CSVN – Trên diện tích rừng nghèo và đồi núi trọc, đồng bào các dân tộc huyện Mường Tè – tỉnh Lai Châu đã và đang đưa cây cao su vào trồng với hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Mầm xanh của cây cao su bắt đầu vươn mình trước nắng gió khắc nghiệt, mở ra hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng nơi thượn g nguồn sông Đà.
Chúng tôi vượt hơn 30km từ thị trấn Mường Tè đến với Đội Cao su Nậm Khao – Công ty CPCS Lai Châu II (đặt tại xã Nậm Khao, huyện Mường Tè) để hiểu thêm về công việc của những người đưa mầm xanh loại cây công nghiệp mới trên vùng đất nơi đây.
Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi cao su mới hơn một năm tuổi, ông Phan Thanh Biện – Phó TGĐ công ty chia sẻ: “Đến thời điểm này, công ty đã trồng mới được gần 5 nghìn ha cây cao su trên địa bàn 4 huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Mường Tè, tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định. Các xã vùng cao huyện Mường Tè cũng là nơi công ty hướng đến để đưa cây cao su vào trồng nhằm tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào”.
Được biết, từ năm 2014 – 2015, Đội Nậm Khao đã trồng và chăm sóc gần 320ha cây cao su. Cây cao su ở Nậm Khao rất thích nghi, phát triển rất tốt với chiều cao hơn 2m. Mặc dù phải thực hiện phát triển cây cao su tại địa bàn xa và khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu, nhưng nhờ nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, nên các cây đều có tỷ lệ sống trên 90%.
Hiện nay, Đội có khoảng hơn 30 người, đa số đều là đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Chúng tôi dừng chân tại lô 14, nơi cây cao su mới được trồng. Hình ảnh những cây cao su xanh tốt, cao quá đầu người, giúp chúng tôi cảm nhận được sự phù hợp của loại cây công nghiệp mới trên mảnh đất này.
Chị Khoàng Thị Yêu – công nhân Đội Cao su Nậm Khao tâm sự: “Tôi là dân tộc Cống ở bản Nậm Pục, xã Nậm Khao. Gia đình thuộc diện di dân tái định cư phục vụ cho việc xây dựng Thủy điện Lai Châu. Về bản mới, tôi được nhận vào làm công nhân tại Đội Cao su Nậm Khao với mức lương từ 2,5 – 3 triệu đồng. Lương của tôi có thể lo đủ sinh hoạt cho 4 nhân khẩu trong gia đình. Gần hai năm gắn bó với cây cao su, chứng kiến cây cao su phát triển, mong rằng sau này cây cao su sẽ tạo công ăn việc làm cho bà con, an tâm ở nơi ở mới”.
Câu chuyện với anh Khoàng Văn Đoàn – ở bản Nậm Khao, xã Nậm Khao giúp chúng tôi hiểu thêm về niềm tin và sự ủng hộ của đồng bào nơi đây với sự phát triển của cây cao su. Anh Đoàn chia sẻ: “Gia đình chuyển đến điểm tái định cư Nậm Khao theo chương trình di dân tái định cư Thủy điện Lai Châu. Thực hiện chương trình phát triển cây cao su, gia đình đã góp toàn bộ mảnh nương để thực hiện trồng cao su. Mình được nhận vào làm công nhân tại đội sản xuất cao su và ngoài mức lương được hưởng theo quy định gia đình còn được Đội tạo điều kiện cũng như hướng dẫn cách trồng xen canh lúa nương, khoai sọ vào vườn cao su. Nhờ thu hoạch lúa, khoai và mức lương được hưởng, cuộc sống của gia đình cũng ổn định hơn”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Thạch – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: “Chương trình phát triển cây cao su là một trong những chủ trương lớn của tỉnh nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế dọc sông Đà gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội vùng tái định cư dự án Thủy điện Sơn La, Lai Châu. Cùng với đó, sự phát triển của cây cao su sẽ tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện hiệu quả công tác sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn huyện, đặc biệt là với đồng bào các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ. Bên cạnh đó, cây cao su còn thực sự góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, giữ đất, giữ rừng bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ”.
Sau 5 – 6 năm nữa, cây cao su cho mủ và sẽ cần nhiều công nhân đảm bảo các phần việc chăm sóc, thu hoạch. Đây là cơ hội để người nông dân trên địa bàn huyện Mường Tè trở thành công nhân chính thức của công ty, có việc làm và thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo bền vững nơi vùng biên cương.
Bài, ảnh: Phương Ly
Related posts:
- Nhiều phần quà ý nghĩa được Cao su Mang Yang trao tặng trong lễ phát động Tháng công nhân
- Cao su Phú Riềng chuẩn bị chu đáo trường thi
- Geru Star trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng
- Cao su Chư Sê Kampong Thom phấn đấu vượt sản lượng từ 10% trở lên
- Đội thi Cao su Phú Riềng: "Bản lĩnh và chất lượng duy trì tốt như các lần trước"
- Cao su Chư Păh ký kết quy ước phối hợp với địa phương
- Cao su Lai Châu: Đảm bảo an sinh - Nền tảng phát triển bền vững
- Tiền lương bình quân VRG Bảo Lộc đạt 27 triệu đồng/người/tháng
- Đảng bộ Cao su Bà Rịa: Lãnh đạo công ty phát triển ổn định, vững mạnh
- Cao su Kon Tum: tiến tới tinh gọn, hiệu quả