Lai Châu: Vàng trắng khơi dòng

CSVN – Ngày 17/10/2016 đánh dấu một cộc mốc quan trọng đối với nhân dân, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu, khi VRG phối hợp với tỉnh tổ chức Lễ mở miệng cạo mủ cao su, cho thấy loại cây công nghiệp có thể thích nghi, bén rễ, cho nhựa trên vùng đất biên cương Tổ quốc.
Lãnh đạo VRG, tỉnh Lai Châu và công ty kiểm tra vườn cây mở miệng cạo. Ảnh: P.L
Lãnh đạo VRG, tỉnh Lai Châu và công ty kiểm tra vườn cây mở miệng cạo. Ảnh: P.L
Cao su phủ khắp sườn đồi

Hơn 8 năm trôi qua từ khi cây cao su được “hạ sơn” trồng trên các địa bàn tỉnh Lai Châu nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung, biết bao giọt mồ hôi, công sức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc góp sức cho dòng nhựa trắng tuôn chảy. Trồng và phát triển cây cao su là một chủ trương lớn của Chính phủ, tỉnh Lai Châu nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số.

Từ thành phố Lai Châu vượt hơn 40km đường nhựa phẳng lỳ, chúng tôi về với Nông trường (NT) Lùng Thàng, xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ –địa điểm được lãnh đạo tỉnh và VRG tổ chức lễ mở miệng cạo mủ cao su. Điều dễ dàng nhận ra khi đặt chân đến nơi đây là những cây cao su xanh tốt đang phủ khắp các sườn đồi, cây nào cũng xanh rờn căng nhựa sống. Đến nay, màu xanh cao su đang dần thay thế cỏ hoang, lau lách, rừng sản xuất kém hiệu quả với đường đồng mức uốn lượn chạy quanh núi đồi.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn công nhân người đồng bào cạo mủ cao su
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn công nhân người đồng bào cạo mủ cao su

Trên các sườn đồi, hàng trăm công nhân (CN), nhân dân các dân tộc địa phương đang dọn thực bì, chăm sóc cây cao su. Cũng bắt đầu từ tháng 8/2016, theo sự chỉ đạo của Công ty CPCS Lai Châu, NT Lùng Thàng và Nậm Cuổi đã tiến hành cho CN bắt đầu khai thác những dòng “vàng trắng” đầu tiên. Theo đánh giá bước đầu của công ty và cơ quan chuyên môn tỉnh Lai Châu, sau 8 năm kiến thiết cơ bản, đến nay cây cao su bắt đầu cho thu hoạch. Sản lượng mủ cao su nơi đây cũng không thua kém gì so với các tỉnh phía nam bởi khí hậu khá thuận lợi, tầng đất dày, nắng nóng phù hợp cho cây cao su sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 2 tháng khai thác 36,74ha cao su đến nay, NT Lùng Thàng đạt sản lượng mủ 5.217 tấn, NT Nậm Cuổi với 34,31ha đạt 6.372,1 tấn.

Người dân phấn khởi, tin tưởng với kết quả bước đầu

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thắng – Phó TGĐ Công ty CPCS Lai Châu cho biết: “Trên địa bàn huyện Sìn Hồ nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung cây cao su là loại cây mới. Lúc đầu khi triển khai chủ trương trồng cao su, bước đầu gặp không ít khó khăn khi người dân tham gia góp đất quy chủ, khai hoang trồng mới. Đặc biệt bà con hoài nghi về loại cây công nghiệp mới này liệu có cho mủ như những tỉnh phía Nam. Nhưng qua khai thác thử đến nay, người dân rất phấn khởi, tin tưởng cây cao su đã cho mủ, điều đó có nghĩa bà con sẽ được hưởng lợi từ góp đất, gắn bó lâu dài làm CN cho công ty”.

Chủ trương này đã tạo ra bước thay đổi căn bản về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, về tư duy, nhận thức của đồng bào. Từ chỗ người nông dân chỉ quen với phương thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu, mùa vụ, du canh, chăn thả gia súc tự do. Đến nay hình thành tư duy làm ăn mới như: thâm canh tăng vụ (trồng xen hoa màu dưới với cây cao su), chăn thả gia súc tập trung, quen với tác phong trồng cây công nghiệp với quy mô lớn… Qua đó tận dụng tối đa về thời gian, lao động, việc làm, tăng thu nhập cho người dân và ổn định đời sống nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu

Trở lại 8 năm về trước, tỉnh Lai Châu triển khai trồng cây cao su trên địa bàn các xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ. Đây là việc mới, việc lớn nên khi chuyển đổi, góp đất trồng cao su, nhiều người dân chưa thực sự tin tưởng vào hiệu quả loại cây này. Trước tình hình đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, phối hợp huyện Sìn Hồ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như giá trị kinh tế từ cây cao su tới bà con. Cây cao su không chỉ giữ nguồn nước, che phủ rừng, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt tăng độ che phủ rừng mà thu hút con em đồng bào làm CN.

Các chính sách, cũng như quyền lợi của bà con khi góp đất trồng cao su luôn được thực hiện công khai, rõ ràng. Bên cạnh đó, huyện cũng lồng ghép các chương trình, nguồn vốn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chương trình phát triển cây cao su hiệu quả, thiết thực.

Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Chương trình trồng và phát triển cây cao su của tỉnh thu được kết quả khả quan khi toàn tỉnh trồng được gần 13.000ha tại các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn và Than Uyên, trong đó có khoảng 100 ha đã đến tuổi thu hoạch. Diện tích đã trồng hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt, khẳng định loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây.

Bà con xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cạo mủ cao su.
Bà con xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cạo mủ cao su.

Chị Phúc Thị Ngân – CN NT Lùng Thàng, Công ty CPCS Lai Châu phấn khởi chia sẻ: “Trực tiếp tham gia cạo mủ tôi mới tin cây cao su nơi đây có thể thích nghi và phù hợp để phát triển. Bà con nơi đây vui lắm, có mủ rồi người dân sẽ tin hơn, có thêm động lực để gắn bó lâu dài với loại cây công nghiệp mới này. Không chỉ vậy, Công ty còn tạo điều kiện tốt nhất về nơi ăn, chốn ở, các chế độ xã hội, tiền lương của CN. Làm CN lương cao hơn làm nương rẫy, ai trong vùng này cũng thấy phấn khởi và tin tưởng”.

Không chỉ được tham gia làm CN, bà con khi góp đất trồng cây cao su sẽ được nhận tiền và được hưởng 10% sản phẩm cao su trên diện tích đất đã góp. Phía Công ty CPCS Lai Châu sẽ chi trả cho người dân 1 năm 2 lần tiền hưởng lợi mủ. Để đảm bảo cho CN thu hoạch mủ cao su đúng quy trình, công ty đã tổ chức tập huấn cạo và cách đánh đông, bảo quản mủ cao su.

Rời Sìn Hồ khi bóng chiều đang ngả dần khuất sau dãy núi cao, những đồi cao su đang bắt đầu ẩn mình chìm trong màn sương. Hy vọng dòng “vàng trắng” tuôn chảy sẽ mang đến cho đồng bào các dân tộc một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tùng Phương