Sáng lên niềm tin

CSVN – Sự kiện VRG tổ chức mở miệng cạo mủ cao su miền núi phía Bắc (MNPB) minh chứng khẳng định chủ trương phát triển cao su tại đây là đúng đắn, góp phần làm thay đổi màu áo mới trên vùng cao, màu của sự ấm no, của niềm tin về cuộc sống ổn định.
Cây cao su ở Điện Biên đã cho mủ. Ảnh: Minh Thùy
Cây cao su ở Điện Biên đã cho mủ. Ảnh: Minh Thùy
Niềm tin về sự đổi thay nơi vùng đất khó

Đến nay, các công ty tại MNPB đã trồng được 28.622 ha cao su, với tổng số vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Ít ai ngờ sau 8 năm, cao su đã mang lại hình hài mới nơi vùng cao, tốc độ phủ xanh đất trống đồi trọc ngày càng nhanh. Bà con trước đây chỉ quen với việc trồng ngô, hoa màu, nuôi gia súc gia cầm thì nay đã quen dần với việc trồng, chăm sóc và tới đây là khai thác mủ cao su. Hầu hết, CN trực tiếp trên vườn cây đều là người đồng bào dân tộc tại chỗ.

Ông Hứa Ngọc Hiệp – Phó TGĐ VRG cho biết: “Cao su đã định hình ở vùng MNPB như ngày hôm nay là nhờ sự quyết tâm của lãnh đạo VRG và công sức, tâm huyết của CBCNV – LĐ các đơn vị. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi rất kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của cao su, sẽ là cây công nghiệp đem lại nhiều hiệu quả trong việc giúp bà con thoát nghèo, và xa hơn nữa là khi đi vào khai thác, giá mủ tốt lên thì bà con có thể làm giàu từ cao su. Khi đó, VRG sẽ đóng vai trò bà đỡ, hỗ trợ đồng bào về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác, tiêu thụ sản phẩm”.

Ông Hiệp cho biết thêm: “Để chuẩn bị cho việc khai thác mủ, thời gian vừa qua các công ty đã tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ thuật cho CN. Sự kiện này là điều trông đợi của bà con sau một thời gian dài, cao su vào thời kỳ khai thác thu nhập của bà con sẽ được ổn định hơn. Bên cạnh đó, lễ mở miệng cạo MNPB cũng là câu trả lời cho những hoài nghi về hiệu quả của việc phát triển cao su tại MNPB”.

Việc phát triển cây cao su ra MNPB gặp nhiều khó khăn so với các vùng khác. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ, tin tưởng của chính quyền địa phương và người dân mà có thành quả đầu tiên như hôm nay. Bà Phạm Thị Hà – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, cho biết: “Cao su là cây công nghiệp rất mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì vậy lần đầu tiên người dân tiếp nhận và chăm sóc rất bỡ ngỡ. Sau trận rét lịch sử năm 2010 bà con địa phương cũng hoài nghi về lợi ích của cây cao su. Nhưng nhìn những kết quả gần đây, việc phát triển cây cao su của VRG nói chung và Hà Giang nói riêng đã dần lấy lại niềm tin bước đầu của bà con.

Vườn cây được chăm sóc đúng kỹ thuật, sinh trưởng tốt hứa hẹn một kết quả khả quan. Tôi tin rằng sự nỗ lực của Công ty CPCS Hà Giang và sự cố gắng của CN sẽ đem lại những trái ngọt, đời sống người công nhân dần ổn định, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi vùng cao”.

Thiết kế miệng cạo chuẩn bị khai thác cao su tại Công ty CPCS Điện Biên. Ảnh: Minh Thùy
Thiết kế miệng cạo chuẩn bị khai thác cao su tại Công ty CPCS Điện Biên. Ảnh: Minh Thùy

Ông Hoàng Xuân Nguyên – nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái, đánh giá: “Không chỉ riêng tôi mà lãnh đạo và người dân địa phương rất ấn tượng trước những thành tích mà Công ty CPCS Yên Bái đạt được. Trước đây, tại các tỉnh miền núi phía Bắc rất ít người biết đến cây cao su, thậm chí nhiều lãnh đạo còn chưa từng nhìn thấy cây cao su.

Tuy nhiên qua một thời gian, VRG đã đưa cây cao su ra vùng miền núi phía Bắc và cho đến thời điểm hiện nay, dù vẫn có nhiều người nghi ngờ về lợi ích kinh tế của cao su nhưng vẫn trụ vững. Điều đó minh chứng cho việc phát triển cây cao su ở miền núi phía Bắc là chủ trương đúng giúp xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Mức thu nhập bình quân của CN cao su tuy không cao trong lao động thuần túy, nhưng cao so với mức lương nông nghiệp tại tỉnh Yên Bái, đây là điều lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá cao”.

Chăm lo đời sống CNLĐ, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội

Đúng như mục tiêu ban đầu đề ra, các dự án cao su đi đến đâu là có sự đổi thay đến đó về cơ sở hạ tầng, đường sá, trường học. Ngoài việc thu nhận đồng bào góp đất vào làm CN, tạo việc làm cho người dân bản địa, các đơn vị còn quan tâm tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế gia đình, tích cực đóng góp các chương trình an sinh xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an ninh quốc phòng.

Ông Trương Xuân Cừ – Phó Trưởng Ban phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc, nhận định: “Trong thời gian qua, VRG đã mở rộng diện tích cao su tại Tây Bắc và có sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của vùng, của đồng bào địa phương. VRG đã xây dựng được niềm tin đối với bà con, đồng thời khẳng định phát triển cao su ở Tây Bắc là chủ trương đúng đắn, hiệu quả. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Ban Chỉ đạo Tây Bắc rất ủng hộ VRG”.

Những năm qua, Công ty CPCS Sơn La đã cho 1.201 hộ ứng gần 6,8 tỷ đồng mua 1.201 con bò giống nuôi nhốt chuồng và trồng cỏ, diện tích trồng xen 2.653 ha, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các bản trồng cao su. Hiện nay, Công ty CPCS Yên Bái có hơn 400 CBCNV – LĐ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,8%, công ty đã thực hiện tốt các chế độ chính sách cho NLĐ như BHXH, BHTN, trang cấp đầy đủ bảo hộ lao động.

Bà con đồng bào dân tộc Lai Châu khai thác cao su. Ảnh: Tùng Phương.
Bà con đồng bào dân tộc Lai Châu khai thác cao su. Ảnh: Tùng Phương.

Ngoài việc đảm bảo các chế độ chính sách cho NLĐ, Công ty CPCS Hà Giang tích cực chăm lo đời sống CN, đẩy mạnh phong trào tình thương, tình nghĩa, giúp nhau khi có hoạn nạn khó khăn, làm tốt chương trình Quỹ Mái ấm Công đoàn để giúp đỡ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Trong 5 năm qua, công ty đã xây dựng và trao tặng 6 nhà “Mái ấm Công đoàn” với số tiền 180 triệu đồng, cấp bảo hộ lao động và đóng BHXH cho CBCNV trên 6,5 tỷ đồng. Công tác an sinh xã hội tại địa phương cũng được công ty tích cực tham gia, như hỗ trợ xã Tiên Yên 200 triệu đồng làm đường dân sinh, hỗ trợ cho ngân hàng bò huyện Bắc Quang 20 triệu đồng

Năm 2015, thu nhập bình quân của Công ty CPCS Lai Châu đạt trên 18 triệu đồng/người/năm. Công ty ký hợp đồng dài hạn với 1.476 người, dân tộc thiểu số chiếm 90,6%, trang cấp bảo hộ lao động với kinh phí 822 triệu đồng, đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm với kinh phí 9,6 tỷ đồng.

Đối với Công ty CPCS Lai Châu II, mặc dù địa bàn trải dài 200km trên 4 huyện, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nhưng công ty luôn thực hiện đầy đủ các chế độ cho CNLĐ, cùng với các đơn vị khác thuộc VRG tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Xây dựng 2 điểm trường mầm non, và 1 điểm y tế để cho con em CB.CNVC-LĐ được học hành và kiểm tra sức khỏe cho người lao động trong toàn công ty.

Công ty CPCS Điện Biên đã triển khai thực hiện công tác từ thiện xã hội như: Ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai bão lụt, phong trào tấm lưới nghĩa tình, ủng hộ quỹ vì người nghèo, ủng hộ gia đình CN có hoàn cảnh khó khăn… Những hoạt động từ thiện này được 100% CBCNV công ty hưởng ứng nhiệt tình và tự nguyện tham gia. Tổng số tiền chi cho công tác an sinh xã hội trong 5 năm gần 1,5 tỷ đồng.

Minh Nhiên