CSVNO – Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban thường vụ Công đoàn Cao su VN và VRG giai đoạn 2013 – 2018, vào ngày 2/12, lãnh đạo VRG cho biết, trong thời gian tới, VRG sẽ phối hợp với Công đoàn Cao su VN (CĐ CSVN) thực hiện thiết chế văn hóa đặc thù của ngành cao su thông qua việc xây dựng làng công nhân.
Xây dựng làng công nhân là nét đặc trưng của cao su
Tại hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Cao su VN Phan Mạnh Hùng, kiến nghị: “Thực hiện theo quy chế của Tổng Liên đoàn Lao động VN (TLĐ), CĐ CSVN phải giảm 10% chi phí hành chính, 10% chi phí tổ chức phong trào và nộp các khoản này về TLĐ để TLĐ xây dựng thiết chế cho người lao động. Như vậy, mỗi năm CĐ CSVN phải nộp 5 – 7 tỷ đồng về TLĐ. Nếu như chi phí này để xây dựng Làng công nhân, thì không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến người lao động, mà còn thể hiện sự ưu việt của ngành cao su”.
“Mô hình Làng công nhân đã được một số công ty như Đồng Nai, Dầu Tiếng làm rất tốt. Làng công nhân với những thiết chế văn hóa đặc trưng, như: nhà văn hóa, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, sân chơi trẻ em… là một trong những vấn đề được người lao động quan tâm. BTV CĐ CSVN mong muốn lãnh đạo VRG sẽ hỗ trợ trong việc kiến nghị với TLĐ về vấn đề này”, ông Hùng cho biết.
Đánh giá về công tác sau 3 năm thực hiện quy chế phối hợp, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận đánh giá cao vai trò của CĐ CSVN trong việc tham gia quản lý, tham mưu và hiến kế trong việc điều hành các hoạt động SXKD của VRG. Bên cạnh đó, CĐ CSVN có mối quan hệ rất tốt với Tổng Liên đoàn Lao động VN, với hơn 20 Liên đoàn Lao động các tỉnh có cao su trú đóng đã ký kết quy chế phối hợp.
Và đặc biệt, nhờ CĐ mà các chủ trương, chương trình được phổ biến đến người lao động rất tốt. CĐ CSVN đã xây dựng và phát hành tờ tin công đoàn hàng tháng, đến nay đã phát hành 26 số, mỗi số 3.400 tờ, được cấp phát đến tận tổ công đoàn và thông tin đến người lao động. Chính vì vậy, dù có khó khăn nhưng nhờ CĐ tuyên truyền, vận động, người lao động vẫn tin tưởng và gắn bó với đơn vị.
Sau 3 năm thực hiện, hầu hết các nội dung trong quy chế được được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Nổi bật là công tác xã hội, từ thiện cho ngành, cho địa phương trong cả nước với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Từ nguồn quỹ Mái ấm Công đoàn, từ năm 2013 đến nay CĐ CSVN đã chi hơn 5 tỷ đồng để xây tặng 113 căn nhà Mái ấm Công đoàn, sửa chữa 20 căn nhà, hỗ trợ 123 trường hợp bị bệnh hiểm nghèo. CĐ CSVN thực hiện chương trình Ánh sáng Công đoàn với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ nữ
Nhận xét về tình hình thực hiện Thỏa ước lao động tập thể (TƯ LĐTT) trong 3 năm qua, ông Võ Việt Ngân – Phó Chủ tịch Công đoàn Cao su VN, nhận xét: “Năm 2014, VRG là đơn vị thứ hai trên cả nước ký được TƯ LĐTT với hơn 70.000 người lao động (sau Dệt may). Đến nay, đã có 49/58 công ty đã hoàn thành ký kết. Theo như TƯLĐ đã ký, tiền lương CNVC LĐ VRG phải cao hơn lương tối thiểu vùng 5%, thì trong thời gian qua, mặc dù ngành cao su gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị đều đảm bảo mức lương cho người lao động cao hơn 5% so với mức lương tối thiểu theo vùng. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế tồn tại như năm 2016 có 9 đơn vị không tổ chức hội nghị người lao động và không ký TƯ LĐTT”.
Về vấn đề này, ông Võ Sỹ Lực – Chủ tịch HĐTV VRG, cho rằng: “Ban Thanh tra Nhân dân chưa phát huy tốt vai trò của mình nên có 9 đơn vị trong năm qua không tổ chức hội nghị người lao động. Lãnh đạo VRG và CĐ CSVN phải có biện pháp xử lý, không để tình trạng này kéo dài”.
Một vấn đề còn tồn tại được ông Lực đưa ra là công tác quy hoạch cán bộ nữ vẫn chưa đảm bảo được 30% như quy chế đề ra. “Trong thời gian tới Ban Nữ công phải kết hợp chặt chẽ với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ làm rõ và giải quyết vấn đề này. Phải tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất với lãnh đạo hỗ trợ. Và đặc biệt, lãnh đạo các đơn vị phải tham gia trực tiếp vào công tác quy hoạch cán bộ nữ”, ông Lực chỉ đạo.
Tiếp tục nâng chất lượng hoạt động Công đoàn
Trong 3 năm qua, bám sát các chủ trương lớn của lãnh đạo VRG, CĐ CSVN đã ban hành 2 nghị quyết về đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình trong CNVC LĐ và đã được CĐ các cấp triển khai thực hiện, thu được kết quả tốt. Cụ thể như, thực hiện nghị quyết 6a về kinh tế gia đình, hiện nay nhiều đơn vị đã trồng xen cây hoa màu như lúa, khoai, đậu, bắp, gừng, nghệ, chuối…; trồng cây dược liệu, tiêu và cà phê… (Chư Sê, Quảng Nam, Kon Tum). Chăn nuôi gia súc, gia cầm như trâu, bò, heo, gà (Bình Long, Kon Tum, Quảng Nam, Nam Giang Quảng Nam, Bà Rịa). Buôn bán nhỏ lẻ, làm đại lý phân phối sản phẩm (khu vực TP.HCM)…
Từ phong trào này đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động. Điển hình như Cao su Dầu Tiếng, thu nhập bình quân từ kinh tế gia đình là 30,4 triệu đồng/năm; Tân Biên là 5 triệu đồng/vụ… Mặc dù vậy, ông Nguyễn Tiến Đức – Phó TGĐ VRG, cho rằng: “Hiện nay, lao động nghỉ việc ở các đơn vị rất nhiều. Vấn đề này cần có sự phối hợp giải quyết giữa chuyên môn và công đoàn. Chuyên môn thì thay đổi chế độ cạo từ D3, đến D4, D5 và sắp tới có khả năng nếu lao động giảm nữa sẽ chuyển sang chế độ cạo D6. Còn về Công đoàn ngoài việc chăm lo tốt đời sống người lao động, nên tổ chức ngay một cuộc khảo sát tâm tư, nguyện vọng người lao động về tiền lương, chế độ… các biện pháp giữ chân người lao động cần những gì?”
Có truyền thống mạnh về hoạt động Công đoàn trong nhiều năm qua, ông Lê Văn Kim – Chủ tịch Công đoàn Cao su Dầu Tiếng, chia sẻ: “Đã thành nếp từ lâu, cứ một tuần BTV công đoàn họp với lãnh đạo công ty một lần để giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của người lao động. Ví dụ như những tháng lương thấp, CĐ cấp trên đi xuống cơ sở về báo cáo và kiến nghị với lãnh đạo công ty trích quỹ phúc lợi hỗ trợ. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, làm việc trực tiếp hàng tuần nên mọi vướng mắc, kiến nghị của người lao động đều được giải quyết kịp thời”.
Kết luận hội nghị, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cho rằng, trong thời gian tới, CĐ CSVN tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động, tiếp tục hỗ trợ lãnh đạo VRG tuyên truyền các chủ trương lớn trong ngành đến người lao động. “Để kịp thời hỗ trợ thực hiện tốt các nội dung trong quy chế đã ký kết, lãnh đạo VRG và BTV CĐ CSVN bắt đầu từ năm 2017 sẽ họp 6 tháng 1 lần, nhằm giải quyết các đầu việc kịp thời, chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động” – ông Thuận nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Ngọc Cẩm
Related posts:
- Công đoàn Cao su VN thưởng 2 tổ sản xuất Cao su Bình Long
- "Bánh chưng xanh" trên vùng biên giới
- Vinh danh 115 gia đình CNVC LĐ tiêu biểu ngành cao su
- Rộn ràng ngày hội giao lưu văn hóa NT Cẩm Đường, TCT Cao su Đồng Nai
- “Tháng Công nhân” năm 2014: Hơn 9,7 tỷ đồng chăm lo cho CBCNV-LĐ
- Cao su Dầu Tiếng hỗ trợ 5 công nhân bị bệnh hiểm nghèo
- Trao hai căn nhà “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân Cao su Chư Sê
- Nghị quyết 6b lan tỏa sâu rộng trong ngành cao su
- Nữ đủ 50 tuổi làm công việc nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu
- Tháng Công nhân: Cao su Phú Riềng trao 23 danh hiệu Công nhân cao su ưu tú