CSVNO – Đứng trước nguy cơ bị đóng cửa bởi quyết định cưỡng chế, thu hồi dự án Khu du lịch (KDL) sinh thái Hàm Rồng của Công ty Cổ phần Du lịch Cao su Hàm Rồng đang quản lý, hơn 100 CNVC-LĐ công ty đã làm đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng. Dưới góc độ pháp lý, luật sư cho rằng vụ việc đang được tòa án thụ lý giải quyết, chưa có phán quyết cuối cùng mà chính quyền địa phương vẫn cương quyết cưỡng chế, thu hồi dự án là trái với Hiến pháp và luật tố tụng hành chính.
Kiên trì đấu tranh trên tinh thần thượng tôn pháp luật
Theo thông báo mới nhất ngày 2/12, của Ban thực hiện cưỡng chế UBND huyện Sa Pa, kể từ 8 giờ ngày 13/12/2016 sẽ thực hiện cưỡng chế đợt 1 đối với Công ty Cổ phần Du lịch Cao su Hàm Rồng (Harutour). Vị trí cưỡng chế là Trạm soát vé, nhà làm việc của công ty.
Trao đổi với Tạp chí Cao su VN về vụ việc này, ông Ngô Văn Ân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Harutour, cho biết quan điểm của HĐQT công ty là chưa thực hiện quyết định cưỡng chế, thu hồi đất của UBND tỉnh. Lý do, vụ việc đang chờ Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai phán quyết theo trình tự đúng pháp luật. Trong khi chưa có phán quyết cuối cùng của Tòa án thì không thể thực hiện theo yêu cầu.
“Nếu chính quyền cưỡng chế phòng vé, cưỡng chế cửa soát vé, đưa người lao động ra khỏi nhà ở tập thể, nhà làm việc công ty, thì tất cả mọi hoạt động của công ty hầu như bị đóng cửa. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng Luật Kinh doanh mà đã được Quốc hội thông qua”, ông Ân bức xúc.
Ông Ân cho biết Harutour đang hoạt động ổn định, công ty có hơn 100 CB.CNVC-LĐ, trong có có hơn 50% là người đồng bào dân tộc. Tiền lương thu nhập, đời sống người lao động được đảm bảo với mức từ 6 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ có công ăn việc làm ổn định, người lao động (NLĐ) còn được xây nhà để ở, các chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời. So với lúc mới tiếp quản từ du lịch Lào Cai bàn giao qua với mức tiền lương vài ba trăm ngàn đồng mỗi tháng, thì trong những năm qua, Harutour đã quan tâm, chăm lo đời sống NLĐ tốt hơn nhiều.
“Với trách nhiệm của doanh nghiệp với NLĐ, nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng, công ty sẽ tháo gỡ các khó khăn và cương quyết kiên trì đấu tranh đến cùng trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Một mặt chúng tôi tiếp tục kiến nghị, kêu cứu đến cơ quan Trung ương, Đảng, Nhà nước, Quốc hội… Các cổ đông đã thống nhất sẽ tiếp tục đầu tư vào KDL sinh thái Hàm Rồng. Số vốn hiện nay của công ty là 132 tỷ đồng, ngoài ra còn nhận cam kết tài trợ vốn trên 500 tỷ đồng từ Ngân hàng Công thương để đầu tư vào dự án.
Công ty đã xây dựng kế hoạch cải tạo khách sạn Hàm Rồng thành khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, phù hợp với quy hoạch của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2030. Công ty cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế của KDL Hàm Rồng theo yêu cầu của UBND tỉnh. Nhưng đến bây giờ lại nhận được quyết định cưỡng chế, thu hồi dự án. Tất cả công sức, nỗ lực và tâm huyết của hàng trăm CB.CNVC-LĐ công ty có nguy cơ đổ sông, đổ biển.
Nếu thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất dự án, rõ ràng làm mất lòng tin của nhà đầu tư, dẫn đến môi trường đầu tư của tỉnh Lào Cai sẽ xấu. Sẽ không còn doanh nghiệp nào dám mang tiền của, công sức đầu tư vào đây nữa. Tất cả cán bộ CNV, người lao động công ty mong muốn được tiếp tục hoạt động ổn định, có công ăn việc làm, đóng góp xây dựng tỉnh Lào Cai ngày càng phát triển bền vững và môi trường môi trường đầu tư du lịch được thuận lợi, vừa xây dựng kinh tế, vừa bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh tổ quốc vùng biên giới”, ông Ân chia sẻ.
Là cổ đông lớn của Harutour, ông Nguyễn Đông Hòa – Phó TGĐ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist), cho biết có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm để xây dựng dự án KDL Hàm Rồng thành một khu sinh thái đẹp, thật sự là điểm nhấn đặc sắc cho du lịch Sa Pa. “Cổ đông chúng tôi ủng hộ Harutour thực hiện việc giữ lại dự án bằng con đường pháp luật. Chúng tôi tin, công ty có đầy đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai dự án này. Công ty thật ra đang mong muốn triển khai nhanh dự án, nhưng lại vướng quyết định thu hồi”, ông Hòa cho biết.
NLĐ hoang mang, lo lắng
Hoang mang, lo lắng, tương lai không biết đi về đâu là tâm lý chung của nhiều công nhân lao động đang làm việc tại Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng. Trò chuyện với chị Đinh Thị Lệ – công nhân đội cảnh quan, môi trường, chị luôn lo sợ sẽ mất việc làm nếu khu du lịch bị cưỡng chế, thu hồi. “Tôi làm việc ở đây đã được 7 năm, thu nhập ổn định, các chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ nên cuộc sống rất đảm bảo. Không chỉ tạo việc làm, công ty còn xây dựng nhà để anh em công nhân có chỗ để ở. Với công việc và tiền lương hiện nay tôi có thể phụ giúp được gia đình, nếu khu du lịch bị thu hồi, mất việc làm tôi không biết tương lai mình sẽ ra sao”, chị Lệ chia sẻ.
Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Quỳnh Hoa – thành viên Câu lạc bộ nghệ thuật dân gian trực thuộc KDL sinh thái Hàm Rồng, cũng rất lo sợ về việc làm và cuộc sống trong những ngày sắp tới. Chị Hoa cho biết kể từ đầu tháng 12 đến nay, vì quyết định cưỡng chế, thu hồi của UBND huyện Sa Pa mà đội văn nghệ không thể biểu diễn phục vụ du khách. “Không biểu diễn anh em chúng tôi không có việc làm. Không biết những ngày tới sẽ ra sao, chúng tôi còn có gia đình, có cha mẹ già yếu nên còn phải lo nhiều thứ. Khu du lịch bị thu hồi ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập và đời sống của anh chị em. Bây giờ là thời điểm gần cuối năm rồi, nếu có chuyện gì không hay, chúng tôi lo lắm. Anh chị em chỉ mong khu du lịch hoạt động ổn định để có việc làm, có thu nhập ổn định”, chị Hoa bày tỏ.
Không chỉ các nhân viên làm việc trực tiếp tại KDL Hàm Rồng lo sợ, cả người dân địa phương sinh sống xung quanh cũng hoang mang. Từ ngày nhận được thông tin, chính quyền địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất dự án KDL sinh thái núi Hàm Rồng của Harutour, bà Nguyễn Thị Nghiệp – chủ một cơ sở bán hàng phục vụ khách du lịch ngay chân núi Hàm Rồng khá lo lắng. Bà nói rằng nếu chính quyền địa phương thực hiện cưỡng chế, không cho công ty bán vé, đưa khách vào thăm quan thì sẽ ảnh hưởng đến việc bán buôn và thu nhập của gia đình bà và các hộ dân xung quanh.
“Nguồn sống của gia đình tôi và các hộ ở đây chủ yếu trông chờ vào lượng khách du lịch đến thăm quan núi Hàm Rồng. Bây giờ ngăn không cho du khách vào thì lấy ai mua hàng của chúng tôi. Nếu không bán được hàng, không có thu nhập thì lấy cái gì mà chi tiêu, sinh hoạt và lo cho con cái ăn học”, bà Nghiệp bức xúc.
Tòa đang thụ lý, tỉnh vẫn cưỡng chế
Trong đơn kêu cứu gửi tới nhiều cơ quan Trung ương, cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan truyền thông, Harutour cho biết nguyên nhân thu hồi dự án xuất phát từ việc công ty chậm tiến độ do không thể thi công tuyến đường N1a thuộc dự án Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng.
Đơn trình bày nêu rõ, việc dự án Khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng bị chậm tiến độ so quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư do nhiều nguyên nhân. Về nguyên nhân khách quan, Harutour có thực hiện việc đầu tư xây dựng tuyến đường N1a. Tuyến đường được khởi công từ 6/2013, đây là tuyến đường huyết mạch nối liền các địa điểm quan trọng trong dự án. N1a là con đường giao thông cơ giới kết nối duy nhất của dự án với thị trấn Sa Pa, có chức năng vận chuyển nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công tuyến đường, mặc dù công ty đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thi công, xây dựng tuyến đường nhưng gặp phải sự cản trở từ chính quyền địa phương. Cụ thể, tại kết luận số 301-KL/TU ngày 18/03/2014 của thường trực Tỉnh ủy trong buổi làm việc với UBND huyện Sapa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kết luận: “…Hạng mục xây dựng tuyến đường N1a đồng ý với ý kiến của huyện, điều chỉnh không thực hiện dự án, để giữ cảnh quan sinh thái của núi Hàm Rồng”.
Kể từ thời điểm đó, việc thi công xây dựng dự án gặp rất nhiều khó khăn, lao động của công ty phải đội từng bao cát, viên gạch, dùng dòng dọc thô sơ để vận chuyển lên núi thi công một số hạng mục nhỏ. Ngoài ra, huyện Sa Pa đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Lào Cai tạm dừng dự án để nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết dự án khu du lịch sinh thái Hàm Rồng. “Lý do dẫn đến việc dự án chậm tiến độ phần lớn là do chưa thể thi công xây dựng tuyến đường N1a. Trong khi đó, nguyên nhân khiến chưa thể thi công tuyến đường hoàn toàn không do lỗi công ty mà xuất phát từ phía các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện và tỉnh Lào Cai”, ông Phạm Quang Long – TGĐ Harutour bức xúc.
Sau đó, Harutour đã báo cáo UBND tỉnh Lào Cai để xin phương án tiếp tục thi công con đường N1a và xin dãn tiến độ thực hiện dự án, tuy nhiên tỉnh không đồng ý. Điều bất ngờ, ngày 24/5/2016, UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định số 1503/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động đầu tư và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Và ngày 13/07/2016 ban hành quyết định 2223/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của Công ty CPDLCS Hàm Rồng tại dự án khu du lịch sinh thái Hàm Rồng.
Để bảo vệ quyền lợi, Harutour đã làm đơn khiếu nại đối với quyết định 1503. Đến ngày 31/8/2016, UBND tỉnh Lào Cai đã ra quyết định số 2836/QĐ-UBND để hủy bỏ quyết định 1503 vì lý do “…thu hồi trái thẩm quyền theo các quy định của Luật Đầu tư năm 2014”. Tuy nhiên, điều đáng nói, đến ngày 7/9/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai tiếp tục ban hành quyết định số 155/QĐ – KHĐT chấm dứt hoạt động đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng.
Sau khi nhận được quyết định thu hồi đất số 2223/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai và quyết định số 155/QĐ – KHĐT của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty CPDLCS Hàm Rồng đã làm thủ tục khởi kiện UBND tỉnh Lào Cai cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai. Ngày 7/10/2016 tòa án tỉnh Lào Cai đã thụ lý vụ án.
Trong khi Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Lào Cai đang thụ lý 2 vụ kiện: quyết định thu hồi đất số 2223/QĐ-UBND ngày 13/07/2016 của UBND tỉnh Lào Cai và quyết định số 155/QĐ – KHĐT ngày 07/09/2016 của sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai thì ngày 29/11/2016 UBND huyện Sa Pa đã ban hành quyết định cưỡng chế số 1632/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với Harutour. Căn cứ để huyện Sa Pa thực hiện cưỡng chế là do quyết định thu hồi đất số 2223/QĐ-UBND và văn bản số 5590/UBND-TNMT ngày 16/11/2016 của UBND tỉnh Lào Cai về cưỡng chế thu hồi đất của Harutour tại thị trấn Sapa. Thời gian thực hiện cưỡng chế là ngày 5/12/2016.
Ngay sau khi UBND huyện Sa Pa đã ban hành quyết định cưỡng chế, Harutour đã có đơn gửi TAND tỉnh Lào Cai đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Tạm đình thi hành chỉ quyết định thu hồi đất số 2223/QĐ-UBND ngày 13/7/2016 của UBND tỉnh Lào Cai.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Quang – Giám đốc công ty Luật hợp danh VIP, người đăng ký bảo vệ quyền lợi cho Harutour cho biết: “Khi tòa án tỉnh Lào Cai đang thụ lý vụ doanh nghiệp khởi kiện quyết định thu hồi đất do UBND tỉnh ban hành thì quyết định hành chính này chưa có hiệu lực. Do vậy, chưa thể cưỡng chế thực hiện một quyết định hành chính chưa có đầy đủ hiệu lực pháp luật.
Mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính trước Tòa án theo Luật tố tụng hành chính. Có nhiều quyết định của UBND các cấp ban hành sai quy định, Tòa án tuyên hủy. Trong trường hợp mà UBND các cấp làm sai thì đã có Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định rất rõ về bồi thường, kỷ luật, cách chức. Trong trường hợp công ty Hàm Rồng đang khởi kiện 2 quyết định của UBND tỉnh Lào Cai và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai thì cần chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án tỉnh Lào Cai bằng một bản án có hiệu lực thì mới thực hiện quyết định hành chính”.
Tỉnh cương quyết thu hồi dự án
Trong một diễn biến mới nhất xung quanh vụ việc thu hồi dự án, thu hồi đất KDL sinh thái Hàm Rồng, ngày 8/12, UBND tỉnh UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức họp báo, thông tin chính thức tới các cơ quan thông tấn, báo chí. Ông Nguyễn Hữu Thể – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết lý do thu hồi dự án, thu hồi đất của Harutour quản lý là từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án cho đến nay, Công ty CP DLCS Hàm Rồng đã chậm tiến độ trên 36 tháng.
Thông tin đến báo đài, đại diện chính quyền cho hay, dự án KDL Hàm Rồng được UBND tỉnh Lào Cai cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Harutour từ ngày 2/7/2009 với tổng diện tích dự án là 146,27ha, tổng vốn đầu tư 496,629 tỷ đồng, thời gian thi công hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2012. Đến nay, Harutour đã tiến hành thi công xây dựng một số hạng mục như nâng cấp khách sạn, nhà sàn, mở rộng đường đi bộ, bổ sung thêm một số loài hoa, xây dựng mới sân ngắm cảnh Fansipan, trồng cây xanh…
Đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết, trong trường hợp công ty hợp tác, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ về tài sản trên đất.
Bài, ảnh: Anh Quân
Related posts:
- Cao su Mang Yang thưởng 20 cá nhân xuất sắc trong huấn luyện quân sự
- Đảng ủy Khối DNTW đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Áp giá đền bù đất trồng cao su căn cứ theo suất đầu tư
- 22 công ty tham gia tập huấn quản lý chất lượng cao su
- Cơ khí Cao su duy trì thu nhập cho người lao động ở mức cao
- Lợi ích của doanh nghiệp khi được cấp FSC
- Cao su Sa Thầy tổ chức Hội thao CNVC - LĐ năm 2022
- VRG và Quân khu 7 ngày càng gắn kết bền chặt
- Hoạt động phát triển bền vững VRG năm 2021: Mở rộng phối hợp để đẩy nhanh tiến độ
- Giới thiệu bà Huỳnh Thị Cẩm Hồng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cao su Dầu Tiếng