Miệt mài nơi “chiến trường”

CSVN Xuân – Có dịp đến với những dự án trồng cao su của VRG trên nước bạn Campuchia mới thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của tập thể CBCNVC – LĐ các đơn vị đang miệt mài hăng say lao động, góp sức mình vào sự nghiệp phát triển ngành cao su bền vững, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước láng giềng. Đi để thêm ngưỡng mộ, khâm phục tâm huyết với ngành của các anh, các chị. Dù còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn miệt mài nơi “chiến trường”.
CBCNV Công ty CP Chư Sê Kampong Thom những ngày đầ khai hoang trồng mới. Ảnh: N.K
CBCNV Công ty CP Chư Sê Kampong Thom những ngày đầ khai hoang trồng mới. Ảnh: N.K
 Nhà tạm. Tắm suối. Cuộc điện thoại 1 phút… tưởng chừng không trụ lại được

Từ cửa khẩu quốc tế Hoa Lư – Bình Phước, chúng tôi rong ruổi trên chặng đường dài 350km để đến với dự án của Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom, đơn vị có thành tích nổi bật về công tác trồng mới, chăm sóc cao su tại Campuchia của VRG. Suốt khoảng thời gian trên xe, chúng tôi được anh Nguyễn Duy Linh – TGĐ Công ty và các anh em trong đoàn kể về những ngày đầu triển khai dự án tại đây.

Trước khi xách ba lô lên và đi trồng cao su, “trồng” tình hữu nghị giữa VRG và nước bạn, mọi người chỉ ao ước thực hiện được 5.000 – 6.000 ha cao su là thành công rồi. Ấy vậy mà, 6 năm sau 16.268 ha cao su liền vùng liền khoảnh, sinh trưởng vượt chuẩn và năm 2016 có 1.500 ha được đưa vào mở cạo. Có thể nói dự án đã thành công bước đầu.

Anh Lê Trung Kiên – Trưởng phòng nông nghiệp Công ty kể: “Trước khi qua đây thực hiện dự án này, tôi đã có một khoảng thời gian dài làm việc tại Lào. Ngày quyết định cùng anh em tiếp tục “tác chiến” nơi vùng này tôi gọi về cho mẹ để mẹ biết, tự dưng lúc đó nước mắt rơi. Qua đến đây, khó khăn vô cùng về mọi thứ, tưởng chừng như mình không trụ lại được mà quay về. Đó là khi cơn lốc xoáy ập đến bất ngờ trong vùng dự án, nhà tạm sập, có anh em bị thương. Đó là khi bà con không hiểu, phản đối dữ dội dự án này, còn nhớ ngày đầu tiên đi thống kê diện tích hoa màu để đền bù, chúng tôi bị đám đông hơn 200 người dân vây xung quanh, lúc đó chúng tôi sợ thật sự, chỉ đến khi được anh công an địa phương kéo lên xe thoát khỏi vòng vây mới thở phào nhẹ nhõm”.

Phước Hòa – Kampong Thom là đơn vị chúng tôi đã có dịp đến thăm nhân sự kiện kỷ niệm 5 năm thành lập Công ty. Lần này quay lại, vẫn được “thưởng thức” cảm giác muỗi vo ve cắn nửa đêm, bởi điện chỉ phát đến 22h đêm rồi cúp, mọi người phải giăng mùng, cầm quạt nếu quá nóng. Nhưng khác ở chỗ vườn cây được mở rộng hơn, 700 ha đã đưa vào khai thác, Công ty đã có những doanh thu đầu tiên từ việc bán mủ về cho Công ty mẹ.

Đó là niềm hân hoan, phấn khởi lớn nhất của CBCNVC – LĐ từ ngày triển khai dự án đến nay. Nhà ở cho công nhân, trường học, trạm y tế, chùa chiền được xây dựng để phục vụ cho bà con trong và ngoài vùng dự án. Chúng tôi đọc được niềm vui của các gia đình công nhân khi lương của họ tháng này nhờ diện tích vào khai thác nên nhận được 250USD và nhìn thấy sự biết ơn trong ánh mắt của NLĐ Campuchia khi nói chuyện với lãnh đạo Công ty.

Thời kỳ đầu gian khổ có quá nhiều chuyện để kể nhưng có lẽ ký ức trong đoàn gồm 10 cán bộ đi khảo sát đất dự án và cũng là cán bộ khung của Công ty hiện nay đó là cuộc điện thoại đầu tiên trên đất bạn khi gọi điện về cho gia đình.

Anh Nguyễn Văn Luyến – TGĐ Công ty kể: “Ngày đầu trong đoàn chỉ có điện thoại của tôi và anh Đặng Đôn Cư (trước đây là TGĐ, người có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của dự án Phước Hòa – Kampong Thom ) chuyển mã vùng quốc tế. Từ trục đường chính di chuyển vào dự án xa cả trăm cây số, chiều hôm ấy anh Cư đi Pnôm Pênh, đoàn ở lại gồm 7 người. Các anh em qua tới nơi nhưng chưa gọi được về nhà, chúng tôi lại lục tục di chuyển từ vùng dự án đến cầu Paksana hơn 30km để có sóng gọi. Cước phí thì đắt vì chưa biết các dịch vụ khuyến mãi, trước khi đưa điện thoại cho mọi người gọi, tôi dặn: Mỗi người được gọi tối đa trong vòng 1 phút thôi nhé. Vậy là, điện thoại chuyền tay nhau, chỉ kịp nói: Con/ anh/ba qua đến nơi an toàn rồi nhé”.

Miệt mài trên vùng dự án.
Miệt mài trên vùng dự án.

Khi kể câu chuyện này và những buổi lên đồi dò sóng điện thoại, ngày vào rừng khai hoang trồng mới, chiều ra sông suối tắm giặt và những thiếu thốn của anh em, chúng tôi thấy anh Luyến rất xúc động. Vẫn không kể hết những đợt anh em về thăm gia đình nhưng chưa có lương. Vậy mà không ai phàn nàn gì, dường như mọi người đã thấu hiểu những khó khăn khi thực hiện dự án thì lương trễ vài ngày cũng có gì đâu.

Tình yêu ngành, yêu nghề vẫn luôn cháy bỏng

 Như một sự khẳng định khó khăn nào cũng không gục ngã, anh Nguyễn Duy Linh – TGĐ Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom nói: “Khó khăn ban đầu thì đơn vị nào cũng có, còn nhớ mùa trồng mới đầu tiên của dự án vào năm 2010, thời tiết Campuchia nắng nóng khắc nghiệt, nghe người ta nói phải cầu mưa. Ở đâu thì theo đó, chúng tôi bày biện mời thầy về cúng để cầu mưa, từ sáng đến giữa trưa nắng, việc làm lễ được tiến hành theo đúng phong tục người Campuchia. Ấy vậy mà trời thấu hiểu, chiều đó có cơn mưa rất to. Những khó khăn đi qua, chúng tôi cảm thấy dự án như hôm nay là sự kết hợp giữa thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Có sự ủng hộ của người dân, địa phương, có được sự đoàn kết của anh em thì có sá gì khó khăn”.

Vào dự án để viết bài, hình ảnh đầu tiên chúng tôi thấy là rất nhiều anh áo quần không được phẳng phiu, chạy xe máy đi trong vùng dự án. Nghe mọi người giới thiệu là giám đốc nông trường, quả thật bất ngờ bởi hình ảnh giản dị, quần áo không khác công nhân là mấy.

“Khó khăn mà em, ở dự án anh em dù là giám đốc hay tổ trưởng đều như nhau vậy đó, lo công việc trước tiên” – Đó là hồi đáp của anh trong đoàn trả lời thắc mắc của chúng tôi. Gặp gỡ các anh, chúng tôi hỏi: “Có bao giờ anh nản chí muốn bỏ giữa chừng không ?”. Câu trả lời nhận được là: “Không, đã quyết tâm thì làm đến cùng”. Và chúng tôi tin, bởi đã 6 năm họ gắn bó, 6 năm trên mảnh đất này, tâm huyết dồn vào đây, không tin sao được. Trụ sở các nông trường đều là nhà ván đơn sơ nhưng ở đó có vườn rau thanh niên, có những buổi ăn cơm tập thể rộn ràng tiếng cười. Trời càng nắng càng nóng  gấp bội nhưng lòng chợt dịu mát lại khi nghe những câu chuyện trong vùng dự án các anh kể. Trụ sở Công ty CPCS Đồng Nai – Kratie cách dự án 120km. Hơn 100km là đường đổ nhựa đẹp, xe chạy êm ro, chỉ còn khoảng 19km mà các anh đặt là “đoạn đường đau khổ”.

Văn phòng làm việc đơn sơ của Công ty Vketi.
Văn phòng làm việc đơn sơ của Công ty Vketi.

Anh Trần Hoài Khải – Phó TGĐ Công ty cho biết: “Đường này là đoạn đường Công ty Đồng Nai – Kratie và Đồng Phú – Kratie cùng làm vì dự án gần nhau. Trời nắng thì đỡ, có những hôm trời mưa xe mắc lầy anh em phải mắc võng ngủ giữa rừng”.

Quả thật, 19km mà di chuyển cả tiếng đồng hồ, vào đến nơi đã 21h00 đêm. Mọi người đón đoàn nhiệt tình lắm, dù thường ngày giờ này nhà ai cũng đã tắt đèn đi ngủ nhưng hôm nay có chúng tôi đến mọi người tranh thủ nấu vài món ngon, tập trung tại nhà ăn của nông trường 2 để chờ. Những gương mặt ấy chúng tôi đã có dịp gặp, nay trở lại dường như sương gió nhiều hơn nhưng ánh mắt vẫn đong đầy sự lạc quan. Một cây đàn, một người bắt nhịp, bài “Nối vòng tay” lớn đồng thanh cất lên giữa đêm tối sao mà hay đến lạ lùng. Cũng lời ca ấy, cũng nốt nhạc ấy nhưng bài ca hôm nay được hát bởi những người xa quê hương, bởi nhiệt huyết và sức sống tràn trề khẳng định niềm tin về sự phát triển của dự án.

Có dịp dự buổi sinh hoạt văn nghệ tập thể này cùng với mọi người, chúng tôi – những người trẻ ngộ ra được nhiều điều, đó là tình yêu với ngành với nghề trong họ luôn cháy bỏng, chỉ thêm chứ không hề giảm đi. Khó khăn không làm họ chùn bước mà chỉ là sự thử thách của lòng kiên nhẫn và cả sự đoàn kết nữa. Cái cảm giác được chuyện trò, cùng ăn một bữa cơm với mọi người trong vùng dự án tuyệt vời hơn chúng tôi tưởng. Ở đây, làm bạn với họ là cây đàn, những câu chuyện về gia đình như kéo mọi người xích lại gần nhau hơn. Và cũng trong chính khó khăn gian khổ người ta dễ đồng cảm, sẻ chia hơn, tất cả những chuyện đùa đều tự nhiên, không gượng gạo, giống như một gia đình.

Kiểm tra vườn cây Côn g ty Phước Hoà Kampong Thom
Kiểm tra vườn cây Côn g ty Phước Hoà Kampong Thom

Sợ chúng tôi hiểu lầm nên một anh trong bàn lên tiếng: “Mọi người hay trêu đùa như vậy để vui, để thấy yêu đời hơn đó em, chứ em thấy đó trong vùng dự án này chỉ có mọi người với nhau, không có điều kiện như ở phố thị, nếu không có những câu chuyện đùa tếu táo vậy thì làm sao có thể trụ được đến ngày hôm nay”. Đêm đó, chúng tôi tá túc tại nhà của một chị làm trong nông trường, mọi người cứ sợ lạ chỗ không quen, nhưng không hiểu sao chúng tôi ngủ rất ngon dù không chăn ấm nệm êm, những câu chuyện kể của mọi người đi vào giấc mơ như khoảnh khắc ấn tượng trong ngày.

Đón bình minh trong vùng dự án, trời se lạnh, trong lành, tranh thủ sáng sớm dạo một vòng quanh khu tập thể thấy gần gũi thân thương quá, như không khí ở quê nhà. Chung quanh nhà ai cũng trồng rau, trồng mít, chuối, khế, những loại cây được đem từ Việt Nam sang. Có lẽ ngoài thời gian làm việc thì chăm chút cho cây giúp mọi người quên đi nỗi nhớ nhà. Dò hỏi thì biết được các anh chị đã bám trụ ở đây từ ngày đầu dự án, ít hơn thì cũng 4 – 5 năm. Họ bảo: Đây được xem là ngôi nhà thứ hai rồi.

Màu xanh cao su và dấu ấn con người

Văn phòng làm việc của Công ty CS Lộc Ninh – Vketi, có thể gọi là lán làm việc cũng đúng, chỉ có các dãy bàn kê liền với nhau, có hai cây quạt lớn để hai góc, tủ nhôm dùng để lưu trữ tài liệu. Đây là đơn vị cuối cùng chúng tôi ghé qua trước khi về TP.HCM. Bữa cơm trưa của anh em đơn vị kéo dài đến 2h chiều vì chúng tôi đến trễ. Có canh chua cá, có thịt gà tự nuôi, có rau tự trồng, trông hấp dẫn. “Tiếp sức” xong mới biết, nơi đây chỉ có một cán bộ nữ duy nhất, còn lại anh em người Việt sang đây toàn nam giới. Và bữa trưa chúng tôi mới được thưởng thức, ngon, trang trí lạ mắt cũng chính các anh trong đơn vị thực hiện.

Anh Phú Hoàng Minh – Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: “Thời kỳ đầu khó khăn thì ai cũng như ai cả, tất cả đều tạm bợ, chỉ thương cho anh em còn trẻ chưa quen, ngày thì làm việc, tối lại xếp lớp như cá ngủ dưới sàn. Nhiều lúc cứ phải bảo nhau chúng mình là lính, làm gì cũng dễ ợt để không thấy vất vả. Vừa làm vừa phải động viên anh em, cũng may là mọi người có trách nhiệm, cùng chí hướng và có quyết tâm nên công việc tốt lên từng ngày”.

Trồng xen tiêu trên vườn cây cao su tại Công ty Cao su Lộc Ninh - Vketi.
Trồng xen tiêu trên vườn cây cao su tại Công ty Cao su Lộc Ninh – Vketi.

Chúng tôi đi công tác xa cả một tuần, cộng thêm việc liên tục di chuyển từ đơn vị này qua đơn vị khác, đường sá có những đoạn di chuyển rất khó khăn, điều kiện thiếu thốn về sinh hoạt, giải trí… Dường như cái mệt đã “thấm” vào người, nhưng có là gì so với sự nỗ lực và thậm chí những hi sinh của các anh chị trong vùng dự án. Ít ai ngờ, nơi vùng sâu vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn của nước bạn, sau 10 năm VRG triển khai dự án đã có hơn 90.000 ha cao su định hình, thẳng tắp và xanh ngát đang vươn mình phát triển.

Thành quả đó ghi đậm dấu ấn của nhiều CBCNVC – LĐ nhiệt huyết, tận tâm với nghề, vẫn miệt mài hăng say với dự án. Họ có thể là những cán bộ có mặt trong vùng dự án những ngày đầu, họ có thể là những thanh niên mang trong mình sức trẻ, mong muốn được cống hiến cho quê hương Tổ quốc. Và trên hết, ở họ tình yêu, với nghề, với ngành cao su luôn còn mãi và được bồi đắp thêm qua thời gian.

Bài, ảnh: Quỳnh Mai