát triển kinh tế gia đình không chỉ phát triển mạnh tại Công ty Chư Prông mà nó còn lan tỏa đến hầu hết các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều CN có đất hoặc có điều kiện thì dễ dàng triển khai các mô hình kinh tế gia đình. Với các hộ còn khó khăn về nhà ở, về điều kiện kinh tế thì họ chắt chiu cơ hội bằng việc đăng ký với nông trường xin xen canh trong cao su tái canh. Như trường hợp của anh Nguyễn Trọng Bằng, NT Ia Glai – Công ty Chư Sê với việc trồng được 7 ha bắp lai. Tuy lãi không nhiều như trồng khoai lang hay một số cây trồng khác nhưng cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh trong lúc giá cao su xuống thấp, tiền lương không cao.

Trần Duy Đức – “Bàn tay vàng” đoạt giải nhất Hội thi cấp ngành năm 2016 của NT Thống Nhất – Công ty Chư Prông, cho biết: “Gia đình tôi chỉ có một suất làm CN, lương tháng cũng chỉ 4 – 5 triệu đồng. Vì thế, chúng tôi cũng phải tìm mọi cách để làm thêm mới đảm bảo được cuộc sống, ngoài trồng được vài trăm cây cà phê, chúng tôi phải xen canh thêm cây ngắn ngày”. Tại Công ty Mang Yang, nhiều cán bộ và CN cũng rất tích cực trong công việc phát triển kinh tế gia đình. Họ tranh thủ ngay khi công ty tái canh để đăng ký xen canh tiêu và cà phê, nhưng đất đai nơi đây không phù hợp nên chỉ có một số ít người trồng được, còn lại góp tiền hay vay mượn để mua đất trồng tiêu, trồng cà phê…

Nhiều mô hình mới
Ngoài những mô hình truyền thống như trồng cà phê, tiêu thì nay đã xuất hiện những mô hình mới như trồng chuối của Bí thư Đoàn thanh niên Công ty Chư Prông Mai Thị Thu Hiền với 1.000 gốc chuối, hay mô hình trồng dưa lưới của CN Lê Thu Thủy ở Xí nghiệp cây giống phân bón – Công ty Chư Prông. Chị Thủy cho hay: “Hiện mô hình dưa lưới của tôi cũng có triển vọng và khả thi, bước đầu tuy làm thử nghiệm nhưng đã có lãi và được nhiều người hưởng ứng mua giúp. Có thể nay mai, chúng tôi sẽ nghiên cứu để triển khai đại trà trên quy mô lớn, đó cũng là cách để tăng thu nhập cải thiện cuộc sống trong tình hình hiện nay”. Vài năm trước khi giá cao su ở mức cao rất nhiều CN đã có tích lũy bằng cách mua rẫy trồng tiêu, cà phê, chanh dây… như gia đình chị Hồ Thị Yến ở NT Ia Tiêm – Công ty Chư Sê, gia đình CN Nghinh ở NT K’Dang – Công ty Mang Yang…hàng năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Nói là kinh tế phụ, nhưng giờ đã là thu nhập chính của người CN ở Tây Nguyên.
Văn Vĩnh
Related posts:
4 giải pháp căn cơ để cao su phát triển bền vững
VRG tổ chức khóa học “Ứng dụng công cụ số và AI nâng cao hiệu suất công việc”
24 thí sinh tham gia Hội thi Bàn tay vàng Cao su Điện Biên
Sổi nổi hội thi tay nghề cấp nông trường Cao su Sa Thầy
KCN Nam Tân Uyên trao 330 phần quà cho công nhân xa quê
Các đơn vị Tây nguyên: Chất lượng mủ nguyên liệu nâng cao
Lợi nhuận Cao su Phước Hòa đạt 923 tỷ đồng
Đảng ủy VRG dự Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị
Vinh danh 199 gia đình truyền thống công nhân cao su Đồng Nai
Cao su Krông Buk – Ratanakiri: Hoàn thành kế hoạch giao trước 21 ngày