CSVN Xuân – Xứ Sài Thành vốn nổi tiếng với “Mười tám thôn vườn trầu” ở Hóc Môn – Bà Điểm và có làng hoa Gò Vấp vang danh mỗi dịp Xuân về. Theo năm tháng và tốc độ công nghiệp hóa, vườn trầu nay chỉ còn miền dĩ vãng. Còn làng hoa Gò Vấp thì đang cố bám trụ trước cơn lốc đô thị hóa.
Gò Vấp xưa từng gắn liền tên tuổi với một vùng đất trù phú, quanh năm thơm ngát, ngập tràn sắc hoa trên một dải đất rộng hàng trăm hec-ta. Hoa Gò Vấp từng là một thương hiệu, là địa chỉ “săn hoa” của người Sài Gòn mỗi độ Tết về.
Theo một số nghệ nhân và người dân trồng hoa nơi đây kể lại, làng hoa Gò Vấp ra đời không bao lâu so với làng trầu cau của “Mười tám thôn vườn trầu” ở Bà Điểm – Hóc Môn, nhưng ở thời kỳ cực thịnh, mùa trồng hoa Xuân, ngay cả nơi được mệnh danh là vương quốc hoa kiểng Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) cũng phải về đây mà tìm mua giống hoa kiểng lạ.
Ngày ấy, cứ tầm độ 15 tháng Chạp trở đi, người dân sinh sống ở thành phố lại lũ lượt kéo đến khu vực làng hoa để săn tìm những chậu bông đẹp nhất, tốt nhất để mang về nhà chưng Tết. Có lúc, trên mọi nẻo đường hồi ấy vẫn còn là đất đỏ chứ chưa được trải nhựa, tiếng vó ngựa, tiếng xe bò cứ lóc cóc, leng keng đi về cả đêm. Những ký ức ấy cứ nhẹ nhàng ăn sâu vào tâm trí của người làng hoa như một thứ âm thanh đặc trưng của Tết.
Hồi đó, hoa được trồng ở làng nhiều vô kể, từ chậu cúc bình dị đến những chậu kiểng đủ loại đều được tìm thấy ở đây. Thậm chí, tên mỗi đứa trẻ trong nhà là một loài hoa, trẻ con sinh ra và lớn lên đều gắn liền cuộc sống với hoa. Như là anh Mai, cô Lan, chị Đào, bé Cúc, chị Huệ… cứ tiếp nối công việc điểm tô cho cuộc sống thêm nhiều sắc hương.
Thời kỳ thịnh vượng nhất của làng hoa Gò Vấp là những năm 90 của thế kỷ trước, nó kéo dài đến khoảng những năm 2000 – 2001 thì dần dần đi xuống do phải san sẻ thị phần cho các nguồn hoa từ Sa Đéc, Cái Mơn đưa lên, và đặc biệt nguồn hoa phong phú từ xứ sở hoa Đà Lạt tràn xuống. Từ chỗ có tới hơn hàng trăm hec-ta đất trồng hoa thì đến giai đoạn này, diện tích đất giảm xuống chỉ còn khoảng một phần năm. Để hoa cảnh dần lui vào ký ức và thay thế bằng nhà cao tầng, công ty, xí nghiệp.
Những nghệ nhân năm nào cũng dần chuyển đổi ngành nghề như một nhu cầu tất yếu. Những cánh đồng bát ngát tràn ngập sắc màu chỉ còn lại trong những miền ký ức xa xôi, người làm nghề chỉ còn biết lưu giữ lại qua những chậu kiểng lọt thỏm nhỏ nơi vườn nhà.
Dù không còn thịnh như xưa, nhưng với những ai yêu mến và gắn bó với mảnh đất này, làng hoa Gò Vấp vẫn là một điểm đến không thể bỏ qua mỗi độ Tết đến Xuân về.
Vũ Phong
Related posts:
- Phát động cuộc thi viết về "Ký ức người lính"
- Phun thuốc
- Cao su Lộc Ninh tổ chức Đêm hội trăng rằm cho 3.000 em
- Một ray rứt của tôi trong nghề báo
- Bồi dưỡng đội ngũ làm báo đáp ứng yêu cầu đa phương tiện trong thời đại báo chí mới
- Văn hóa văn nghệ tại Cao su Phú Riềng: Không chỉ là phong trào
- Đội Công ty CP TMDV&DL Cao su giành giải nhất Hội thi tìm hiểu “85 năm truyền thống ngành cao su VN”...
- Cô giáo mầm non có "giọng hát vàng"
- Cây cao su ở Phú Nhuận – Sài Gòn
- Trách nhiệm của người làm báo với sự nghiệp xây dựng Đảng