CSVN – Những ngày đầu tháng 10, trên các lô, đồi cao su ở xã Mường Pồn, Thanh Nưa (huyện Điện Biên), hàng trăm CN của Công ty CPCS Điện Biên đang miệt mài cạo mủ. Trong những chén mủ màu nâu sồng ấy ăm ắp nhựa trắng. Khó để diễn tả hết sự phấn khởi, niềm tin và chút hiếu kỳ của người dân vùng dự án khi tận mắt chứng kiến “vàng trắng” tuôn chảy.
Xóa tan hoài nghi
Có mặt tại lô cao su hơn 6ha tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên thuộc Đội sản xuất số 2, Nông trường (NT) Điện Biên, Công ty CPCS Điện Biên, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc tích cực, khẩn trương của hơn 20 cán bộ kỹ thuật, công nhân (CN) đang hối hả làm việc.
Người thiết kế miệng cạo, người chuẩn bị chén mủ… nhóm CN vài ba người đang chăm chú nghe cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ. Cũng bởi là năm đầu đưa vào khai thác mủ nên với CN đặc biệt CN là đồng bào dân tộc thiểu số còn chút bỡ ngỡ vì cạo mủ cao su là nghề mới. Vì thế mà ai ai cũng háo hức, hồi hộp khi đưa dao mở những đường cạo đầu tiên.
Dáng người nhỏ thó, tay nhanh thoăn thoắt thiết kế miệng cạo, chị Cà Thị Phương, bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn cho biết: “Trước đây mình chỉ ở nhà làm nương nhưng quanh năm thiếu đói, con lớn đến tuổi đi học, cuộc sống càng khó khăn. Hơn 5 năm trước mình quyết định xin vào làm CN cao su để có việc làm, tăng thu nhập. Lúc ấy, không ít người trong bản đều cho rằng cao su là cây trồng ở miền Nam đưa ra miền Bắc thì lấy đâu ra mủ, và rằng góp đất trồng cao su rồi lấy đâu diện tích trồng cây lúa, cây ngô. Tuy nhiên, được sự động viên của. cán bộ xã, huyện và cán bộ Công ty CPCS Điện Biên sau những buổi tuyên truyền, giải thích, mình tin rằng cao su sẽ có mủ, sẽ giúp đồng bào mình thay đổi cuộc sống vốn dĩ đã quá đỗi khó khăn”.
Rồi niềm tin ấy thành hiện thực sau hơn 8 năm cao su “bén rễ”, khi cả rừng cao su bạt ngàn một màu xanh ngát trải dài khắp trên đồi dưới thung đã đến ngày đưa vào khai thác mủ. Lần đầu tiên trong đời nhìn dòng nhựa trắng tuôn chảy, bà con trong bản vô cùng ngạc nhiên. Và đến nay hơn chục hộ trong bản đã đến đăng ký xin học nghề khai thác mủ cao su. Với hơn 4ha đất góp trồng cao su, chị Phương tin rằng sang năm 2017 – khi diện tích đó đưa vào khai thác mủ, gia đình sẽ có thêm khoản tiền mà công ty CPCS Điện Biên chia theo như ký kết, cuộc sống sẽ ngày càng ấm no.
Đời sống sẽ ổn định hơn
Vào làm CN từ ngày đầu dự án trồng cao su triển khai ở Điện Biên, vợ chồng chị Lò Thị Tươi – anh Quàng Văn Chiến, bản Cò Chạy, xã Mường Pồn vẫn chưa quên những ngày đào hố đặt những bầu cao su đầu tiên. Thấm thoắt đã 8 năm, gắn bó với cây cao su từ việc trồng, chăm sóc, làm cỏ… chứng kiến cây cao su phát triển từng ngày xanh tốt, niềm tin trong anh chị càng được củng cố và lớn dần theo tháng năm.
Sau những tháng ngày vun trồng, chăm sóc, vườn cây đã đến ngày “hái quả” khi nhiều lô cao su anh chị miệt mài đã được đưa vào mở cạo. Chị Lò Thị Tươi cho biết:“Học nghề cạo mủ cao su không khó, chỉ cần tập trung và cẩn thận trong mỗi đường cạo mà thôi. Trước đây, khi cao su chưa đưa vào khai thác mủ, làm CN cao su, mỗi tháng vợ chồng mình được gần 6 triệu đồng tiền lương, tiết kiệm để làm nhà, mua sắm vật dụng sinh hoạt, đầu tư cho con cái học hành. Giờ cao su đưa vào cạo mủ, có thêm việc làm, mình tin rằng nếu chăm chỉ làm việc, nâng cao tay nghề cạo, nhất định thu nhập sẽ cao hơn”.
Ông Phan Văn Lợi, TGĐ Công ty CPCS Điện Biên cho biết: Trong năm 2016, Công ty đưa 42,59ha cao su trồng tại xã Thanh Nưa, Mường Pồn vào khai thác mủ. Đây là những vườn cây trồng năm 2008 giống PB260 có độ đồng đều cao, đường vanh thân đảm bảo theo các tiêu chí đưa vào khai thác của VRG. Trong điều kiện giá mủ cao su chưa có dấu hiệu phục hồi, việc lựa chọn cạo mủ cao su từ D2 sang D3, D4 sẽ giúp tiết kiệm chi phí nhân công, nâng cao năng suất lao động cho CN.
Trước mắt, diện tích cao su khai thác trong năm 2016 sẽ xuất bán mủ tươi và việc xây dựng nhà máy chế biến sẽ chính thức khởi công vào năm 2017. Trước tình trạng giá mủ cao su giảm, ông Phan Văn Lợi đề nghị tỉnh Điện Biên có chính sách hỗ trợ đầu tư nhằm giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu để công ty xây dựng nhà máy; tạo điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Và theo lộ trình, năm 2017, Công ty sẽ đưa gần 600ha vào khai thác mủ cao su. Để thuận lợi cho việc khai thác mủ, ngoài việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ, công ty chú trọng việc đào tạo, tập huấn kỹ thuật khai thác mủ cao su cho CN và người dân vùng dự án. Với việc chuẩn bị các điều kiện đầy đủ ngay từ những năm đầu mở cạo, tay nghề cạo mủ của CN chắc chắn sẽ ngày càng được nâng cao, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng dự án.
Bài, ảnh: Gia Kiệt
Related posts:
- 40 học viên tham gia lớp chuyên viên chính
- Cao su Tây Ninh thăm và hỗ trợ các chốt phòng chống dịch
- Xây dựng kịch bản cụ thể, ổn định sản xuất, việc làm, đời sống người lao động
- Kon Tum:Tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nông trường cao su
- Cao su Chư Sê: Trao thưởng hoàn thành kế hoạch gia công cho xí nghiệp chế biến
- Cao su Hòa Bình: Gãy đổ 10 ngàn cây cao su do ảnh hưởng bão số 9
- 28 tiết mục tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng Cao su Mang Yang
- Quyết liệt phòng, chống dịch Covid – 19 và đón Tết Tân Sửu an toàn, tiết kiệm
- Giải pháp tiêu thụ cao su phía Bắc và Campuchia
- Cao su Mang Yang: Năm 2015 khai thác đạt 124% kế hoạch