CSVN – Cuốn sách “Phú Riềng Đỏ” ghi lại tình cảnh và cuộc đấu tranh của công nhân Đồn điền Cao su Phú Riềng rất đáng xem. “Phú Riềng Đỏ” được Nhà xuất bản Lao Động xuất bản năm 1965, tái bản 1971 và Đại học Ohio, Mỹ tái bản với tựa đề “THE RED EARTH”, năm 1985. Tác giả của cuốn sách này là Trần Tử Bình (1907 – 1967), người lãnh đạo 5.000 công nhân Đồn điền Cao su Phú Riềng đình công, gây chấn động trong nước và nước Pháp.
Thủ lĩnh “Phú Riềng Đỏ”
Trần Tử Bình tên thật là Phạm Văn Phu, sinh năm 1907, trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo Thiên chúa, tại xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Biệt danh khi hoạt động Trần Tử Bình của ông có nghĩa “sống phong trần, lãng tử, dám xả thân vì chính nghĩa, bình đẳng”.
Vì tham gia phong trào yêu nước, vận động giáo sinh ở Chủng viện Hoàng Nguyên (giáo phận Hà Đông) để tang cụ Phan Chu Trinh nên cuối năm 1926 ông bị đuổi học. Năm 1927, ông ký hợp đồng vào Nam Bộ làm phu Đồn điền Cao su Phú Riềng. Tại Phú Riềng, ông được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.
Tháng 10/1929, ông là Đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng tại Chi bộ Phú Riềng. Cuối năm 1929, Trần Tử Bình làm Bí thư Chi bộ. Đầu năm 1930, Chi bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi quyền sống của 5.000 công nhân Phú Riềng, làm nên phong trào “Phú Riềng Đỏ” lịch sử.
Sau đó, ông bị bắt, bị kết án 10 năm tù, bị đày ra Côn Đảo. Sau Cách mạng tháng Tám, Trần Tử Bình được cử làm chỉ huy mặt trận Đường số 2 – Sông Lô, đập tan một trong hai gọng kìm của quân Pháp tiến quân lên Việt Bắc hòng bắt giữ cơ quan đầu não kháng chiến.
Với những thành tích và chiến công lập được, ngày 20/1/1948, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 112/SL phong hàm Thiếu tướng và trở thành một trong số 11 vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và đến năm 2001, Thiếu tướng Trần Tử Bình đã được Đảng và Nhà nước ta truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Giám đốc đồn điền như vua con!
Cuốn sách “Phú Riềng Đỏ” mô tả trong một đồn điền cao su, giám đốc được mô tả như một ông vua con. Ông ta là người quy định những quy tắc làm việc buộc mọi người phải răm rắp tuân theo nếu không muốn bị xử phạt.
Đồn điền của ông ta là một kim tự tháp tôn ti trật tự: trên chóp là giám đốc đồn điền, dưới là phụ tá giám đốc, là thầy xu, thầy cai, dưới cai là tầng lớp công nhân. Là một cơ sở hành chính khép kín, trong đó giám đốc có mọi thứ quyền, cả quyền bắt giam công nhân và đánh đập họ. Có đồn điền còn có nhà giam tội phạm riêng. Đồn điền nào cũng có lính canh gác ngày đêm.
Với những quy định, luật lệ và một ông giám đốc đầy quyền lực, đồn điền là một quốc gia trong một quốc gia. Người ta sợ vì trong tay ông ta có lính tráng, tiền bạc. Sau lưng là các ngân hàng, chủ tỉnh người Pháp và một số quan chức Pháp như chánh sở cảnh sát, quan biện lý, quan chánh án… chống lưng.
PV (st)
Related posts:
- Triển khai sớm, đồng bộ và chặt chẽ chuỗi sự kiện 85 năm
- Tổng kết
- Khai mạc Hội diễn nghệ thuật VRG Khu vực I
- Chuyện làm dân vận ở Nông trường K’dang
- Triển lãm ảnh nghệ thuật Couleurs d'Asie
- Những cây cao su đầu tiên tại Thảo Cầm Viên - Sài Gòn
- Virus Corona: Làm gì để “quẳng nỗi lo” dịch bệnh đi mà vui sống?
- Cao su Mang Yang: 250 thiếu nhi tham gia đêm hội trăng rằm
- Đa chiều cuộc sống của những người làm báo
- Thầy Park có trò "ngoan"