CSVN Xuân – Đến tuổi mười tám, đôi mươi, ông Lương Thọ (Nguyên Trưởng phòng Thanh tra Bảo vệ Quân sự TCT Cao su Đồng Nai) cũng như nhiều thanh niên khác đứng trước những sự lựa chọn quan trọng của cuộc đời. Nhờ cái nôi truyền thống cách mạng của gia đình, ông tin tưởng đi theo lý tưởng của Đảng. Để rồi từ đó, ông cùng với đồng đội đã có những trận diệt giặc – phá kìm vang dội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời bấy giờ.
Tên tuổi gắn liền với những chiến tích lẫy lừng của Đội trinh sát vũ trang
Ông Lương Thọ sinh năm 1947, tại Quảng Ngãi, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chị em ông theo chân người chú vào Đồng Nai lập nghiệp khi còn là cậu bé 12 tuổi. Đến tuổi trưởng thành, đứng giữa hai hướng rẽ của cuộc đời, một là theo cách mạng, hai là đi lính cho giặc, ông lựa chọn hoạt động cách mạng bí mật.
Quyết định này không khó khăn với ông bởi truyền thống gia đình và may mắn được lớn lên ở vùng đất phong trào cách mạng nổ ra mạnh mẽ. Năm 1968, ông chính thức thoát ly làm cách mạng, đây là dấu mốc mang tính bước ngoặt của cuộc đời ông. Từ đây, ông được biết đến là đội trưởng đội trinh sát vũ trang thuộc Ban an ninh thị xã Long Khánh.
Ở cái tuổi 70, ông vẫn hào sảng kể về những ngày đi phá kìm – diệt giặc: “Đội trinh sát vũ trang có nhiệm vụ hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị. Lúc đầu chỉ có mình tôi, sau đó bổ sung thêm anh Nguyễn Văn Ngọc, Phan Thanh Xuân với nhiệm vụ hỗ trợ cán bộ cách mạng đi tiếp xúc vận động quần chúng, bảo vệ văn phòng Thị ủy Long Khánh. Đầu năm 1969, chúng tôi được biệt phái đi học chiến thuật của biệt động đặc công, sau đó về đơn vị tác chiến độc lập. Được đào tạo chiến thuật đặc công nhưng khi về lại Đội trinh sát, nhiệm vụ cấp trên giao là trực tiếp tiêu diệt những tên ác ôn, tàn bạo trên địa bàn, anh em chúng tôi phải tùy cơ ứng biến, căn cứ vào tình hình thực tế mà thay đổi chiến lược tác chiến”.
Năm 1970, Đội trinh sát chính thức được giao nhiệm vụ bám trụ ba ấp vùng ven thị xã để xây dựng cơ sở, tạo bàn đạp đột nhập diệt ác, phá kìm, trấn áp địch, làm chủ ở xã, ấp. Từ đây, những hoạt động của đội góp phần làm cho hệ thống kìm kẹp của địch trong lòng thị xã rối loạn, khiến bọn ác ôn mất ăn, mất ngủ.
Những trận đánh vang dội của ông và đồng đội phải kể đến đó là trận đánh quán bar Ly Ly, nơi bọn địch tụ tập ăn chơi, nhảy múa. Đây cũng là trận đầu tiên khi cả đội chuyển hướng đánh từ vùng ven vào nội ô. Trận này ông và đồng đội cũng hóa trang giống quân thù và diệt gọn 12 tên địch khét tiếng ác ôn, thắng lợi này khuấy động cả thị xã Long Khánh và vùng 3 lúc bấy giờ. Từ đó, nhắc đến tên ông, nhắc đến Đội trinh sát vũ trang, bọn địch rất khiếp sợ, chúng đề phòng và cẩn thận hơn. Trở về sau chiến thắng, ông cùng đồng đội lọt ổ phục kích của địch, hai đồng đội hy sinh, ông may mắn sống sót. Chiến tích này được Chính phủ cách mạng lâm thời trao tặng Huân chương chiến công hạng 2.
Không ngại hi sinh
Đến thăm khi gia đình ông vừa chuyển vào nhà mới được hai ngày, ông chia sẻ: “Cả cuộc đời, đến giờ mới nhẹ lòng được khi ổn định được chỗ ở cho các con, giáo dục các con sống đúng với lý tưởng như tôi đã theo đuổi cả đời, đúng với lương tâm và có trách nhiệm với gia đình xã hội”.
Người trinh sát trẻ ngày ấy nay mang trên mình hơn 47 vết thương trong 4 lần bị thương nặng trong cuộc đời cầm súng. Đến giờ, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại đau nhức, nhắc nhở ông về một thời oanh liệt. Cuộc đời làm lính trong chiến tranh, tin tưởng và cầm súng chiến đấu vì lý tưởng, vì Tổ quốc nên có những khi cái chết cận kề đó mà không hề khiếp sợ. Ông cho hay: “Có gì đâu mà sợ, đã chấp nhận chiến đấu vì Tổ quốc là xác định việc sinh tử là khó tránh khỏi, có những khi cái chết cận kề trong gang tấc, chấp nhận cái chết như là điều hiển nhiên nên không thấy nặng nề gì cả”.
Lý tưởng cách mạng ông theo đuổi cho đến hết cuộc đời. Ông nhấn mạnh: “Sinh ra trong thời chiến, được cách mạng giáo dục, giác ngộ lý tưởng và trưởng thành. Nếu làm các mạng mà nghĩ đến việc hưởng ngày độc lập là không thể nào vững tâm mà chiến đấu, hi sinh cho Tổ quốc là sự hi sinh vinh quang và xứng đánh vì vậy chúng tôi, những người lính luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu và không ngại hi sinh. Lứa tuổi đôi mươi ngày ấy, thời thanh xuân của người lính tươi đẹp lắm, nhưng đẹp nhất vẫn là lý tưởng được cống hiến cho Tổ quốc”.
Quỳnh Mai
Related posts:
- Lưu ý khi tập thể dục mùa nóng
- Gần 300 VĐV tham gia tranh tài Hội thao khu vực IV
- Hoan hô Công đoàn!
- Lợi nhuận 5 năm KCN Hố Nai gần 20 tỷ
- Cao su Hương Khê – Hà Tĩnh: Phấn đấu thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng
- Cao su Phước Hòa nhất toàn đoàn Hội thao Khu vực V
- Công đoàn Cao su Dầu Tiếng khen thưởng công nhân vượt kế hoạch sản lượng quý III
- Hội thao khu vực V tổ chức tại Đồng Xoài
- Mùa cạo mủ
- Gắn bó với cây