CSVN – Cùng với sự di nhập và phát triển cây cao su ở VN, người Pháp cũng nghiên cứu và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật cây cao su mà hiện nay chúng ta đều biết.
Cây cao su di nhập thành công vào VN từ năm nào?
Ngay khi mới đặt chân lên đất Nam Kỳ, thực dân Pháp đã nhận thấy ngay những điều kiện khí hậu nhiệt đới và chất đất đỏ, xám của miền Đông Nam Bộ rất thích hợp với cây cao su, nên đã có ý định xây dựng ngành khai thác cao su ở đây từ rất sớm. Đầu tiên là J.B. Louis Pierre – một nhà thực vật học người Pháp, đã khảo sát, điều tra và di nhập nhiều loại cây kinh tế vào nước ta, trong đó có cây cao su. Năm 1877, ông thử nghiệm trồng hạt cao su đầu tiên ở vườn Bách Thảo Sài Gòn (nay là Thảo Cầm Viên Sài Gòn), nhưng không thành công. Phải đến đợt nhập giống quy mô lớn do ông E.Raoul thực hiện vào năm 1897 thì cây cao su mới chính thức thâm nhập vào VN.
Công ty nào thực hiện việc cạo mủ ban đêm trên toàn bộ diện tích cao su?
Vào khoảng năm 1938-1939, Công ty Cao su Tây Ninh thực hiện việc cạo đêm toàn bộ diện tích. Mỗi CN được phát một cái đèn đeo trên trán, đằng sau mang bình đựng khí đá. Nhưng sáng kiến này gây ra nhiều cực khổ cho CN, phải thức dậy sớm khi trời còn lạnh, muỗi ban đêm nhiều vô kể, bệnh sốt rét tăng lên. Công tác kiểm tra cũng bị buông lỏng, các tay xu, cai cũng không hào hứng đi kiểm tra khi còn đang ngái ngủ, nên được vài năm Công ty cao su Tây Ninh bỏ chế độ cạo đêm này.
Người Pháp lập trung tâm nghiên cứu cây cao su đầu tiên ở VN vào năm nào?
Vào năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer đã thành lập hai trung tâm nghiên cứu thí nghiệm ươm giống cây cao su từ hạt tươi. Một ở trạm thực nghiệm Ông Yệm (Bến Cát – Thủ Dầu Một) do E. Raoul, một dược sĩ, chuyên nghiên cứu thực vật chí ở vùng nhiệt đới phụ trách, và một ở Suối Dầu, thuộc viện Pasteur Nha Trang do bác sĩ A. Yersin chăm sóc. Sau đó cây cao su con và hạt cao su cũng đã được gởi đến trồng ở nhiều loại đất khác nhau, ở nhiều nơi như Gò Vấp, Thủ Đức, vườn thực nghiệm ở Huế, ở Tây Nguyên, và tận ngoài miền Bắc… nhưng đa phần cây được trồng đều bị chết vì trồng không đúng đất và khí hậu không thích hợp.
Chế độ cạo mủ S2, D2 (ngày cạo ngày nghỉ) được áp dụng từ thời điểm nào ở Đông Dương?
Từ năm 1914, khi bắt đầu cạo các vườn cây trồng từ năm 1906 – 1907, chế độ cạo được áp dụng là cạo theo hình xương cá, mỗi ngày mỗi cạo (D1), cạo 365 ngày trong năm. Chỉ có một diện tích nhỏ khoảng 200 ha trồng năm 1912- 1914 được thử nghiệm cạo trên ½ vòng, S2, D2 (ngày cạo ngày nghỉ). Sau khoảng 12-15 năm, người ta thấy rõ ảnh hưởng khác nhau giữa 2 chế độ cạo trên. Các lô cạo theo chế độ D1 cây bé hơn, tán hẹp và thưa, còn trên các diện tích cạo theo chế độ D2 thì cây to khỏe, cao và cành lá xum xuê hơn một cách rõ rệt. Bắt đầu từ năm 1922, các đồn điền cao su ở Đông Dương chuyển dần sang chế độ cạo S2, D2.
Chế độ cạo mủ S D4 (cạo nguyên vòng, 4 ngày cạo 1 lần) được áp dụng phổ biến ở VN vào thời điểm nào?
Việc cải tiến công tác cạo mủ trong các đồn điền trở thành mối quan tâm thường xuyên, giới tư bản đồn điền tìm mọi cách để giảm trong giá thành sản xuất mủ cao su. Tháng 3/1931, tại công ty Socfin (Malaysia), ông Francois Gain đã cạo 12 phần cây theo chế độ S D4 và 4 phần cây theo cách cạo đại trà lúc đó là S2 D2. Kết quả cho thấy năng suất tăng 37% trên phần cạo S D4. Năng suất của mỗi công nhân tăng 95%. Chế độ cao nguyên vòng S D4 được áp dụng trong các đồn điền ở Malaysia và được đưa sang VN. Từ năm 1933, Công ty Cao su Đất Đỏ thử nghiệm cạo S D4, và năm 1936 chế độ cạo S D4 được áp dụng cho tất cả các loại cây thực sinh. Đến năm 1940, chế độ cạo S D4 được phổ biến trong các đồn điền ở Đông Dương.
Phương pháp ghép cao su ở VN bắt đầu thực hiện vào thời điểm nào?
Việc ghép cây cao su được đưa ra từ năm 1916, nhưng ở Đông Dương giới tư bản cao su Pháp còn mất nhiều thời gian để cân nhắc. Bắt đầu từ năm 1925, ông Stible – Giám đốc Đồn điền Xa Trạch đã cắt mắt ghép trên các cây cao sản của đồn điền và tiến hành ghép và trồng trên diện tích 25 ha. Năm 1935, vườn cây này được đưa vào cạo mủ, cho năng suất từ 727 đến 948 kg/ha, cao hơn các cây thực sinh lúc bấy giờ.
P.V (tổng hợp)
Related posts:
- Máy đa năng 5 trong 1
- Cảnh báo bệnh rụng lá Pestalotionpsis trên vườn cây cao su
- Tập huấn sản xuất tái canh cao su chu kỳ II tại Campuchia
- Nông nghiệp khô héo vì El Nino
- "Ngành nông nghiệp thắng lớn"
- Hiệu quả áp dụng cơ giới hóa
- Quy chế Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIV - năm 2024
- Tác động của biến đổi khí hậu đến dịch hại trên cây cao su
- Trồng cao su theo hàng kép
- Trồng mới, tái canh đảm bảo đúng thời vụ