Sinh động “Sắc màu trên đất cao su”

CSVN – Sau 3 lần tổ chức thành công cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật “Ánh sáng từ dòng vàng trắng”, năm 2016, Tạp chí Cao su VN tiếp tục tổ chức cuộc thi ảnh báo chí nghệ thuật lần IV với chủ đề: “Sắc màu trên đất cao su”. Chủ đề cuộc thi lần này gắn với một chủ trương lớn mới được Ban lãnh đạo VRG ban hành: Tăng cường trồng xen canh các loại cây trồng trên đất cao su nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Tác phẩm đoạt giải nhất của tác giả Nguyễn Văn Sẵng.
Tác phẩm đoạt giải nhất của tác giả Nguyễn Văn Sẵng.
73 tác giả gửi 503 ảnh dự thi

Cuộc thi phát động từ ngày 15/3 đến ngày 20/9/2016. Sau 6 tháng phát động, BTC đã nhận được tổng cộng 503 ảnh dự thi của 73 tác giả. Ngày 26/9/2016, đã diễn ra buổi chấm thi sơ khảo cuộc thi. Từ 503 ảnh của 73 tác giả, qua sự chấm thi kỹ lưỡng, BGK sơ khảo đã chọn được 96 ảnh của 42 tác giả lọt vào vòng chung khảo.

Vòng chấm chung khảo tổ chức vào chiều ngày 12/10 tại Tòa soạn Tạp chí Cao su VN. 96 ảnh lọt vào vòng chung khảo là những tác phẩm đảm bảo được 3 tiêu chí: đạt chất lượng nghệ thuật, bám sát chủ đề cuộc thi, nội dung tác phẩm không vi phạm các quy định của ngành.

BGK “cầm cân nảy mực” vòng chấm thi chung khảo gồm giám khảo chuyên ngành cao su và giám khảo chuyên môn là những nghệ sĩ nhiếp ảnh uy tín, chuyên nghiệp của Hội Nhiếp ảnh TP.HCM. Ngoài ra, BTC còn thông báo đến toàn thể các tác giả có điều kiện đến tham gia, quan sát buổi chấm giải.

Vòng chấm thi chung khảo trải qua 3 lượt chấm rất chặt chẽ, kỹ lưỡng và khách quan. BGK đã có những đánh giá, nhận xét cụ thể đối với từng nhóm ảnh, từng bức ảnh. Có nhiều tấm ảnh được đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng vi phạm những yêu cầu, quy định của ngành nên bị giám khảo chuyên ngành “bắt giò” và bị loại.

Qua từng vòng chấm thi khá gay cấn và hồi hộp, cuối cùng BGK cũng chọn ra 11 bức ảnh tốt nhất lọt vào vòng chấm giải. Ở vòng chấm này, mỗi giám khảo đều có những đánh giá riêng, có sự so sánh và cân nhắc kỹ khi quyết định bỏ phiếu. Mỗi giám khảo tự đề cử tác phẩm đạt giải nhất, giải nhì, giải ba và giải khuyến khích. Sau đó là phần tranh luận, phản biện rất sôi nổi và thẳng thắn của BGK trước khi tiến hành bỏ phiếu kín. Một điều hết sức thú vị là 11 tác phẩm đoạt giải cuộc thi năm nay chia đều cho 11 tác giả khác nhau.

Sinh động “Sắc màu trên đất cao su”

Trải qua 4 lần tổ chức, cuộc thi ảnh “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” đã trở thành một sân chơi quen thuộc của các nghệ sĩ nhiếp ảnh và những ai quan tâm đến cuộc thi, đến ngành cao su. Theo các nghệ sĩ, để chụp ảnh đẹp mang tính miêu tả cảnh sắc của ngành cao su không khó, nhưng để có bức ảnh vừa đẹp về nghệ thuật, vừa đảm bảo đúng yêu cầu, quy định của ngành về mặt kỹ thuật khai thác, chất lượng vườn cây, đảm bảo nội quy và an toàn vệ sinh lao động… là không hề đơn giản.

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Kết quả cuộc thi”]1 giải nhất (trị giá 5 triệu đồng + Giấy chứng nhận): Trồng xen canh (Nguyễn Văn Sẳng).
2  giải nhì (3 triệu đồng/giải+Giấy chứng nhận): Cao su mùa thu hoạch (Kiều Tân) và  Công nhân mùa cạo mủ  (Ngô Công Hoàng).
3  giải ba (2 triệu đồng/giải+Giấy chứng nhận): Ươm mầm xanh  (Bùi Thái Dũng),   Giờ vận động  (Trần Khánh Hưng), Ánh sáng nguồn vàng trắng  (Nguyễn Duy Hậu).
5  giải khuyến khích (1 triệu đồng/giải + Giấy chứng nhận): Mùa thu hoạch  (Trần Hữu Cường), Niềm vui thu hoạch chuối trồng xen canh (Phan Bình Nguyên), Thổi lá (Phạm Minh Giảng), Du Xuân Tây Nguyên (Phạm Huy Đằng), Ong vàng chăm chỉ  (Đặng Đề).
Có 49 tác phẩm được BTC chọn tham gia triển lãm tại Lễ kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống ngành cao su VN 28/10, mỗi ảnh được trả nhuận ảnh 300.000 đồng.[/stextbox]

Bởi vậy, cuộc thi nào BTC cũng mời giám khảo chuyên ngành tham gia để thẩm định kỹ các quy định của ngành. Kết quả là có không ít tác phẩm dù được giám khảo chuyên môn đánh giá cao về nghệ thuật nhiếp ảnh, nhưng vẫn bị giám khảo chuyên ngành loại do vi phạm các quy định của ngành.

Tác phẩm đoạt giải nhì của tác giả Ngô Công Hoàng.
Tác phẩm đoạt giải nhì của tác giả Ngô Công Hoàng.

Riêng chủ đề “Sắc màu trên đất cao su” của cuộc thi năm nay gắn với một chủ trương lớn của VRG, là công tác trồng xen trên đất cao su nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất. Theo nhiều tác giả, đây là chủ đề rất mới nên họ chưa kịp tìm hiểu sâu để biết ở đâu, trồng cây gì để đi thực tế sáng tác. Bởi vậy, trong tổng số 503 ảnh gửi dự thi, số lượng ảnh phản ánh về chủ đề trồng xen chỉ chiếm gần 50% lượng ảnh. Lượng tác phẩm còn lại vẫn tập trung vào chủ đề khai thác, vườn cây mùa lá rụng, chế biến, công nghiệp cao su, nét đẹp trong lao động sản xuất và đời thường của công nhân cao su…

Ngành cao su luôn cuốn hút nghệ sĩ nhiếp ảnh

Bà Hồ Thị Tú Anh –TBT Tạp chí Cao su VN, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi, đánh giá: Bên cạnh những tác phẩm đẹp về ngành cao su, việc một số tác giả gửi những tác phẩm phản ánh đúng chủ đề cuộc thi năm nay là công tác trồng xen canh trên vườn cây cao su, chứng tỏ các tác giả rất quan tâm đến cuộc thi nói riêng và ngành cao su nói chung”.

Trong khi đó, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, nhận xét: “Chủ đề năm nay là “Sắc màu trên đất cao su”, tác giả ngoài ngành rất khó để sáng tác, tuy nhiên vẫn có nhiều ảnh đẹp, phảng phất nghệ thuật xen lẫn báo chí. Trong thời gian ngắn như vậy nhưng có 503 tác phẩm của 73 tác giả tham gia dự thi, tôi nghĩ cuộc thi đã thành công. Các tác phẩm phản ánh sinh động nét đặc thù và đa dạng của ngành cao su. Các tác phẩm qua vòng sơ khảo để vào chấm chung khảo có chất lượng khá tốt về nghệ thuật và nội dung”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân – Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, chia sẻ: “Tác phẩm dự thi thể hiện rõ nét các mặt của ngành cao su. Điều tôi ấn tượng nhất đó là trong tình hình khó khăn, giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay nhưng qua những tác phẩm vẫn thấy được sự hào hứng, khí thế của công nhân, không khí làm việc tại các nông trường, nhà máy rất nhộn nhịp, tươi vui. Chính điều này đã tạo được sự hưng phấn, thi đua lao động sản xuất và sự gắn bó với ngành với nghề.

Minh Nhiên-P.L