CSVNO – Theo Bộ NN&PTNT, giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh diễn biến tăng trong 3 tuần đầu tháng 1/2017, cùng với xu hướng của thị trường cao su thế giới.
Cụ thể, cao su SVR3L tăng từ 46.700 đồng/kg (29/12) lên 50.500 đồng/kg (12/1); cao su SVR10 tăng từ 43.700 đồng/kg lên 48.600 đồng/kg.
Bên cạnh đó, hệ thống cung cấp giá tại địa phương ghi nhận giá mủ cao su dạng nước biến động trái chiều. Tại Bình Phước, giá thu mua mủ cao su tăng từ 11.840 đồng/kg lên 12.160 đồng/kg đối với mủ tạp 32 độ. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su ở mức 10.300 đồng/kg, giảm so với 10.500 – 10.700 đồng/kg đầu tháng.
Cũng theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), những ngày cuối năm 2016 và đầu năm 2017, tình hình giá mủ có sáng hơn, nhưng dự báo vẫn chưa ổn định lâu dài.
Trên cơ sở đó, chủ trương chung của VRG là điều chỉnh suất đầu tư; đẩy mạnh trồng xen canh, tập trung củng cố chất lượng vườn cây.
Năm 2017, VRG sẽ tái canh khoảng hơn 13.000 ha và trồng mới hơn 400 ha. Để công tác vườn tái canh trồng mới (TCTM) đạt chất lượng tốt, VRG đã chỉ đạo những công ty có diện tích tái canh lớn, phải có chế độ thanh lý rải vụ, chuẩn bị đất kịp thời cho mùa vụ. Công tác chuẩn bị cây giống phải chu đáo, đầy đủ và có chất lượng tốt. Về bộ giống phải phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng miền. Đặc biệt, năm 2017, có những bộ giống phù hợp với từng tiểu vùng.
Cùng với đó, VRG sẽ thực hiện sản lượng khai thác khoảng 250.000 tấn. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, dự đoán ngay trong quý I/2017 sẽ khai thác đạt từ 15 – 16% so với kế hoạch năm; thông thường các năm sản lượng quý I chỉ khoảng 10%. Trên cơ sở đó, năm 2017, nhiều khả năng VRG sẽ đạt và vượt kế hoạch từ 5 – 6%.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, hiện nay, với tỷ lệ xuất khẩu nguyên liệu thô trên 80%, ngành cao su Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào giá cao su của thị trường thế giới thường xuyên biến động. Để hỗ trợ ngành cao su tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Việt Nam đã có quy hoạch đẩy mạnh việc tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước trên 30% và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su cũng như đồ gỗ cao su.
Theo Bộ NN&PTNT, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 1 năm 2017 đạt 102 nghìn tấn với giá trị đạt 193 triệu USD, tăng 10,5% về khối lượng và tăng 84,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Trung Quốc và Malaysia là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016, chiếm lần lượt 59,5% và 7,7% thị phần. Năm 2016, giá trị xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc tăng 30%, thị trường Malaysia giảm 42,5% so với năm 2015.
Phúc Nguyên
Related posts:
- Thủy điện VRG Bảo Lộc phấn đấu thu nhập 18 triệu đồng/người/tháng
- Khối thi đua Đông Nam bộ : Đi đầu trong các phong trào thi đua
- Lãnh đạo VRG tăng cường chỉ đạo, nắm bắt tình hình các đơn vị
- Duyệt Đại hội đại biểu Hội LHTN VN VRG nhiệm kỳ 2014 - 2019
- Tuyên dương 500 học sinh sinh viên Học giỏi - Sống tốt
- VRG làm tốt công tác thi đua khen thưởng
- 19 đơn vị về trước kế hoạch sản lượng
- Hiệp định CPTPP tác động đến ngành cao su: Cơ hội & thách thức
- Tuyên dương 233 "Công nhân cao su Việt Nam ưu tú" lần thứ VI
- "Phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đã đề ra"